Trở lực với sinh viên gốc Á tại các trường đại học Mỹ

(Dân trí) - Có một cuộc đua ngầm trong các trường đại học Mỹ, nhằm hạn chế các sinh viên châu Á đang ngày càng gia tăng tại một trong những quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới.

Khi Jonathan Hu còn học trong trường phổ thông tại ngoại ô miền nam California, cậu rất ít khi nghe thấy ai đó nói tiếng Trung Quốc. Nhưng trong khuôn viên ĐH Berkeley (California) với 24.000 sinh viên từ các nước khác nhau, Hu có thể nghe thấy tiếng Trung khắp mọi nơi, trong lớp học, tại căngtin, phòng nghiên cứu, khu ký túc xá... bên cạnh tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

 

Jonathan Hu, sinh viên năm thứ 2, nói: “Ở đây rất nhiều người nói tiếng Trung Quốc như là ngôn ngữ chính. Điều đó thật tuyệt. Bạn thực sự cảm thấy mình không bị đứng ngoài cuộc”.

 

Chỉ trong mùa thu này, số lượng sinh viên Mỹ gốc châu Á năm thứ nhất tại Berkeley đã tăng tới mức kỷ lục, khoảng 46% trong khi tỉ lệ những người chưa tốt nghiệp là 41%. Trong khu khuôn viên của ĐH Berkeley, xen lẫn những vườn cây tùng là các khu nhà ở của sinh viên châu Á. Và từ đó, chỉ cần đi bộ 5 phút, bạn có thể gặp quán ăn tự phục vụ Bear's Lair với các món ăn đặc trưng của người châu Á như phở, và nhiều câu lạc bộ xã hội mang phong cách của các nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương.

 

Tỉ lệ sinh viên châu Á tại ĐH Berkeley tăng cao trong những năm gần đây là kết quả của làn sóng di cư âm thầm diễn ra trong nhiều năm. California hiện là bang có 12% dân số là người châu Á, cao gấp 2 lần so với tỉ lệ trung bình trên toàn nước Mỹ. Sinh viên châu Á hiện là cộng đồng thiểu số độc lập lớn nhất, chiếm 37%, tại 9 trường đại học của Mỹ.

 

Trên khắp nước Mỹ, tại các trường đại học công lập và tư thục, số lượng sinh viên châu Á ngày càng tăng nhanh. Hiện người Mỹ gốc châu Á chỉ chiếm dưới 5% dân số nhưng lại có tới từ 10 - 30% sinh viên trong các trường đại học tốt nhất của quốc gia. Năm 2005, sinh viên châu Á tại đại học Carnegie Mellon và Stanford là 24%, Học viện công nghệ Massachusetts 27%, Yale 14% và Princeton 13%.

 

Trong khi tỉ lệ sinh viên châu Á tăng thì tỉ lệ các nhóm thiểu số khác giảm đáng kể. Năm nay, trong 4.809 sinh viên năm thứ nhất của ĐH California tại Los Angeles thì chỉ có 100 sinh viên người da đen - con số thấp nhất trong vòng 33 năm qua.

 

Tại Berkeley, 3.6% sinh viên năm thứ nhất là người da đen, vừa bằng một nửa tỉ lệ của cả nước, trong khi đó con số này vào năm 1997 là 7%. Tỉ lệ sinh viên Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là 11%, bằng 1/3 tỉ lệ trên toàn nước Mỹ, 35%. Sinh viên năm thứ nhất thuộc nhóm da trắng chiếm 29% và cũng thấp hơn tỉ lệ của quốc gia, 44%.

 

Tuy nhiên, không phải trường đại học nào của Mỹ cũng sẵn sàng nhận các sinh viên có nguồn gốc châu Á mặc dù họ có điểm học tập cao hơn nhiều so với các nhóm thiểu số khác.

 

Mục tiêu của các trường đại học lập công lập tại Mỹ là tạo ra một thế giới thu nhỏ với nhiều sinh viên thuộc các châu lục khác nhau để làm giàu kinh nghiệm giáo dục từ các nền văn hoá, nền tảng kinh tế và quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường đại học danh tiếng của Mỹ đã lờ đi những đơn xin học có điểm số cao từ các sinh viên Mỹ gốc châu Á để nhường ưu tiên cho các sinh viên thuộc các nhóm thiểu số khác có số điểm thấp hơn.

 

Trong cuốn sách xuất bản gần đây Daniell Golden, phóng viên của tạp chí Tạp chí phố Wall, đã đưa ra bằng chứng rằng, nhóm các trường đại học danh tiếng tại miền Đông nước Mỹ đã hạn chế các sinh viên châu Á có kết quả học tập vượt trội.

 

Một nghiên cứu được Trung tâm Cơ hội Bình đẳng công bố vào tháng 10/2006 đã cho thấy, trong năm 2005, sinh viên Mỹ gốc châu Á được chấp nhận vào trường đại học Ann Abor tại Michigan với một tỉ lệ thấp hơn nhiều (54%) so với những sinh viên da đen (71%) và sinh viên Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (79%) - mặc dù điểm thi kiểm tra khả năng của học sinh (SAT- Scholastic Aptitude Test) của sinh viên châu Á cao hơn trung bình 140 điểm so với sinh viên Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và 240 điểm so với sinh viên người da đen.

 

Jian Li, sinh viên tại đại học Yale đã gửi thư tới Văn phòng Quyền công dân thuộc Bộ giáo dục Mỹ, phàn nàn rằng anh không được chấp nhận vào ĐH Princeton chỉ vì Li là người châu Á mặc dù có điểm học tập không tồi.

 

Li nói: "Chúng ta bị hạn chế bởi nhiều tiêu chuẩn khác nhau đơn giản chỉ vì cuộc đua giữa người Mỹ với người châu Á".

 

Li viết trong thư rằng, cách thức mà Princeton lựa chọn sinh viên "dường như là một động thái của người da trắng muốn đảo vị trí đầu bảng trong khi lại ra vẻ mã ngoài tiến bộ". Li nói thêm: "Tôi không tìm kiếm cái gì cho cá nhân. Tôi hạnh phúc khi ở Yale nhưng tôi nghĩ rằng nước Mỹ không nên có một cuộc đua như vậy".

 

Các quan chức chấp nhận học sinh vào trường từ lâu nay vẫn phủ nhận họ áp dụng "hạn ngạch" với sinh viên châu Á.

 

Các trường đại học danh tiếng giống như Princeton cân nhắc hồ sơ xin học bằng cách thức riêng của họ, chẳng hạn nhìn vào các sinh viên đặc biệt, sở thích ngoại khoá hay các nhân tố kinh tế xã hội chứ không đơn thuần là bảng điểm học tập.

 

Cass Cliatt, phát ngôn viên của ĐH Princeton nói: "Không có công thức hay chuẩn nào để đánh giá sinh viên". Điểm học xuất sắc dường như chỉ đơn thuần là một ranh giới. "Chúng tôi đã loại khoảng gần 1 nửa đơn nhập học số điểm SAT rất cao".

 

California, Texas, Florida, Washington và mới nhất là Michigan đã thông qua một nghị định bác bỏ mọi sự phân biệt đối xử nguồn gốc trong quá trình tuyển sinh. Tới đây, một số bang khác như Arizona, Colorado, MissouriNebraska cũng sẽ dự kiến thông qua nghị định này.

 

VTH

Theo IHT