Triều và “những đứa con sặc sỡ”
Làm quen với loài vẹt từ khi 3 tuổi, Đặng Hải Triều (trường CĐ Đại Việt Sài Gòn) nuôi dưỡng tình yêu ấy đến khi vào giảng đường. Suốt nhiều năm, với những kinh nghiệm nuôi vẹt được ghi chép, Triều đã cho ra mắt e-book đầu tiên về loài vẹt tại Việt Nam.
Xem vẹt như con
Tài liệu nuôi vẹt ở Việt Nam khá ít và sơ sài. Muốn có tài liệu, người chơi phải đọc sách nước ngoài. Nhận thấy sự bất tiện đó, Hải Triều dành hẳn một năm để hoàn thành e-book Làm thế nào để chăm sóc và huấn luyện vẹt?, từ những ghi chép của bản thân, những tư liệu về vẹt của nước ngoài. Để cho người đọc không nhàm chán, Triều còn vẽ và chụp ảnh minh họa, quay các clip ngắn lồng vào e-book.
Triều cho biết: “Mỗi e-book, mình bán giá 500.000 đồng. Trong đó, bạn có được tất cả các thông tin chi tiết về cách chăm sóc, dạy vẹt làm trò, cho vẹt ăn… E-book liên tục cập nhật những giống vẹt mới nhập nên người đọc không cần phải tìm thông tin thêm khi chuyển sang nuôi loài vẹt khác”.
Sách của Triều chứa thông tin nhiều giống vẹt khác nhau, như: Vẹt Xích, vẹt xám châu Phi, vẹt Macaw, vẹt Cockatoo… Nuôi vẹt thú vị nhất là dạy nó làm trò. Đây là điểm nhấn trong e-book của Việt. Sách có hàng chục clip hướng dẫn tỉ mỉ cách dạy vẹt làm trò, như: Lắc đầu, bắt tay, nói chuyện, chui ống,…
Sau gần một năm ra mắt, sách của Hải Triều nhận được phản hồi rất tích cực. Để có được những đánh giá cao, Triều luôn tìm tư liệu bổ sung.
Triều kể: “Mình thường xuyên được bạn đọc gọi điện, tham khảo ý kiến. Có bạn hỏi cách cắt móng cho vẹt. Mình phải chỉ cách rất kỹ, vì móng vẹt có các mạch máu, nếu cắt phải thì vẹt sẽ đau. Một lần, mình nhận được cuộc gọi của một bạn hoảng hốt khi vẹt bị… gãy chân. Mình hướng dẫn kẹp gỗ vào chân và chuyển vẹt đến trạm thú y gấp”.
Để hoàn tất e-book về vẹt, cậu bạn đọc, dịch nhiều tài liệu và dành thời gian ăn, ngủ cùng vẹt. Triều xem vẹt như thể chúng là những đứa con của mình.
Mỗi ngày, Triều quan sát vẹt tỉ mỉ từng li từng tí và tập cho chúng trò mới. Triều hiểu rõ tính cách của từng con. Con này thích ăn hạt gì, con kia thích tắm lúc nào, thích đặt chuồng ở đâu… Vẹt như trẻ con, không chiều chuộng là chúng gây ồn ào. Triều nói vui: “Hiểu con của mình thì làm bố mới tốt!”.
“Bố ơi, ăn cơm !”
Khi mới 3 tuổi, Triều được ba tặng chú vẹt đầu tiên làm bạn. Tình yêu vẹt lớn dần theo năm tháng. Triều đã nuôi nhiều dòng vẹt, mỗi con đem đến những cảm xúc khác nhau. Cậu chia sẻ: “Mình từng bị “sốc” khi dịch cúm gia cầm bùng phát. Mình phải nói lời tạm biệt với tất cả những “đứa con”. Suốt một thời gian dài, không được nghe tiếng vẹt, mình buồn vô cùng”.
Susi là tên chú vẹt Xám châu Phi mà Triều dành nhiều tình cảm nhất. Triều nuôi Susi được hơn một năm. Ăn, ngủ, học… Triều đều ở bên Susi. “Đứa con” này Triều nuôi từ khi nó mới nở. Đến giờ, Susi đang tập nói.
Triều kể: “Loài vẹt tập nói lúc được 2 – 3 tháng tuổi. Những từ lên giọng như “cảm ơn”, “có khách” vẹt sẽ nói được nhanh hơn những từ khác”. Mỗi khi muốn ăn, chú vẹt của Triều lại kêu: “Bố ơi, ăn cơm!”.
Hải Triều giao lưu với khá nhiều hội nuôi vẹt từ Nam ra Bắc. Cậu bạn nhận thấy cách nuôi vẹt ở nước ta còn khá nhiều sai sót nên tuổi thọ vẹt thường ngắn, vẹt lại không thông minh bằng vẹt các nước khác.
Với tình yêu “to bự” với loài vẹt, Hải Triều còn tạo ra website thegioivet.com làm “ngôi nhà” chung cho các bạn trẻ yêu loài chim đặc sắc này. Đây là nơi để các bạn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thú nuôi vẹt.
Theo Thuận Tùng
Sinh viên Việt Nam