Triết lý trà đá của Quyên

Ít người tin là “con bé Quyên bán trà đá, nghèo rớt và đen thui” ở Long An ngày xưa giờ thành giám đốc đi mua franchise. Thích hơn nữa, cô gái 26 tuổi này sẵn sàng chìa ra cho mọi người bí quyết thành công của mình: triết lý trà đá.

Nhà Quyên ở quê, bé tẹo. Phần lớn diện tích căn nhà lại được dùng cho việc bán phở của mẹ. Quyên chỉ có một góc nhỏ xíu xiu, đủ để trải một chiếc chiếu, kê một cái thùng carton, vừa là nơi đựng toàn bộ của nả, vừa là bàn học, và là nơi để tính toán mọi kế hoạch kinh doanh của mình.

 

Năm học lớp hai, Quyên tham gia “cổ phần” bán trà đá trong quán của mẹ. Lời lãi chẳng là bao, nhưng đó là cả một gia tài đối với con nhà nghèo. Sau đó, đến năm lớp sáu, cắc ca cắc củm được vài đồng, cô nàng bắt đầu kê thêm cái bàn bán bánh mì.

 

Nhật ký của cô học trò giỏi nhất lớp ấy đầy ắp những chuyện buôn buôn bán bán như thế.

 

Vừa làm, vừa học không giỏi

 

Có một chuyện khá buồn cười. Đó là chuyện cô nàng đi thi đại học ngành báo chí. Đơn giản chỉ vì một ước mơ: được người khác cắt và dán vô sổ những điều mình viết trên báo, y như việc Quyên vẫn làm cả chục năm trời nay vậy.

 

Và thế là đi học đại học, ở Sài Gòn hẳn hoi. Tô phở nhà quê của mẹ thì không đủ đâu vào đâu, lên Sài Gòn cũng không thể bán bánh mì với trà đá được, Quyên chuyển nghề: đi tiếp thị mỹ phẩm. Rồi tranh thủ giờ rảnh, bắt đầu “chạy show” hàng chục nghề linh tinh khác: bán bảo hiểm, dạy kèm, viết báo…

 

“Tới năm thứ hai, là dư tiền nuôi bản thân, còn gửi được chút đỉnh về quê rồi. Nên thật ra không cần phải lo lắng việc kiếm tiền nữa. Nhưng đi làm thì vui, lại học hỏi được đủ thứ”.

 

Bốn năm trời trên giảng đường, Quyên cứ miệt mài vừa học vừa làm, theo đúng công thức “cổ truyền” ở quê: vô lớp là quăng hết mọi thứ ra khỏi đầu, tập trung để nắm hết kiến thức, xong rồi… thôi, không phải tốn nhiều thời gian và công sức để học bài lại khi thi”.

 

Và cứ như thế, Quyên chưa bao giờ là người học giỏi, nhưng khoá đấy, cô là một trong những sinh viên chưa bao giờ… thi lại.

 

Tâm buôn buôn bán bán

 

 

Triết lý trà đá của Quyên  - 1

Lê Thị Tố Quyên, giám đốc công ty TNHH Phát thực phẩm, liệt kê “tài sản” của mình như sau: “26 tuổi, tôi có đến 2 cái đồng tiền trên má, lại có một gia đình bé xinh với cô con gái 3 tuổi hát hay ơi là hay. Tôi còn có cả một núi công việc cần phải làm phía trước nữa...”.

Khoảng thời gian làm việc chung với Quyên trong nghề báo thật ra có nhiều kỷ niệm. Nửa đêm, nổ xí nghiệp rượu ở Bình Dương, cô nàng một mình phóng xe ra hiện trường. Chụp chụp, hỏi hỏi, chạy một vòng tìm hiểu nguyên nhân trong khi người co rúm lại vì lạnh. Đến khi gặp vợ một nạn nhân bị thiệt mạng thì cô nàng kiệt sức, nhào vô… khóc chung với người phụ nữ xấu số.

 

Rồi Quyên quay trở lại, đi đòi cho bằng được suất bảo hiểm cùng những đền bù cho người vợ này. “Người ta có biết Quyên không?” - “Làm sao biết được. Gặp nhau hai, ba lần gì đó trong tình trạng chị ấy đang khủng hoảng tinh thần, sau này thỉnh thoảng cũng hỏi thăm gia cảnh của chị từ phía một người quen khác ở gần khu đó thôi.

 

Ông xã hay la Quyên cái tội đa đoan, nhưng cứ nhìn những người khác, đã bất hạnh, còn bị đối xử thiếu công bằng, thì không thể chịu đựng nổi”.

 

Quyên lập gia đình, và sau một lần suýt chết vì động thai, cô nằm nhà. Đâu biết rằng, đó lại là một ngã rẽ mới trong cuộc sống…

 

Bánh mì xưa và nay

 

“Hồi nhỏ, ở quê, ai đi Sài Gòn về mà cho được ổ bánh mì là mừng lắm. Bánh mì Sài Gòn ngày xưa, ngon kinh khủng: ruột đặc, thơm ngát mùi bột. Ăn mà cứ sợ hết, nên cứ ngậm ngậm trong miệng để cho nó tan thành vị ngọt nơi đầu lưỡi”.

 

Hình như khi… có bầu, người ta thường thèm những thứ rất khó tìm thấy. Không tìm ra, sao mình không tự làm? Vậy là Quyên lén chồng, đi lân la đây đó tìm người… biết làm bánh mì.

 

Cũng đâu có gì là khó, vốn nhẹ tênh, mặt bằng ở khu “nhà nghèo” cũng rẻ. Vậy là lò bánh mì ra đời. Mỗi ngày, những người dân lao động ở xóm nghèo phường An Lạc, quận Bình Tân lại đến chờ mua “bánh mì cô Quyên”, giá 1.000 đồng, ăn no tới trưa, lại được tặng kèm một bịch trà đá…

 

Cũng một con tính của ngày xưa, nhưng thay vì kiếm vài ngàn mỗi ngày để đóng học phí, giờ Quyên bán mỗi ngày gần hai ngàn ổ, lại bán tận tay người tiêu dùng chứ không qua trung gian, và số tiền mang về mỗi ngày đâu đó cả triệu…

 

Mua franchise ngẫu nhiên

 

Lâu thật lâu, gặp lại Quyên. Vẫn vậy, nhiệt tình, sôi nổi và luôn đầy ắp niềm vui. Cô giám đốc Công ty Phát thực phẩm ngồi nói chuyện mua franchise của Kinh Đô, mở một cửa hàng tại 421-423 Trường Chinh, P.14, Tân Bình. “Thấy vụ này cũng hay, nên làm. Đâu biết chuyện lấy thương hiệu, công thức có sẵn của người ta làm thì gọi là franchise, đang là mốt. Làm ăn thời buổi này, phải tự lượng sức mình chứ.

 

Cứ mở ra, tự làm thương hiệu, tạo uy tín, mò mẫm cách thức quản lý, kinh doanh… có vẻ không ổn. Đằng này mọi thứ có sẵn, mình góp thêm một chút, mình cũng có lời, bà con lại được ăn bánh ngon, vấn đề quan trọng là để mọi người khỏi mua mấy loại bánh từ Trung Quốc, Thái Lan nhập qua. Đồ mình làm ra, tươi mới, sạch sẽ, phải cạnh tranh ăn đứt hàng ngoại chứ”. Ờ, cái công thức rất “trà đá” của Quyên nghe rất hợp tình hợp lý trong chuyện đi mua nhượng quyền thương mại.

 

Và cô nàng đang tính một chuyện còn “phiêu” hơn: biến “trà đá” kiểu Việt Nam thành sản phẩm công nghiệp và tìm đường xuất khẩu. Ờ thì, Lê Thị Tố Quyên cũng chỉ mới 26 tuổi thôi mà…  

Theo Trần Nguyên
Sài Gòn Tiếp Thị