Trên “toa tàu” Liberal Arts

Một nhà kho cũ ở 632 Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, TP. HCM, được một nhóm bạn trẻ thuê, sửa chữa, với hình ảnh mô phỏng một chuyến tàu. Các bạn đặt tên nơi đây là Toa Tàu, lấy cảm hứng từ Totto-Chan bên cửa sổ, cuốn sách đầy cảm hứng về chủ đề giáo dục.

Tại Toa Tàu, những người trẻ xây dựng một tổ hợp học tập sáng tạo (Creative Learning Hub) theo tinh thần giáo dục khai phóng (liberal education) gồm nhiều lớp học thú vị, như: Ukulele, Gấp giấy Origami, Chụp ảnh kể chuyện, Thuyết trình kể chuyện, Vẽ kể chuyện.

 

Với slogan “Nơi người lớn được làm trẻ con và trẻ con được là chính mình”, những người trẻ sáng lập hy vọng, học viên có cảm giác phấn khởi của cô bé Totto-Chan khi đứng trước toa tàu của thầy Kobayashi Sosaku: “Ngồi học ở đây sẽ giống như trong một chuyến đi dài, cứ đi mãi, đi mãi”.

 

Một nhà kho được các bạn trẻ thuê và biến thành mô hình Toa Tàu.
Một nhà kho được các bạn trẻ thuê và biến thành mô hình Toa Tàu.

 

Vận hành bằng niềm vui

 

Họa sĩ Bút Chì (thạc sĩ ngành Truyện tranh, tại Savannah College of Art and Design, Mỹ) là một trong ba người đồng sáng lập Toa Tàu.

 

Anh chia sẻ: “Lâu nay, giáo dục chúng ta quá nhấn mạnh đúng, sai, điểm số cao thấp. Điều đó sinh ra tâm lý lệ thuộc, sợ sai, thụ động. Ở Toa Tàu thì ngược lại. Người sáng tạo phải tự cho phép mình sai và phạm lỗi. Như vậy, họ mới chạm vào chìa khóa của tự do sáng tạo”.

 

Đến Toa Tàu, lúc nào người ta cũng bắt gặp không khí sáng tạo vui vẻ, thoải mái. Bút Chì giải thích: “Nếu con người tiếp nhận kiến thức mà không vui, không hứng thú thì dù kiến thức hay bao nhiêu, nó cũng sẽ tự rời bỏ chúng ta”.

 

Toa Tàu có những lớp học cho thiếu nhi và cả người lớn. Nhiều vị tỏ ra bối rối vì lớp học không học, chỉ toàn thấy vừa chơi vừa học. Người ta có thể đến lớp học mà không nhất thiết phải có năng khiếu. Chỉ cần niềm vui thích khám phá là đủ. Không ít kỹ sư, sinh viên ngành Kỹ thuật quây quần xếp giấy Origami, vẽ tranh. Giáo viên hướng dẫn cũng là những người trẻ.
 
Không có điểm số và không sợ sai.
Không có điểm số và không sợ sai.

 

Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1992, tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa, FPT Arena) là giáo viên chuyên đề “Khám phá hình ảnh dành cho trẻ em”. Anh bỏ công việc có thu nhập ổn định để đầu tư vào đây.

 

Phát nói: “Mình ngộ ra rằng, với một môi trường mà mình có thể tự do học hỏi chuyên sâu phát triển bản thân, bạn không còn cho rằng tiền là cứu cánh nữa. Mục tiêu của mình là trở thành một họa sĩ vẽ minh họa giỏi. Mình cảm thấy vui và hạnh phúc khi ở Toa Tàu”.

 

Khởi nghiệp với giáo dục nghệ thuật

 

Với các sáng lập viên, Toa Tàu là một dự án khởi nghiệp. Khi nghĩ đến một dự án khởi nghiệp (start-ups), ít ai tính đến một dự án giáo dục nghệ thuật.

 

Họa sĩ Bút Chì chia sẻ: “Những dự án khởi nghiệp chúng ta được biết ở Mỹ chủ yếu là khởi nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ. Nhìn sang các nước châu Á cạnh mình, mới thấy chúng ta đang có không gian để làm những điều mới.

 

Rất nhiều lĩnh vực, nhiều khoảng trống chưa ai khai phá để chúng ta làm. Dự án độc lập như Toa Tàu có bất lợi là không được hỗ trợ nhưng bù lại, có được sự đột phá, mới mẻ”.
 
Nơi trẻ con có thể vẽ lên sàn nhà.
Nơi trẻ con có thể vẽ lên sàn nhà.

 

Quy trình của một môn học mới được bắt đầu bằng vai trò giám tuyển của Bút Chì. Anh tìm kiếm chuyên viên thông qua những lớp vẽ kể chuyện mà anh đã tổ chức. Nhìn thấy khả năng của một người, anh thuyết phục, khuyến khích, động viên họ chia sẻ khả năng với cộng đồng.

 

Khi chuyên viên đồng ý tham gia, cả hai cùng lên chương trình. Sau đó, là những buổi chạy thử miễn phí để tự đánh giá chất lượng, sau đó, đưa ra đề xuất để chương trình ngày càng hấp dẫn hơn.

 

Có bạn trẻ hỏi: “Với 500 triệu đồng thì nên khởi nghiệp cái gì?”, họa sĩ Bút Chì bộc bạch: “Tụi mình giải bài toán vốn ít bằng phương thức “cuốn chiếu”. Toa Tàu đảm bảo tài chính vững chắc, có thể sống được, trả lương được cho những giáo viên cộng tác bằng việc mở các lớp học”.

 

Dự án Toa Tàu cũng không ngốn nhiều tiền như dự tính ban đầu của các sáng lập viên. Hiện tại, Toa Tàu đang chạy 5 lớp, đều đầy học viên. Tối đa một lớp cho trẻ em khoảng 12 học viên. Lớp dành cho người lớn khoảng 25 người. Thời gian học 2 – 3 giờ đồng hồ.

 

Tùy thời lượng chương trình, nội dung mà học phí có thể dao động khoảng 150.000 – 250.000 đồng/buổi. Học phí vừa đủ để Toa Tàu vận hành, chi trả dụng cụ học tập. Toa Tàu chưa thể mở được nhiều lớp hơn vì thời gian của các giáo viên khá hạn chế. Giáo viên đến vì đam mê và niềm vui, cũng nhận phần thù lao vừa phải để Toa Tàu có thể “chạy” tốt.
 
Buổi học có thể biến thành một cuộc vui.
Buổi học có thể biến thành một cuộc vui.

 

Đi ngược với … đường đến sa mạc

 

Bên cạnh workshop miễn phí, Toa Tàu có các lớp nghệ thuật xã hội hóa, dành cho những người không đủ điều kiện kinh tế và thời gian đi học, những nhóm yếu thế. Chẳng hạn, các lớp nhiếp ảnh kể chuyện, lớp vẽ cho công nhân, người lao động nghèo, những người không bao giờ nghĩ một ngày mình được thử cầm cọ, cầm máy ảnh để thể hiện góc nhìn của mình. Toa Tàu muốn chứng minh, nghệ thuật không xa xỉ.

 

Hiện nay, Toa Tàu còn hỗ trợ mặt bằng triển lãm các sản phẩm sáng tạo miễn phí cho người trẻ không thuộc Toa Tàu, giúp các bạn giới thiệu, quảng bá các sản phẩm sáng tạo. Nhờ trao cơ hội, mang lại giá trị cho người khác, Toa Tàu kết nối mạng lưới sáng tạo trẻ.

 

“Khi chia sẻ, Toa Tàu không sợ bị copy ý tưởng. Ở đây, mỗi giáo viên đều có những giáo án thiết kế cho chính họ và bởi chính họ. Nếu giáo án đó mang cho người khác, kết quả thực hiện sẽ khác. Còn trong trường hợp có ai đó copy ý tưởng Toa Tàu, tụi mình rất vui vì giá trị của tụi mình xây dựng được lan tỏa trong xã hội”, Bút Chì bày tỏ.

 

Thực sự, xã hội đang ở giai đoạn rất cần các dự án giáo dục nghệ thuật, giáo dục nhân bản như những gì Toa Tàu đang thực hiện. Hiện nay, nhìn vào xã hội, người ta thường nhìn thấy những điều gây sốc nhiều hơn là những gì hướng đến tâm hồn con người. Nếu cứ tiếp tục bỏ rơi tâm hồn, chúng ta không chỉ bỏ rơi, làm hại chính mình mà còn làm hại cả thế hệ sau.

 

Bút Chì nói: “Trong các bạn trẻ tìm đến với Toa Tàu, chúng mình thấy được họ ý thức điều này rất rõ. Toa Tàu đang vận hành trong một dòng chảy lớn của xã hội. Tụi mình đang cố gắng cân bằng lại hiện trạng cuộc sống, giúp “cơ thể sống” của xã hội có đề kháng, sống khỏe và hạnh phúc hơn. Đó là cái lõi giá trị của công việc tụi mình làm”.

 

Sáng lập viên Toa Tàu gồm: Họa sĩ Bút Chì, tên thật Đỗ Hữu Chí (sinh năm 1984), nhà báo – dịch giả Phương Huyên (sinh năm 1984) và Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1980, tiến sĩ dự án xây dựng, ĐH Texas – Austin).

 

Ý tưởng về Toa Tàu được hình thành vào tháng 4/2014, sau khi lớp vẽ kể chuyện trên cả nước thu hút được đông đảo bạn trẻ tham gia, ủng hộ. Các lớp thuộc tổ hợp Toa Tàu bắt đầu chạy từ tháng 7/2014.

 

Theo Thảo Nguyên

Sinh viên Việt Nam