Trẻ “tự tử tập thể”: Bỏ ngỏ kỹ năng sống?

Gần đây, hiện tượng học sinh tự tử tập thể vì những lý do nghe có vẻ không đáng… đã không còn là hy hữu. Việc <a href="http://www5.dantri.com.vn/nhipsongtre/2006/5/119990.vip">5 nữ sinh lớp 7 ở Hải Dương trầm mình</a> vừa qua ghi thêm một “điểm nhấn” về xu hướng “tự tử tập thể” này.

Các nhà tâm lý và giáo dục đã lên tiếng nhân sự kiện đáng buồn này.

 

Nên sớm cho trẻ trải nghiệm - Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)

 

Chưa hết bất ngờ về vụ 5 học sinh lớp 7 ở Hải Dương, tôi lại được đọc về một đôi nam nữ vị thành niên quyết định tự tử, vì bị ngăn cản yêu sớm.

 

Ở đây, phải thấy, chuyện bố mẹ mắng là bình thường; chuyện bạn bè giận dỗi nhau cũng không có gì đặc biệt. Nhưng vì các em ở trong một nhóm, khi có bức xúc, lại co cụm trong một nhóm bạn, nên càng cảm thấy bế tắc. Việc chia sẻ với nhau không mất đi mà lại cộng hưởng lên.

 

Trong giới trẻ học đường, bao giờ cũng có xu thế chia nhóm. Đó là quy luật tâm lý. Việc lập nhóm chơi riêng cũng có rất nhiều điểm tốt. Chỉ có điều, ở tuổi các em, đôi khi chưa có ý thức mạnh mẽ về cuộc sống và thiếu kinh nghiệm, nên khi sinh ra việc: có nhu cầu giải quyết, lại không giúp đỡ, chia sẻ với nhau được mà lại giải quyết theo xu hướng tiêu cực. 

 

Nhìn lại nhiều vụ việc tương tự, đều thấy các em đi đến những quyết định này tương đối dễ dàng, không có sự tâm sự, trao đổi những băn khoăn, bức xúc với bố mẹ, anh chị em, thầy cô…

 

Việc đáng tiếc xảy ra, tôi nghĩ không hẳn là lỗi của trường hay gia đình.  

 

Cuộc sống bây giờ phức tạp, con người có thể yếu đuối trước thiên nhiên, yếu đuối trước chính mình. Trong xã hội hiện đại, chúng ta càng trả giá nhiều, có những sự việc không phải đợi trẻ em lớn lên mới cho  tiếp cận mà sớm cho trải nghiệm, sẽ tốt hơn. Có thể trải nghiệm dưới những hình thức này khác. Và một trong những con đường dạy các em trải nghiệm là qua giáo dục.

 

Hiện tại, giáo dục của chúng ta tập trung nhiều vào giảng dạy văn hoá, mà chưa chú trọng đến nhiều những khía cạnh hoạt động tinh thần. Theo tôi, một điều rất cần hiện nay là giáo dục cho học sinh một nền tảng sâu hơn về giá trị sống và kỹ năng sống.

 

Giáo dục về giá trị sống: dạy cho các em biết thế nào là tôn trọng, yêu thương, tự do… Ý thức được những giá trị căn bản này, các em sẽ trang bị nhận thức và bản lĩnh tốt hơn. 

 

Dạy nhiều hơn về các kỹ năng sống, xử lý tình huống như kỹ năng tư duy, giao tiếp, ra quyết định, lắng nghe… Những kỹ năng nay phải được rèn luyện, qua trao đổi thảo luận. 

 

Chưa có phân tích “made in VietNam” - BS Nguyễn Minh Tiến, Hội khoa học tâm lý giáo dục TPHCM

 

Trước đây, cũng đã có những trường hợp như thế này. Người ta chỉ nêu sự kiện, sau đó là quên lãng. Chưa có một nghiên cứu, phân tích “made in VietNam” nào. Lẽ ra, những trường hợp trước đây phải được quan tâm, các em phải được hỗ trợ, theo dõi trong một thời gian dài, nhưng  ta chưa làm được.

 

Các em cùng rủ nhau tự tử, mỗi em một hoàn cảnh, một nguồn lực hỗ trợ khác nhau, nhưng đã chọn cách giải quyết sự việc giống nhau. Chính vì các em nghĩ, đó là cùng nhau chia sẻ khó khăn. Các em nghĩ, ngoài nhóm bạn của mình ra, chẳng còn ai trên đời này cho mình tin tưởng nữa.

 

Trẻ tự tử liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều yếu tố. Những tác động từ bên ngoài, những tình huống làm trẻ nghĩ mình bị huỷ đi giá trị của bản thân, chỉ còn cách tìm đến cái chết. Nếu không làm thế, trẻ sẽ không chịu nổi. Chính vì thế, xã hội càng phát triển thì đòi hỏi phải cung cấp cho trẻ con những nguồn hỗ trợ tinh thần.

 

Ở xã hội nào cũng thế, người trẻ cần phải có một nguồn lực bảo vệ, môi trường che chắn. Nếu không có, đương nhiên trẻ sẽ không có khả năng cân bằng cuộc sống cho chính mình. Muốn vượt qua những khó khăn, biến cố trong cuộc sống, con người ta cần phải có một nội lực đối trọng - cân bằng với những tác động bên ngoài.

 

Nếu nguồn lực bảo vệ kém, không có nguồn hỗ trợ cân bằng thì sẽ làm trẻ tổn thương và ảnh hưởng đến cá nhân, sự hình thành nhân cách của trẻ. Điều người lớn cần làm là tăng sức đề kháng cho trẻ.

 

Ảnh hưởng thời đại khiến các em coi nhẹ cái chết - Cô Trần Thuỳ Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Anh, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)

 

Lỗi một phần nhỏ, thuộc về phía gia đình các em. Ở lứa tuổi “ẩm ương” như thế này, một câu mắng mỏ trong lúc bực mình, một chút cáu giận trong lúc bận rộn đôi khi dễ làm các em tổn thương… Tuy nhiên, yếu tố này, tôi không cho là lớn, vì đa phần các bậc phụ huynh ai chẳng có lúc nặng lời với con cái. 

 

Tôi nghĩ điều tác động lớn nhất đối với các em đang trong lứa tuổi trưởng thành là các yếu tố xã hội, như môi trường sống, các mối quan hệ... 

 

Hiện tại, nhiều sản phẩm văn hoá như các bài hát, phim ảnh, sách báo, mạng internet… có tác động không tốt đến nhận thức của các em. 

 

Rất nhiều ca khúc nhạc trẻ truyền tải tình cảm sướt mướt, uỷ mị, nhiều bộ phim tâm lý yêu đương với những cách xử lý tình huống rất phi hiện thực… ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và cách suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, nhất là ở lứa tuổi chưa biết gạn lọc để tiếp nhận cái tốt. 

 

Một phần nữa, giờ đây, một số em có xu hướng sống tách biệt ra, chia theo nhóm. Đây là xu hướng không tránh khỏi, nhưng ngay cả khi có nhóm chơi riêng, cũng cần thu hút để các em không quá tách mình ra khỏi các hoạt động tập thể lớn. 

 

Đứng góc nhìn của một giáo viên chủ nhiệm, khối ngoại ngữ, tôi thấy vấn đề hoạt động tinh thần rất quan trọng. Hiện tại, có thể do ảnh hưởng của thời đại, nhiều em cảm thấy đời sống nhàm chán, đôi khi vô nghĩa… nên nhiều lúc các em cũng coi nhẹ những phạm trù khác như cái chết.  

 

* Những vụ “rủ nhau” tự tử trong thời gian gần đây

Chiều 24/5/2006, 5 HS nữ sinh năm 1993, học lớp 7 trường THCS Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương rủ nhau trầm mình tập thể tại đoạn sông Hương chảy qua địa phận xã. Các em dùng khăn buộc tay nhau nhảy xuống sông, để lại 5 bức thư gửi cho gia đình và nhà trường cùng một nội dung xin vĩnh biệt thầy giáo, bạn bè vì bị gia đình mắng mỏ và bị phân biệt đối xử nam nữ. Trước đó, các em đã từng "ăn thề", kết nghĩa chị em và từng định bỏ nhà đi nhưng không thành.

Ngày 24/5/2006:  Bị gia đình ngăn cản vì yêu đương quá sớm, chểnh mảng việc học hành, “cặp tình nhân” là HS cấp 2 đã rủ nhau uống thuốc ngủ tự tử ngay tại nhà cô bé. Khoảng 20h, bố của Đ.T.T.T. (sinh năm 1990) ở quận Long Biên - Hà Nội đi làm về, phát hiện con gái cùng bạn trai là Đ.X.T. (sinh năm 1991) đã uống thuốc ngủ tự tử tại gia đình. Được phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu kịp thời, 2 em đã được các bác sỹ cứu.

Ngày 16/2/2006, 9 HS nữ đều 14 tuổi và đang học tại Trường THCS Cổ Nhuế A - Từ Liêm - Hà Nội, sau khi pha 100 viên thuốc ngủ vào cà phê đã uống và hậu quả là 5 em phải nhập viện do hôn mê sâu. Ở trong lớp các em là nhóm bạn chơi rất thân với nhau. Học kỳ I, một số bạn trong nhóm có kết quả học tập kém, bị gia đình trách móc, làm các em rất chán nản.

Ngày 7/10/2005: Sợ bị  mắng, 3 HS 12 tuổi, trường Trường THCS thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre) uống thuốc ngủ, được nhà trường cùng gia đình lập tức đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Ba HS được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu làm bản tự kiểm điểm về kết quả học tập không tốt và buộc phải đưa cho phụ huynh ký tên vào. Các em không dám mang về cho bố mẹ xem nên rủ nhau uống thuốc tự tử.

* Những vụ tự tử cá nhân

Ngày 13/3/2005, Phạm Văn Quang, sinh năm 1984 (quê Nam Định), SV năm thứ 3 Học viện Tài chính, khoa Tài chính - Kế toán đã treo cổ tự vẫn. Những dòng chữ cuối cùng ở 2 bức thư tuyệt mệnh, Quang viết: "Chuyện nợ nần, xe máy, gia đình mình không có trách nhiệm phải trả". Quang là một SV có học lực trung bình khá, không có gì nổi trội trong lớp học, hoạt động chung của trường, nhưng cũng không nằm trong "sổ đen" (cờ bạc, nghiện hút) của trường.

Ngày 25/3/2005, Nguyễn Ngọc Hà (lớp 7A); ngày 25/4/2005, Lê Mạnh Tuấn (lớp 8A) Trường THCS Cao Xanh, TP Hạ Long.  2 HS  này lại ngồi cùng một chỗ trong phòng học (em sáng, em chiều). Trước hôm tự tử vài ngày, Hà là một trong 4 học sinh bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu mời ngay bố mẹ đến gặp cô giáo, vì khuyết điểm gây mất trật tự trong giờ học để lớp chỉ được 9 điểm trong sổ đầu bài. Ngay sau đó, 3 bạn kia có bố hoặc mẹ đến gặp cô giáo chủ nhiệm, còn mẹ Hà không đến".

Ngày 27/4/2005,  Nguyễn Phương Nam, sinh năm 1989, HS lớp 10A4, Trường THPT Vũ Văn Hiếu, TP Hạ Long đã thắt cổ trên một cành cây ven đường. Khi tự tử, Nam có để lại một lá thư trong người viết cho gia đình tự nhận là "đứa con hư hỏng" và yêu cầu gia đình "báo cho người yêu"!

Ngày 2/7/2005, Lê Thu Thủy, sinh năm 1984 (Hà Tĩnh), thí sinh ôn thi ĐH đã ra cầu Bến Thủy nhảy xuống sông tự tử. Thủy thi rớt ĐH 2 năm liền. Gần đây, Thủy đã ra ở nhờ ôn thi tại nhà một người chú ở phường Bến Thủy - TP Vinh - Nghệ An. Trước đó, ngày 27/6 Thủy đến nhà trọ Thu Nguyệt dùng thuốc ngủ để kết thúc đời nhưng có người phát hiện ra và kịp can ngăn.

Chiều 2/8/2005, khi biết tin mình được 20 điểm, chưa đủ để vào trường đăng ký là ĐH Kinh tế quốc dân, Trần Duy Hùng, sinh năm 1987, HS lớp Toán 2, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đã thắt cổ tự tử. Theo nhận xét của bạn bè, Hùng khá hiền lành, rất tử tế. Tuy nhiên Hùng trầm tính, hơi khác thường một chút. Cậu cũng không có nhiều bạn, không hay tham gia các hoạt động tập thể.

 

Theo Đoan Trúc - Hoàng Lê

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm