Tranh thủ làm thêm, 9X tham vọng "bẫy" sếp

"Q.A quyết tâm không bỏ lỡ “cơ hội vàng” để chứng minh khả năng với sếp - là một anh trưởng ban đã có vợ, con. Tuy nhiên, thay vì chứng minh năng lực bằng những tin, bài thời sự thì A. lại dùng đến phong cách thời trang cực hot của mình".

Sức hút của parttime đối với teen

 

Rất nhiều bạn trẻ đã ao ước có một công việc bán thời gian từ khi còn đi học. "Tớ nghĩ việc học sinh cấp 3 đi làm thêm là tốt, vì khi đi làm mình sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm sống, giúp bản thân mạnh mẽ, tự tin hơn" Hoàng Anh (17 tuổi), chia sẻ.

 

Nhưng quan trọng hơn hết các bạn trẻ đi làm thêm đều mong muốn “nâng cấp” cho mức thu nhập của mình và không muốn phụ thuộc tài chính vào phụ huynh. “Ở tuổi bọn mình nhu cầu chi tiêu cũng nhiều, mà tớ thì không muốn xin tiền bố mẹ mãi, ngại lắm!", Minh Trung (16 tuổi) cho biết.

 

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ dù đã hòa nhập vào môi trường đi làm chuyên nghiệp vẫn mang “phong cách trẻ con” đến công sở. Năng lực chưa kịp khẳng định nhưng thái độ làm việc, cũng như tính cách của một bộ phận giới trẻ đã làm các nhân viên ở công ty phải đau đầu.

 

 

Tranh thủ làm thêm, 9X tham vọng "bẫy" sếp  - 1

Nhiều 9X đã tìm cách chứng tỏ năng lực của mình bằng cách ăn mặc cực “hot”

 

Giăng “bẫy tình” với sếp

 

Q.A (Việt Trì, Phú Thọ) đang là sinh viên đại học ở Hà Nội. Năm cuối của đại học, nhờ người quen giới thiệu, A. được vào làm cộng tác viên cho một tòa soạn báo dành cho tuổi teen. Đây là công việc phù hợp với chuyên ngành của cô đang học, bên cạnh đó, nếu chứng tỏ được năng lực sau khi ra trường khả năng Q.A được nhận về làm tại tòa soạn là rất cao.

 

Hiểu được vấn đề đó, Q.A quyết tâm không bỏ lỡ “cơ hội vàng” để chứng minh khả năng với sếp - là một anh trưởng ban đã có vợ, con. Tuy nhiên, thay vì chứng minh năng lực bằng những tin, bài thời sự thì A. lại dùng đến phong cách thời trang cực hot của mình.

 

Q.A nhanh chóng nổi tiếng khắp tòa soạn nhờ vẻ ngoài xinh đẹp với cách ăn mặc “mặc mà như không” của mình. Cũng là áo sơ mi trắng, nhưng A. chọn “nội y” là những màu thật nổi bật làm cho các anh bảo vệ tòa soạn cũng phải nóng cả mặt mày.

 

Đặc biệt cô rất “kết” các loại váy ngắn, khoe được đôi chân dài như người mẫu của mình, những chiếc áo hở ngực cũng được A. tận dụng tối đa…Nhưng bỏ qua tất cả những cái nhìn đầy ngưỡng mộ của các anh trẻ, A. chỉ “nhắm” vào anh trưởng ban.

 

A. cố tình xuất hiện ở văn phòng của sếp với tần suất dày đặc và những công việc không tên, đi ăn cơm cô cũng chủ động ngồi cạnh sếp. Bày tỏ thành ý lộ liễu bằng cách rót bia, gắp thức ăn cho sếp trước những nụ cười tủm tỉm của mọi người xung quanh.

 

Mặc dù không nhận được “tín hiệu” nào từ sếp, A. vẫn không chịu bỏ cuộc. Chính cô còn tự tạo ra tin đồn “sếp có tình ý” với mình khi giả vờ tâm sự, tỉ tê với các chị cơ quan.

 

Việc A. mới đi làm mà đã đòi... cưa cả sếp không qua được mắt của mọi người trong cơ quan. Mọi người đều trở nên có ác cảm với A. khi cho rằng cô chỉ giỏi “mồi chài” sếp chứ không có năng lực thực sự.

 

“Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, câu chuyện của Q.A đã lọt vào tai phu nhân của sếp. Không hiểu chị đã giải quyết bằng cách nào mà sau kì làm thêm hai tháng, A. đã chính thức bị ngừng hợp đồng cộng tác viên. Mơ ước “thế chỗ phu nhân sếp” của A. đã vỡ như bong bóng trời mưa.

 

 

Tranh thủ làm thêm, 9X tham vọng "bẫy" sếp  - 2

Môi trường làm việc chuyên nghiệp không có chỗ cho thói tự tin quá mức, hay cạnh tranh bằng những cách thức không lành mạnh (Ảnh minh họa)

 

Những 9X họ “hứa”

 

Họ là những sinh viên năng lực có thừa nên “đơn đặt hàng” không thiếu. Họ ôm đồm tất cả công việc rồi rơi vào tình trạng quá tải và làm mất uy tín trong mắt mọi người.

 

Cũng nhận được một công việc làm thêm ưng ý, đầy tính cạnh tranh, Minh H. (Ngã Tư Sở, Hà Nội) luôn canh cánh việc làm sao có thể chứng minh được năng lực trước mặt sếp. Bởi vậy, vào buổi họp của công ty, khi các sếp nêu ra công việc, H. đều xung phong nhận hết về mình.

 

Trước thái độ ngạc nhiên của mọi người, H. chỉ tự hào: “Em là 9X, chưa lập gia đình nên thời gian đều dồn được hết cho công việc”. Chính sự năng nổ, chịu khó này của H. đã khiến sếp rất hài lòng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc H. mới bắt đầu thấy lo lắng.

 

Công việc không đơn giản như cô nghĩ. Lại trót lỡ nhận khối công việc đáng ra phải ba người làm về mình nên cô sinh viên này rơi vào tình trạng “sống dở chết dở”. Vừa đi học vừa đi làm quả là không dễ dành cho H. Sau đó, gần đến ngày hẹn bàn giao sản phẩm mà vẫn làm chưa xong nên H. đành phải xin nghỉ học để “cắm đầu cắm cổ” làm cho kịp.

 

Đến ngày nộp, H. vẫn chỉ hoàn thành được 2/3 khối công việc mà cô đã hùng hồn nhận. Phần công việc còn lại chưa làm xong, H. phải tắt điện thoại, tắt nick yahoo tránh sự “truy nã” của sếp. Bên cạnh đó, lơ là việc học ở lớp, H. cũng bị thầy giáo nhắc nhở, bị thi lại vài môn mà không thể cứu vãn được.

 

Tuy nhiên, tưởng một lần, H. sẽ rút kinh nghiệm, nhưng lần sau cô vẫn tiếp tục tái phạm chỉ vì khát khao muốn khẳng định năng lực với công ty.

 

Một hai lần đầu, mọi người còn có thể thông cảm với lí do ngàn năm “tắc đường, hỏng xe”, ốm, đau bụng, kiểm tra đột xuất... nhưng khi mọi chuyện lặp đi lặp lại với tần suất cao và gây ảnh hưởng lớn đến công việc chung thì mọi người đã bắt đầu “nói không” với H. Chính H. đã đánh mất uy tín trong mắt mọi người ở công ty.

 

Môi trường làm việc chuyên nghiệp không có chỗ cho thói tự tin quá mức, ảo tưởng về bản thân, hay cạnh tranh, “ghi điểm” bằng những cách thức không lành mạnh. Chính những thói xấu này đã khiến các nhà tuyển dụng “nói không” với nhiều bạn trẻ ngay khi họ vừa thử việc hay chỉ mới làm parttime.

 
Theo M. Châu

Vietnamnet