Tranh luận quanh chuyện Huyền Chip du lịch 25 nước với 700 USD

(Dân trí) - Mặc dù trong buổi họp báo ra mắt cuốn sách: “Đừng chết ở Châu Phi”- Huyền Chíp (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền) đã đưa ra quyển hộ chiếu chứng minh cô từng đặt chân đến nhiều nước nhưng những tranh cãi về tính xác thực của cuốn sách vẫn tiếp tục nổ ra.


Nhiều phút trước khi bắt đầu cuộc họp báo, hội trường của trung tâm L'espace chật kín không còn một chỗ trống, nhiều người đành phải chấp đứng tràn ra cả ở hành lang của hội trường. Nhiều người thậm chí đã chuẩn bị sẵn trên tay tờ giấy ghi danh sách câu hỏi để sẵn sàng “chất vấn” tác giả cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”.

“Tôi không thể giải thích rõ ràng được”

Theo lời giới thiệu của Nguyễn Thị Khánh Huyền, “Đừng chết ở Châu Phi” là phần hai của bộ sách: “Xách ba lô lên và đi”, ghi lại những dòng nhật ký của cô gái trẻ, người đã đặt chân đến 25 nước trên thế giới với số tiền ban đầu chỉ có 700 USD. Để có tiền trang trải cho chuyến du lịch đầy mạo hiểm, thử thách này, cô kể đã phải tự kiếm việc làm thêm để không từ bỏ ước mơ của mình. Tuy nhiên, những câu chuyện mang tính trải nghiệm mà Huyền chia sẻ trong 2 cuốn sách trên lại dấy lên nhiều nghi vấn về tính xác thực.

Huyền trình ra quyển visa có đóng dấu của các quốc gia mình đã đi qua 
Huyền trình ra quyển hộ chiếu có đóng dấu của các quốc gia mình đã đi qua 

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong buổi ra mắt sách, đôi lúc cô gái 23 tuổi này tỏ ra mất bình tĩnh. Thậm chí, trước nhiều câu hỏi cô phải viện đến sự trợ giúp của người dẫn chương trình và các khách mời là GS Nguyễn Lân Dũng, bà Nguyễn Hồng Ánh - Giám đốc trung tâm Châu Á Thái Bình Dương - Giảng viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội để xoa dịu không khí căng thẳng.

Nhiều người đặt ra nghi ngờ: Liệu Huyền có thực sự đặt chân đến 25 nước như đã viết trong sách hay không bởi việc xin cấp visa không phải là đơn giản, chưa kể đến thời gian chờ đợi kéo dài, chỉ riêng việc phải chứng minh khả năng tài chính trước khi nhập cảnh đã vượt xa “số vốn” ban đầu của Huyền là 700 USD. Huyền khẳng định những thông tin mình chia sẻ đều là sự thật: “Mình thừa nhận xin visa ở các nước phát triển khó nhưng nhiều nước châu Phi không hề khó và ở những này cũng không hề phải chứng minh khả năng tài chính. Huyền hoàn toàn có thể xin và mua visa ngay tại biên giới”. Tác giả cuốn sách đang gây bão cũng cho rằng không phải lần nào xin visa cũng đều may mắn và thành công, đơn cử là ở Nam phi, Huyền đã phải xin 3 lần không được và đành phải quay về Việt Nam.

Huyền cũng trình ra quyển hộ chiếu có đóng dấu của các quốc gia mình đã đi qua như: Thái Lan, Nepal, Zimbabwe, Kenia, Israel… để chứng minh những gì mình chia sẻ là sự thật.

Về con số 700 USD đi 25 quốc gia trong vòng 2 năm đang khiến cộng đồng mạng tranh cãi nảy lửa, Huyền lý giải đây là hiểu lầm của báo chí. "700 USD chỉ là số tiền khởi đầu, không phải là chi phí cho toàn bộ quá trình. Cho đến giờ, mình có thể khẳng định mình đi du lịch bằng sồ tiền mình đã tự kiếm được”, Huyền nói.

Chưa bằng lòng với lời lý giải mà Huyền đưa ra, nhiều người tiếp tục chất vấn: Lý do gì để một cô gái trẻ, không hề biết tiếng bản ngữ, không có kinh nghiệm tại nước sở tại, không có người giới thiệu lại có thể dễ dàng tìm nhiều việc có thu nhập cả nghìn USD/tháng đến như thế? Trước nghi vấn này, Huyền cho biết việc xin việc với cô không may mắn như nhiều người lầm tưởng, mà có những nơi cô phải gõ cửa từng cửa hàng không dưới 50 lần chỉ để kiếm đủ 5 USD mỗi ngày: “Tôi không thể giải thích rõ ràng được cho mọi người là tại sao tôi xin được dễ dàng như vậy? Bí quyết của tôi là đi xin việc luôn ngay khi vừa tới nơi, có khi phải đi vài chục chỗ mới tìm được chỗ làm ổn”.

Ngay cả việc xin được vào vị trí host ở một sòng bạc nổi tiếng tại Tanzania, Huyền cũng cho rằng ở các nước này họ không yêu cầu quá cao về ngoại hình như nhiều người nghĩ mà đôi khi bạn chỉ cần có một chút tự tin, hoạt ngôn và nhanh nhẹn là có thể được tuyển dụng.

Tuy nhiên, khi được yêu cầu đưa ra con số chính xác về chi phí bỏ ra cho toàn bộ chuyến đi của mình thì Huyền chưa đưa ra câu trả lời.

GS Nguyễn Lân Dũng: "Tôi hơi buồn"

Ngoài tranh cãi về thủ tục cấp visa, chi phí bỏ ra cho chuyến đi, nhiều chi tiết trong cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” cũng được đưa ra mổ xẻ. Thành viên của một diễn đàn trẻ đưa ra nghi vấn: “Trong cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, Huyền bị gãy chân rất nặng nhưng tại sao chỉ một hai tuần sau Huyền lại có thể đi đến nhiều nơi khác?”. Ban đầu Huyền Chíp phủ nhận có chi tiết này trong sách của mình. Tuy nhiên sau một hồi tranh cãi, cô cho rằng mỗi người có một cách bình phục riêng và bản thân cô cũng không thể giải thích tại sao.

Nhiều người có mặt cho rằng, hầu hết mọi chuyện mà Huyền viết trong sách đều xảy ra dễ dàng, không có quá nhiều khó khăn, Huyền đơn giản chỉ cần “Xách ba lô lên và đi”, không cần dự tính kế hoạch chi tiết, không cần phải chuẩn bị bản đồ, không cần biết mình sẽ tới đâu là điều phi thực tế. 

Cô gái 23 tuổi này thừa nhận hành vi vượt biên trái phép là hành động sai lầm của bản thân nhưng Huyền cho rằng: “tất cả những thông tin chia sẻ trong cuốn sách chỉ là sự trải nghiệm của chính bản thân mình chứ không hô hào hay kêu gọi ai làm theo. Một cuốn sách cũng chỉ giống như một công cụ, tác dụng phụ thuộc vào người sử dụng nó. Bản thân Huyền cũng cảm thấy tiếc khi không được tiếp tục học đại học”.

Có mặt tại buổi ra mắt sách, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng phát biểu: “Cá nhân tôi tin những gì Huyền viết ra. Tôi không những đọc sách của Huyền mà còn trực tiếp viết lời giới thiệu cho cuốn sách trên blog. Tập hai Đừng chết ở châu Phi chắc chắc chắn hay hơn tập 1. Phải nói là Chíp quá giỏi. Với tinh thần dám vào chỗ khó, chỗ khổ tôi quả là rất khâm phục. Tôi 76 tuổi đọc xong vẫn thấy mình lớn lên một tí. Tôi hơi buồn vì đây là một cuốn sách viết về người thật, việc thật nhưng một số người chưa đọc cuốn sách, chưa tìm hiểu kỹ đã bàn luận này nọ” .

Chứng kiến cuộc tranh cãi tưởng chừng như không có hồi kết, PGS.TS Nguyễn Hồng Ánh nêu quan điểm: “Huyền Chíp không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ ai. Cũng như việc không thể đổ lỗi cho giới trẻ hút thuốc phiện là tại John Lennon, bỏ nhà ra đi là tại Daniel Defoe khi ông viết Robison”. Gần như ngay lập tức, một độc giả “đáp lời: “Đây là một sự so sánh khập khiễng bởi quyển sách của Huyền mang tính trải nghiệm và bản thân Huyền luôn khẳng định những gì cô chia sẻ trong “Xách ba lô lên và đi” hoàn toàn là những trải nghiệm mà cô trải qua. Còn nếu không phải như thế thì Huyền phải ghi rõ là sách hư cấu thì tuyệt nhiên không có ai thắc mắc”.

Một số khán giả đặt câu hỏi Huyền Chíp có lừa dối trong cuốn sách, cô gái này phản bác: "Nếu nói kiểu quan tòa, muốn buộc tội một ai đó bạn sẽ phải tìm ra bằng chứng để chứng minh người đó có tội, chứ không phải buộc tội họ khi họ không chứng minh được mình vô tội. Mọi người nghi ngờ mình nói dối và bắt mình chứng minh nhưng có bạn nào đã đi lại hành trình của mình và chứng minh mình nói dối?".

Đến 10h55, nhiều người vẫn tiếp tục giơ tay xin nêu câu hỏi với Huyền nhưng BTC từ chối vì đã hết giờ.
 

Huyền Chíp tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền sinh năm 1990, là một cô gái trẻ năng động, ưa thích khám phá, tự tin vào bản thân. Trong hai năm (từ 2010 - 2012) cô đã đặt chân tới 25 quốc gia, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau chỉ với 700 đô la ban đầu. Sau khi vượt qua các thử thách, Huyền quay trở lại Việt Nam và viết cuốn sách “Xách balô lên và đi”. Và tiếp nối thành công của tập 1, tập 2 “Đừng chết ở Châu Phi” tiếp tục được cô giới thiệu với công chúng. So với cuộc phiêu lưu ở Châu Á, chuyến đi của Huyền Chíp đến Châu Phi mang nhiều nét khác biệt và cảm xúc hơn.

 
 
Hà Trang - Xuân Ngọc