Trăn trở thủ khoa
(Dân trí) - Chỉ có 17 trong số 300 thủ khoa tốt nghiệp đại học trong những năm gần đây có việc làm thông qua Sở Nội vụ Hà Nội. Vì sao lại có chuyện như vậy trong khi chính sách thu hút nhân tài đã thực hiện được mấy năm?
Dưới đây là ý kiến của những cựu thủ khoa năm trước:
Doãn Thị Tích - thủ khoa ĐH Kinh tế quốc dân năm 2003, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Thủ khoa
Em được biết, trong nhóm tuyên dương các thủ khoa năm 2004 có 112 bạn, nhưng chỉ có 1/5 trong số đó nộp hồ sơ vào Sở Nội vụ. Sau đó có khoảng 3 bạn được nhận vào làm. Hiện nay, em đang làm ở Ban Tín dụng - Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam bằng hình thức tự thi tuyển.
Em được biết, chính sách thu hút nhân tài không chỉ có các thủ khoa mà còn nhiều người tài giỏi khác nữa trong các lĩnh vực. Vì vậy, chính sách này cần cụ thể cho từng đối tượng một. Chẳng hạn như, chính sách này quy định các sinh viên phải làm khoảng 2, 3 năm sau đó sẽ được tạo điều kiện đi học. Song, thực tế hầu hết các thủ khoa mà em biết đều có nguyện vọng học tiếp ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
Chính sách cũng cần sự bình đẳng. Nghĩa là bất kỳ ai khi nộp hồ sơ vào Sở Nội vụ thì được hay không được cũng nên trả lời chính xác: vị trí công việc nào cần tuyển, tuyển như thế nào và ai trúng tuyển...
UBND TP Hà Nội cần có sự đánh giá khảo sát những việc mình đã làm. Thành phố nói là thu hút, song sau đó họ đi đâu về đâu cũng không biết. Hàng năm Sở Nội vụ có một điều tra nhưng thông tin điều tra chỉ mang tính một chiều. Không có sự hồi âm lại.
Lê Sử Năng - thủ khoa ĐHDL Đông Đô năm 2004, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Thủ khoa
Khi thành phố đưa ra chính sách về việc tuyên dương thủ khoa, mọi người đều rất tin tưởng, nhiều người đã hy vọng là sẽ được làm ở Hà Nội. Sau buổi lễ tuyên dương năm 2004, em cùng nhiều bạn nộp hồ sơ xin việc qua Sở Nội vụ nhưng mà không có ai câu trả lời cả. Con số hồi âm chỉ là 3 người đã được nhận vào làm.
Hiện nay, em đã là biên chế chính thức của Bộ Tài chính. Lúc thi tuyển, em cũng bình đẳng như những người thi vì theo chính sách của thành phố chỉ ưu tiên những trường hợp làm trong các cơ quan thuộc thành phố.
Em nghĩ, chính sách đưa ra rất là tốt, tuy nhiên, thành phố cũng chưa lường hết được khả năng mà những công ty và cơ sở ở Hà Nội là sẽ nhận được bao nhiêu người. Vì thế khi chính sách đưa ra nó không tương ứng với lượng cầu. Và con số 3/112 người, hay là con số 17/300 người đã nói lên điều đó.
Đặng Hồng Lam, thủ khoa ĐH Giao thông vận tải năm 2004
Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn được đi làm. Tuy nhiên em lại không nộp hồ sơ theo kênh Sở Nội vụ. Nguyên nhân là do thông tin về chính sách thu hút nhân tài đối với thủ khoa không đến được em. Cuối tháng 5 em tốt nghiệp, mà đến cuối tháng 7 em mới có thông tin từ nhà trường về việc tuyên dương. Như vậy thì đã trễ mất rồi.
Lúc đó, em đã nộp hồ sơ vào một số đơn vị khác về ngành giao thông và đã vào làm bên Tổng Công ty Đường sắt. Sau đó 1 năm em lại làm hồ sơ chuyển về trường để dạy học.
Nếu như biết trước về việc tuyên dương này, em rất muốn được nộp hồ sơ xin việc qua Sở Nội vụ.
Lê Quốc Tuấn, thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, năm 2004
Sau khi nhận danh hiệu thủ khoa, ngay lập tức em đã đi học một khoá ngắn hạn ở nước ngoài rồi về dạy ở trường. Về chính sách thu hút nhân tài, em thấy, nhân tài thì dù có tài mấy thì họ cũng phải sống.
Nếu nói ở trên quan điểm của giáo viên, để một người đi dạy toàn tâm toàn ý trong công việc, ngoài việc nuôi bản thân, họ cần có thời gian nghiên cứu và giảng dạy. Ba yếu tố này không thể tách rời nhau. Đó là chưa kể đến sự trải nghiệm ở bên ngoài, như vậy người giáo viên mới có được những kinh nghiệm thực tế.
Như ở các nước khác, để được đứng lớp giảng dạy cần phải có bằng master trở lên cùng với sự trải nghiệm thì mới đủ điều kiện. Chính vì vậy, việc thu hút nhân tài cần phải xem xét đến tính thực tế của cuộc sống và tạo điều kiện tốt cho những thủ khoa như bọn em có điều kiện nâng cao trình độ, khẳng định mình với xã hội
Bùi Thị Ngọc Lan, thủ khoa ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội năm 2005
Sau khi tốt nghiệp, em có hướng ở lại trường xin làm giáo viên luôn. Đợt tuyên dương năm ngoái, em có nghe nói là qua danh sách các đơn vị tuyển dụng ở bên Sở Nội vụ nhưng chưa được nhìn thấy mặt mũi nó như thế nào. Lúc đó, em được biết thủ khoa sẽ được tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước trực thuộc thành phố nhưng thực tế thì không như vậy.
Nếu cho em lựa chọn học tiếp hay đi làm rồi mới học thì sẽ nhận được sự ưu tiên của thành phố thì em sẽ chọn học tiếp. Vì em không dám chắc là sau khi đi làm 2, 3 năm sẽ được đi học tiếp.
Hương Hạnh (ghi)