Đắk Lắk:

Trải qua hàng trăm ca phẫu thuật, chàng trai phố núi vẫn "say" thiện nguyện

Thúy Diễm

(Dân trí) - Nhiều lần đối diện với tử thần, vượt qua những ca phẫu thuật phần trăm sống sót chỉ 50/50 nhưng chàng trai của mảnh đất nắng gió Đắk Lắk vẫn quyết tâm theo đuổi công tác thiện nguyện.

Mang bệnh tật nhưng nghị lực phi thường 

Sinh ra như bao người bình thường khác, Nguyễn Tài Nam (31 tuổi, ngụ xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) từng là một cậu bé hiếu động. Năm Nam vào lớp 4, trên cơ thể Nam đột nhiên xuất hiện nhiều khối u bất thường ở mặt và nhiều vị trí khác trên cơ thể.

Trải qua hàng trăm ca phẫu thuật, chàng trai phố núi vẫn say thiện nguyện - 1

Mang trong mình bệnh tật nhưng Tài Nam vẫn xông pha trong hoạt động thiện nguyện (Ảnh: NVCC).

Lo lắng cho con, bố mẹ đưa Nam đi bệnh viện thăm khám thì được kết luận Nam mắc bệnh u sợi thần kinh và chỉ định phải mổ khối u. Từ lúc 10 tuổi, cậu bé Nam đã phải lên bàn mổ, tiếp sau đó là những ca đại phẫu đầy đau đớn với hy vọng níu giữ được mạng sống.

Sau những lần từ viện trở về, sức khỏe yếu đi; dẫu vậy, Nam vẫn cố gắng đến trường học. Đến năm lớp 9, Nam buộc phải nghỉ hẳn ở nhà vì bệnh nặng, cơ thể khó khăn trong việc nói năng, đi lại.

Bệnh tật hành hạ cơ thể, sức khỏe yếu kém khiến Nam từng cảm thấy chán chường và rơi vào những phút giây tuyệt vọng đến mức buông xuôi tất cả. Tuy nhiên, nhờ tình yêu thương lớn lao của bố mẹ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều tổ chức thiện nguyện cùng nghị lực phi thường của bản thân đã giúp Nam vực dậy. Nam đã quyết tâm mình sẽ "tàn nhưng không phế", đem hết khả năng của bản thân giúp những mảnh đời khó khăn khác.

Trải qua hàng trăm ca phẫu thuật, chàng trai phố núi vẫn say thiện nguyện - 2

Sức khỏe Nam yếu dần theo thời gian, đi lại đều được các tình nguyện viên khác hỗ trợ (ẢNh: NVCC).

Sau một thời gian hoạt động thiện nguyện cùng nhiều đơn vị, năm 2016, Nam quyết định thành lập nhóm thiện nguyện "Eakao - Vòng tay yêu thương" do Nam làm trưởng nhóm với 15 thành viên. Cả nhóm luôn năng động, tích cực phối hợp cùng Tỉnh đoàn, Thành đoàn và các đơn vị, tổ chức nhằm kết nối, chia sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh.

Hàng trăm chương trình thiện nguyện do Nam cùng các thành viên trong nhóm lan tỏa như chương trình: "Áo trắng tới trường", "Trung thu cho em", "Xe đạp cùng em đến trường", "Xuân yêu thương"… lần lượt đến với biết bao em nhỏ ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nhiều chương trình thiết thực giúp đỡ đến những hoàn cảnh neo đơn, người già bệnh tật, ốm yếu đã được triển khai hiệu quả.

Trải qua hàng trăm ca phẫu thuật, chàng trai phố núi vẫn say thiện nguyện - 3

Hàng trăm chương trình thiện nguyện do Tài Nam kết nối đến được với những hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: NVCC).

Vài năm trở lại đây, sức khỏe Nam rất kém, nhất là sau ca phẫu thuật tủy vào năm ngoái, Nam không thể tự đi lại vì tay chân teo tóp lại, mỗi chuyến đi thiện nguyện đều phải nhờ các tình nguyện viên khác dìu hoặc cõng. Tuy vậy, Nam vẫn xung phong đến tận những điểm khó khăn, vùng sâu vùng xa để cảm nhận và lan tỏa năng lượng sống tích cực của mình đến mọi người.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh, Nam vẫn nhiệt tình phối hợp cùng nhiều tổ chức thiện nguyện khác để kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ hàng chục tấn rau, củ, quả…  gửi về tâm dịch Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương. Không chỉ vậy, nhiều chương trình kêu gọi nhu yếu phẩm cho người dân khu vực phong tỏa được Nam kết hợp cùng Tỉnh đoàn, Thành đoàn hỗ trợ rất kịp thời cho bà con.

Lấy tình thương để xoa dịu vết thương

Không thể nói chuyện được do di chứng của những lần phẫu thuật, Nam tâm sự cùng chúng tôi thông qua những dòng tin nhắn. Nam kể, sức khỏe Nam hiện không tốt, trên cơ thể vẫn chi chít hàng chục khối u lớn nhỏ nhưng Nam dự định sẽ dừng việc phẫu thuật lại để sống những ngày tháng trọn vẹn bên gia đình và tiếp tục những dự định thiện nguyện của mình.

Nam sợ ca phẫu thuật thất bại, Nam sợ sẽ không còn cơ hội gieo tình thương cho muôn nơi…

Trải qua hàng trăm ca phẫu thuật, chàng trai phố núi vẫn say thiện nguyện - 4

Dù sức khỏe giảm sút nhưng Nam vẫn say mê hoạt động thiện nguyện (ẢNh: NVCC).

"Mình rất yêu quý cuộc sống tươi đẹp này và càng muốn sẻ chia hơn nữa để mọi người cùng sống trong niềm yêu thương, hạnh phúc. Dù sức khỏe có yếu đi nhưng mình sẽ vẫn phấn đấu nhiều hơn, cố gắng để lan tỏa tình thương trong những hoạt động tình nguyện", Nam chia sẻ.

Nam nói thêm, cuộc đời của chính mình từng được cho là bi kịch nhưng tình thương yêu giữa con người với con người sẽ xoa dịu tất cả. Sự san sẻ với Nam đó như hạt mầm của nghị lực để vượt qua nghịch cảnh cuộc đời và sống có ý nghĩa hơn.

Chính ý chí kiên cường cùng nghị lực sống, trái tim ấm áp của Nam đã truyền cảm hứng cho biết bao bạn trẻ khác trên mọi miền tổ quốc.

Trải qua hàng trăm ca phẫu thuật, chàng trai phố núi vẫn say thiện nguyện - 5

Tài Nam được tuyên dương một trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt 2021" (Ảnh: NVCC).

Với những nỗ lực không ngừng của mình, Nam được Ủy Ban TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen trong công tác Hội và Phong trào Thanh niên năm 2020; TP Buôn Ma Thuột tặng giấy khen "Mỗi ngày một tin tốt mỗi tuần một câu chuyện đẹp năm 2020; Nam được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tuyên dương "Thanh niên sống đẹp năm 2021".

Gần đây nhất, Nam vinh dự được tuyên dương là một trong 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt 2021" do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Trải qua hàng trăm ca phẫu thuật, chàng trai phố núi vẫn say thiện nguyện - 6

Tài Nam đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ về nghị lực sống (Ảnh: NVCC).

Chị H'Giang Niê - Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk - cho biết, Tài Nam được nhiều người biết đến không chỉ bởi nghị lực sống và khát khao sống tốt, sống có trách nhiệm mà còn là cầu nối gắn các mạnh thường quân và kết nối mọi người lại với nhau cùng làm thiện nguyện.

"Với vai trò là Trưởng nhóm thiện nguyện Ea Kao - Vòng tay yêu thương, Nam đã cùng  nhóm tổ chức được rất nhiều hoạt động hướng về cộng đồng. Đặc biệt, giúp đỡ người đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em yếu thế, người già neo đơn… tất cả những điều đó để lại những dấu ấn, giá trị tốt đẹp lan tỏa ra xã hội, nhất là giới trẻ", chị H'Giang Niê cho hay.