Trải nghiệm “mặt dày” của nữ DHS đi… xin răng để thực hành
(Dân trí) - 3 bạn trẻ tài năng Vũ Phương Anh, Vũ Nam Phương, Bùi Minh Triết bằng đam mê và hành trình theo đuổi ước mơ Y học của mình đã có những cái nhìn gần và thực về nghề.
Trải nghiệm “mặt dày” của nữ DHS thường đi xin… răng
Vũ Phương Anh (sinh năm 1994) hiện là sinh viên ngành Bác sỹ Nha khoa - Đại học Y khoa RHM tại nước Nga. Không chỉ sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, cô bạn còn có bảng thành tích học tập xuất sắc và văn-thể - mỹ. Năm 2013, nữ sinh Y khoa này nhận giấy khen về tham gia nghiên cứu thẩm mỹ răng tại Nga.
Phương Anh tâm sự, những năm học đại học, ngoài các môn chuyên ngành ra, cô bạn phải học cả những môn bên đa khoa (da liễu, tai mũi họng, mắt...). Khi bắt đầu học chuyên ngành để có thể tự tin chữa cho bệnh nhân, cô đã phải đi tới các phòng khám tư nhân để… “xin răng” đã nhổ và mang về để thực hành; mua đùi gà, chân giò và tim lợn về để tập khâu, sau 1 thời gian thầy cô mới cho phép chữa cho bệnh nhân, bệnh nhân đầu tiên được mình chữa là lúc mình học năm thứ 3, khi lên năm 4 Phương Anh được đi thực tập bên khoa ngoại.
“Vì là một đứa “mặt dày” nên mình đã năn nỉ thầy cho phép tiêm thuốc tê, nhổ răng và làm một số ca tiểu phẫu đơn giản, được thầy tin tưởng và nhiệt tình chỉ bảo nên mình càng có động lực và thích thú với bên ngoại hơn.
Để có thêm kinh nghiệm mình hay xin đi trực đêm và làm phụ tá cho một bệnh viện tư nhân, sau 3 tháng mình được giới thiệu tới một bệnh viện tư nhân khác, được đào tạo một thời gian, mình may mắn thi được chứng chỉ chuyên bên Nội nha, và được nhận vào làm bác sĩ thực tập đến bây giờ”, cô gái năng động kể.
Nữ du học sinh xinh đẹp này mơ ước trở thành một bác sỹ Nha khoa giỏi, nhiệt huyết. Phương Anh dự định sau khi ra trường sẽ học tiếp thạc sĩ, sau đó về Việt Nam làm việc.
Theo Phương Anh “là một bác sĩ cần biết lắng nghe bệnh nhân và có tâm với nghề, biết hy sinh, tính cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực, có trí thông minh và sự can đảm (không yếu bóng vía, không sợ máu, không sợ bẩn...) và có sức khỏe tốt.
Khả năng quan sát, phán đoán tốt, nhạy bén và có đôi bàn tay khéo léo đặc biệt quan trọng đối với bác sĩ các khoa ngoại, sản phụ, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng... Đặc biệt, một bác sĩ phải đặt được mình vào hoàn cảnh bệnh nhân, cảm nhận nỗi đau của họ để hết lòng cứu chữa”, cô khẳng định.
Hoa khôi DHS Việt sợ nhất cảnh nhân viên y tế “hò hét”
Hoa khôi DHS Việt Vũ Phương Nam là sinh viên ngành Y xuất sắc tại Mỹ.
Vũ Nam Phương – cô gái Sài thành tài sắc trong cộng đồng du học sinh Việt Nam hiện đang học bằng cử nhân về chẩn đoán hình ảnh y tế thuộc khoa học phóng xạ (Xray CT MRI) Bachelor of Science- Diagnostic Imaging) tại bệnh viện đứng đầu thế giới về trị liệu ung thư UT MD Anderson Cancer Center tại Houston, Mỹ.
Hoa khôi du học sinh Việt khắp năm châu năm 2015 liên tục giành thành tích học tập khi là sinh viên y khoa. Vì thế, Nam Phương được kết nạp vào Hội sinh viên ưu tú Phi Theta Kappa và nhận Giấy khen của trường dành cho những sinh viên học Fulltime có GPA trên 3,7). GPA của 22 môn học ĐH đến thời điểm hiện tại của Phương là 3.94/4.0.
Phương tâm sự, ngành học cô theo đuổi khá mới trong Y khoa: “Em rất yêu thích và đam mê ngành em đang học. Sau khi ra trường, em muốn học lên thạc sĩ Y khoa hoặc lấy bằng thạc sĩ về y học phóng xạ.
Liên quan đến câu chuyện nghề, cô sinh viên ngành Y tài sắc nghĩ nhiều đến thái độ phục vụ, chăm sóc bệnh nhân trong điều, trị bệnh. “Đối với em, phương châm ngành y tế chính là chăm sóc bệnh nhân - bệnh nhân là ưu tiên số 1.
Thái độ, cách đối xử giao tiếp với bệnh nhân là điều quan trọng nhất. Đó là những gì em được học và phải luôn ghi nhớ. Nơi em đang học, nếu bị báo cáo về cách ứng xử thiếu chuyên nghiệp thì nhân viên y tế có thể sẽ bị đình công tác lập tức”.
“Ở Việt Nam mình, còn những tồn tại trong ngành y tế như nhận phong bì, bán thuốc giá “cắt cổ”, cơ sở vận chất thiết bị y tế lạc hậu trong đào tạo và phục vụ khám chữa bệnh… Nhưng em bức xúc nhất với một bộ phận nhỏ nhân viên y tế có thái độ không phù hợp với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.
Có lần vào một bệnh viện công ở TP Hồ Chí Minh em đã tận mắt chứng kiến nhân viên y tế “hò hét”, xư xử thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn hóa với bệnh nhân. Đây là một trong những vấn đề lớn nhất cần thay đổi!”, Nam Phương chia sẻ.
Miệt mài tiếp cận y học ở một góc độ khác
Bùi Minh Triết – trợ lý nghiên cứu Y khoa tại ĐH Y khoa Harvard
Không như Nam Phương và Phương Anh - học để trở thành bác sĩ, Bùi Minh Triết – trợ lý nghiên cứu Y khoa tại ĐH Y khoa Harvard – Harvard Medical School (HMS) lại theo đuổi con đường hỗ trợ những người thầy thuốc.
Với đam mê đó, anh chàng đã gác những thú vui, sở thích cá nhân để tập trung cho nghiên cứu và liên tục giành những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu y học. Tháng 7 này, Triết sẽ bắt đầu chương trình Tiến sĩ Dược lý Ung thư (PhD in Cancer Pharmacology) tại Đại học Y Feinberg Northwestern ở Chicago, Mỹ. Cụ thể là về việc ứng dụng của liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) trong việc điều trị u nguyên bào thần kinh giao cảm phức hợp (sympatho)-glioblastoma và tế bào ung thư di căn lên não trong bệnh nhân ung thư thời kỳ. Đây là luận án bảo vệ tiến sĩ của Triết trong vòng 7 năm tới với sự hướng dẫn của GS Derek Wainwright.
Bùi Minh Triết và các bạn cùng phòng thí nghiệm.
“Mình cảm thấy được sinh ra trong một gia đình có truyền thống y học là một may mắn lớn nhất trong đời mình. Bố mẹ mình đã nhiều lần bỏ tiền túi ra để mua thuốc và chữa bệnh cho bệnh nhân từ các tỉnh vùng sau vùng xa lên. Chính trong bố mẹ, mình đã thấy được sự tuyệt vời của một người thầy thuốc.
Bố mẹ đã nhen nhóm trong mình cái giấc mơ theo đuổi y nghiệp. Mặc dù vậy mình quyết định sẽ không trực tiếp khám bệnh và chữa trị cho các bệnh nhân, bởi vì mình muốn tiếp cận y học theo một góc độ khác”, chàng trai Việt tâm sự.
Mục tiêu lớn nhất của Triết là hướng tới việc hạ giá thành của những thuốc ung thư đắt đỏ hiện có trên thị trường, để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể có điều kiện đáp ứng được.
Lệ Thu
Ảnh NVCC