Trả nợ nông nổi bằng tuổi thanh xuân
Có thể mọi chuyện đã không dừng lại. Có thể cuộc đời đã khác. Họ chưa kịp lớn đã kịp gắn tiền án vào đời mình. Hai nữ phạm nhân trẻ - hai số phận chung nhau một Hà Nội, giống nhau ở cảnh ngộ và cùng ước thèm những hạnh phúc giản đơn.
1. Tôi là Nguyễn Thị Lệ Thu, vào Trại giam số 5 (Thanh Hóa) năm 2004 khi chưa đầy 18 tuổi về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Là nghe tòa tuyên án thế, chứ thực sự thì cũng không hình dung lại có cái tội ấy.
Tôi có bố mẹ, có anh và em trai và một tuổi thơ đẹp trong con ngõ nhỏ phố Bạch Mai, Hà Nội. Bố tôi, người đàn ông chân chỉ hạt bột vốn là một nhân viên bảo vệ, ông đi làm từ sáng đến tối mịt, chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi vợ và 3 đứa con. Nhưng có phép nhiệm màu cũng không thể đủ ăn với số tiền bé tẹo ấy. Bố mẹ tôi hay cãi nhau, vì tất cả mọi chuyện và nhiều khi chẳng vì chuyện gì.
Năm tôi 13 tuổi, đang học dở lớp 7 trường Hà Huy Tập thì mẹ bỏ chúng tôi vào Nam sinh sống. Có lẽ tuổi 13 của tôi không giống với nhiều người. Tôi ý thức rất rõ về bản thân mình. Tôi ham chơi, chán nhà, tôi muốn cuộc sống khác của bố, một cuộc sống sáng sủa hơn, điều mà bố đã tuyệt vọng gần cả cuộc đời cũng không thể có…
Sau đêm sinh nhật tuổi 16, tôi mượn xe của bạn và rồi một ý nghĩ lóe lên, nếu mình đem cầm đồ chiếc xe này chắc chắn sẽ có một khoản tiền tiêu xài. "Đói ăn vụng, túng làm liều", tôi đã không còn suy nghĩ được nhiều. Khi cầm nắm tiền trong tay tôi mới sợ hãi, không dám về nhà vì sợ bố đánh, sợ người ta tìm đến nhà đòi xe, xấu hổ với hàng xóm.
Đêm đầu tiên trên chặng đường gió bụi ấy, tôi lang thang khắp phố rồi dạt vào một nhà nghỉ rẻ tiền cạnh hồ Thiền Quang. Một mình nằm co ro mà hoảng sợ với chính mình. Tôi chẳng còn đường về nữa.
Cứ thế, tôi lần lượt tìm cách mượn xe của những người thân quen và cả những bạn bè xa gần để đi cầm đồ tiêu xài. Suốt 9 tháng trời, tôi đi thuê một cái nhà ổ chuột để ở, ngày ngồi lỳ trong phòng, tối mới dám ra đường và cắm 16 cái xe của bè bạn.
Cho đến ngày 16/5/2003, khi tôi đang lang thang trên phố Hàng Khoai thì một chủ xe nhận ra, đưa tôi về trụ sở Công an phường Hàng Bông. Tôi biết trước sau gì mình cũng sẽ có ngày này. Tôi vào trại, án 5 năm 10 tháng. Buổi tòa tuyên án, bố tôi có đến. Nước mắt ông lặng lẽ chảy. Tôi nhìn bố, không khóc được. Tuổi xuân của tôi đã không ở lại cùng bố, tôi đi đến một nơi mà chính tôi chưa bao giờ ngờ đến.
Vào trong này, tôi hay viết thư về cho bố và cho em, nhưng bố ít viết thư hỏi thăm tôi lắm. Có thể bố bận rộn, cũng có thể sự buồn phiền đã trì níu bố. Hơn một năm tôi vào trại, bố chỉ thăm được một lần. Bố bảo anh trai mới đi nghĩa vụ quân sự về, cũng chưa biết kiếm việc gì làm. Bất giác, tôi lo cho anh, vì nếu không có được công việc ổn định, biết đâu anh lại chẳng giẫm vào vết sai lầm của tôi.
Tôi cũng nhớ thằng em dại, ngày tôi đi nó còn nhỏ quá, nó chẳng biết gì. Mẹ tôi bỏ nó đi quá sớm. Thực lòng tôi cũng không trách mẹ vì mẹ cũng chẳng sung sướng gì, nhưng tôi thương em ghê gớm. Nếu anh về Hà Nội, anh gắng qua nhà tôi, anh nói bố cố gắng thu xếp lên thăm tôi và cho em tôi đi cùng. Xa nhau lâu ngày, tôi nhớ nó lắm.
2. Đừng nhìn tôi như thế. Trước khi… xấu đi, tôi vẫn là một người tốt với nhiều ước mơ và cũng có những năng khiếu hơn người. Ngày còn đi học, tôi đã từng là vận động viên điền kinh, đi thi và đoạt giải chạy việt dã toàn quốc. Mẹ đặt tên tôi là Kiều Mỹ Trang. Năm 1985, khi tôi tròn một tuổi thì bố đi Tiệp Khắc làm ăn. Ngày bố về tôi cũng đã lớn. Bố không về một mình và không về với mẹ. Bố mang theo người phụ nữ khác cùng với một đứa con. Bố mẹ chia tay nhau.
"Mẹ là nỗi ân hận lớn nhất trong đời tôi". |
Khi đó tôi giận bố ghê gớm. Nhưng chẳng ai chọn được bố mẹ để làm con và không ai chọn được mái nhà để sinh ra. Mẹ khuyên tôi như thế và tôi cũng không muốn nhắc nhiều đến bố. Mẹ chăm lo cho cả cuộc đời tôi bằng sạp vải trên chợ Mơ (Hà Nội). Mẹ không để tôi thiếu thứ gì, vậy mà tôi vẫn hư hỏng do thiên tính của một đứa con gái ưa phá bĩnh. Tôi đua bạn đi hít ma tuý từ năm 2000 để rồi nghiện lúc nào không hay. Ngày nào tôi cũng đi chơi cùng với bạn.
Mẹ tôi biết và khóc. Mẹ bảo tôi, con đừng đi chơi nữa, cứ ở nhà mẹ cho con tiền hít ma tuý cũng được. Mẹ sợ vĩnh viễn mất tôi. Nhưng tôi cứ lao đi. Để rồi ngày 23/10/2001, tôi bị Công an bắt vì tội cướp tài sản. Báo đăng khắp nơi, mẹ tôi bệnh nặng thêm vì xấu hổ. Bây giờ mỗi khi nghĩ đến mẹ tôi lại muốn khóc. Mẹ chính là nỗi ân hận lớn nhất trong đời tôi.
Ngày 1/7/2002, khi bước chân vào Trại giam số 5, điều tôi tâm niệm là phải cố gắng cải tạo tốt để nhanh chóng được ra trại để được sống gần bên mẹ mỗi ngày. Sáu tháng đầu, mẹ lặn lội mấy trăm cây số vào thăm tôi mỗi tháng một lần. Rồi mẹ không vào nữa. Tôi viết thư cho mẹ, anh trai nuôi của tôi sống chung nhà trả lời thư rằng mẹ đang bệnh nhưng cũng cảm xoàng thôi. Tôi chẳng tin, tôi bảo mẹ hãy cứ viết cho con 3 chữ thôi, rằng mẹ đang khỏe mạnh, như thế con mới yên tâm được. Thư sau vẫn chỉ là anh viết. Tôi khóc suốt một tuần liền.
Anh chẳng thể giấu. Vậy là mẹ chẳng chờ tôi được, mẹ lặng lẽ về với đất. Anh trai nuôi cùng họ hàng tôi lo đám tang cho mẹ. Rồi anh ở lại mái nhà cũ trên phố Hồng Mai, lo hương khói cho mẹ tôi, chờ ngày tôi ra trại. Ngày 8/3, ngày sinh nhật, ngày Tết… anh đều gửi cho tôi những tấm bưu thiếp, an ủi, động viên. Chính những điều đó đã giúp tôi thêm nghị lực để vượt qua những tháng ngày buồn bã này.
Tôi đã viết rất nhiều thư, hầu như mỗi ngày, cho mẹ. Nhưng tôi đã không gửi, tôi cất đi cho riêng mình và chúng đã nhòe đi rất nhiều vì nước mắt. Khi mẹ mất tôi từng nghĩ đến cái chết. Nhưng bây giờ thì tôi biết mình cần phải sống. Khi xong án, tôi sẽ làm lại. Muộn cũng sẽ làm lại.
3. Chúng tôi là hai đứa nhỏ tuổi nhất trong phòng giam, được các mẹ các chị trong trại thương yêu chăm sóc. Khi còn những ngày tươi đẹp tự do, chẳng ai nghĩ đến ngày mình rơi vào vòng xoáy của tội lỗi và phải trả giá bằng cả quãng đời xuân trẻ đẹp nhất. Nhưng thực tế đã diễn ra như vậy. Giờ đây, chiều nào chúng tôi cũng ngồi cạnh nhau trò chuyện, cho nhau đọc những lá thư nhà và ngồi nhìn ra ngoài trời nghĩ về ngày mai.
Chúng tôi giống nhau bởi sự éo le của hoàn cảnh sống, cùng chịu án hơn 5 năm, cùng vào trại khi chưa thành niên và biết mùi phòng giam trước khi biết cái nắm tay của người khác phái. Không biết cái cảm giác ấy thế nào nhỉ? Có bồn chồn, có hồi hộp, có mừng vui và thất vọng như khi chúng tôi mong những lá thư nhà không? Hay là cảm giác tin cậy và yên ổn như khi chúng tôi được cán bộ gọi lên phòng, động viên an ủi khi gặp những chuyện buồn đau? Thật chẳng biết được.
Nhưng, có điều này, có thể là xa xỉ với chúng tôi trong hoàn cảnh này, nhưng chúng tôi cứ ao ước, khi ra trại có được một việc làm, gặp được một người đàn ông không đẹp, không giàu nhưng biết cảm thông. Và chúng tôi được làm mẹ. Con chúng tôi sẽ biết được những "hố ga" trên đường đời để không rơi xuống vực bẩn. Để không như mẹ chúng, nửa đêm bàng hoàng tỉnh mộng, đau buốt lòng khi biết mình đã bị quá khứ đòi nợ, đánh cắp vĩnh viễn tuổi hai mươi…
Theo Dương Toàn (ghi)
Công An Nhân Dân