“Tôi là người Việt Nam”

Từ suy nghĩ rất thật, rất giản dị của bạn Nguyễn Thị Thanh Trúc (23 tuổi) trên trang web xitrum.net, ngay lập tức “Tôi là người Việt Nam” đã trở thành một đề tài sôi động của những người trẻ trên mạng.

“Có những điều đôi khi chúng ta không cảm nhận được bởi vì nó nằm trong chính bản chất con người chúng ta. Chúng ta yêu đất nước Việt Nam như một điều tự nhiên, sinh ra đã là vậy. Nhưng khi bạn phải đối mặt với những điều bạn phải suy nghĩ thì bạn mới biết lòng tự trọng và tình yêu của mình lớn như thế nào khi mang trên người hai tiếng Việt Nam” - bạn Nam Việt bộc bạch trên diễn đàn.

Bạn Lê Nhật Thảo xác định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà. Mỗi người là một viên đá để xây dựng nên trụ cột đó. Một viên đá bé nhỏ cứ tưởng chẳng làm được gì, nhưng chỉ cần thiếu một viên hay chỉ một viên không đạt chất lượng thì cái cột có nguy cơ sụp đổ. Góp sức cho sự phát triển của đất nước, không chỉ là những lời nói suông, các bạn đã thể hiện bằng những hành động cụ thể”.

Không chỉ các bạn trẻ ở khắp mọi miền đất nước có mặt trên diễn đàn, diễn đàn còn làm cồn cào những bạn trẻ đang ở xa quê hương. “Hiện tôi không ở Việt Nam, nhưng lúc nào trong thâm tâm tôi cũng nghĩ về quê hương. Ở nơi đó tôi có gia đình, bạn bè và rất nhiều kỷ niệm... Và cả những điều rất đơn giản, mộc mạc chỉ có ở Việt Nam mà nơi khác không tìm thấy được”, hay “Tôi muốn về Việt Nam để được sống và làm việc trên đất nước của mình”...

Mỗi bài viết đều bộc lộ tình yêu Việt Nam, lòng tự hào bằng những hình ảnh cụ thể. Với bạn Hạnh Nguyễn, có đến 33 lý do để thể hiện tình yêu Việt Nam. Đơn giản vì “Tôi là người Việt Nam”, “Hãy hành động vì Việt Nam”..., các bài viết thường kết thúc như vậy.

Những cái tên ký ở cuối bài cũng rất Việt Nam, chứ không phải là những nickname kiểu cọ thường thấy. Tuyệt nhiên không thấy bất cứ một ngôn từ nào theo kiểu văn phong mạng dù đa số là của cư dân mạng thế hệ 8X, 9X...

“Một diễn đàn hết sức nghiêm túc vì chính nội dung của nó đã tự thể hiện điều ấy”, Phan Hải - 22 tuổi, phụ trách diễn đàn - nhận định.

“Tôi không biết nhiều về chiến tranh, nhưng tôi hiểu nhiều về hậu quả của nó. Tôi không thích người ta nhắc đến Việt Nam với những cụm từ như “Vietnam war”, đó là chuyện của quá khứ. Tôi muốn thế giới gọi nước tôi đơn giản bằng hai từ Việt Nam.

Là người Việt Nam, tôi cảm thấy xấu hổ khi không thể giúp một người bạn nước ngoài xác định Lê Thánh Tôn và Lê Thánh Tông là tên của một hay hai vị vua khác nhau. Tôi đã ăn thử nhiều món ăn nước ngoài, nhưng tôi vẫn thích ăn đồ ăn Việt Nam hơn, vì món nào cũng ăn kèm với rau (tôi nghĩ không nước nào trên thế giới sử dụng nhiều rau trong bữa ăn như ở Việt Nam).

Tôi là người Việt Nam từ trong cái tên của mình, có lót chữ Thị. Đó là tên lót của nhiều phụ nữ Việt Nam. Đó là nét độc đáo trong cách đặt tên của người Việt Nam. Chữ Thị làm cho tên của tôi dài dòng hơn, nhưng nhờ nó mà những người chưa gặp mặt sẽ biết ngay tôi là phái nữ”.

(Trích bài viết của Nguyễn Thị Thanh Trúc)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo Tố Oanh
Tuổi Trẻ