“Tóc dài” chinh phục bầu trời
Lơ lửng giữa không trung chừng 3-4 phút, bốn chiếc dù lần lượt tiếp đất nhẹ nhàng, êm ái. Những bóng hồng đã chứng tỏ không phải chỉ nam giới mới có lòng can đảm và niềm đam mê chinh phục bầu trời.
Xuất thân từ những điều kiện và hoàn cảnh gia đình khác nhau, cô gái đều thuộc thế hệ 8X, đã và đang là sinh viên của các trường đại học tại Hà Nội, nhưng ở họ có một điểm chung là lòng can đảm, thích cảm giác mạnh và ước mơ được chinh phục bầu trời.
Hà Thuý Hằng, 22 tuổi, ở quận Hoàng Mai Hà Nội vừa tốt nghiệp ĐH Khoa học xã hội và nhân văn và đang thử việc tại Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em Hà Nội.
Từng nghe nói về các vận động viên nhảy dù của Quân chủng phòng không, không quân, Hằng nghĩ: “Ở nước ngoài nữ giới còn trở thành phi công, huống gì là vận động viên nhảy dù”. Thế là ước mơ chinh phục bầu trời bắt đầu manh nha từ đó.
Tháng 3, Ban Giáo dục Quốc phòng - Quân chủng Phòng không - Không quân chiêu sinh khóa vận động viên nhảy dù mới, Hằng là người đầu tiên nộp đơn đăng ký, kiểm tra sức khỏe và làm các thủ tục nhập học.
Cô gái có đôi mắt tròn thông minh và cá tính mạnh mẽ Đào Thu Hằng là sinh viên năm thứ ba Khoa Kỹ thuật hàng không - ĐH Bách khoa Hà Nội đến với bộ môn nhảy dù với một mục tiêu rõ ràng là tiếp cận với kỹ thuật hàng không liên quan đến chuyên ngành mà cô đang học.
Càng theo đuổi môn nhảy dù, Thu Hằng lại càng thêm yêu thích, nhất là trong câu lạc bộ còn có thêm các bộ môn khác như mô hình máy bay, ô tô, tàu thuỷ… khuyến khích khả năng sáng tạo của thanh niên.
Còn cô sinh viên có vóc người thanh mảnh, nụ cười hiền dịu Lê Thị Nhung, 23 tuổi hiện là sinh viên năm thứ tư Khoa Báo chí ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đến với bộ môn nhảy dù để “mục sở thị” môn thể thao mạo hiểm này. Theo Nhung, đó là cách tốt nhất để mình thu thập thông tin, tư liệu để viết bài, chỉ có làm và hiểu cặn kẽ vấn đề thì tác phẩm mới sinh động, hấp dẫn và thu hút người đọc.
Quả thật, ý tưởng táo bạo của Nhung cũng khiến cho nhiều sinh viên báo chí phải kiêng nể và có một cái nhìn thực tế hơn về sự vất vả gian truân mà nghề báo đang thử thách họ.
Riêng với Lê Thị Kim Oanh, sinh viên năm cuối Học viện Bưu chính - Viễn thông và Chu Thanh Hằng, sinh viên ĐH Luật Hà Nội đến với bộ môn nhảy dù để tìm kiếm cảm giác mới lạ, đồng thời rèn luyện thân thể và bản lĩnh sống của mình.
Dù đã được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản của một vận động viên nhảy dù, nhưng khi nhìn thấy đường băng tít tắp, ai cũng choáng ngợp bởi vẻ mênh mông, rộng lớn của nó.
Phía trước là bầu trời
Chiếc trực thăng rời sân đỗ lăn ra đường băng ở Hòa Lạc (Hà Tây). Năm cô gái đứng xen kẽ, lọt thỏm vào hàng ngũ cùng cánh mày râu, thùng thình trong trang phục màu xanh cỏ úa, phía sau lưng là chiếc dù chính, phía trước là dù phụ phòng trường hợp dù chính không mở thì bật dù phụ.
Kim Oanh được mẹ đi cổ vũ. Còn nhà tâm lý học tương lai Hà Thuý Hằng giấu nhẹm gia đình chuyện mình đi học nhảy dù, nhưng cô em gái biết chuyện cũng theo ra tận nơi để động viên chị.
Tiếng còi hiệu vang lên, các vận động viên lần lượt bước lên máy bay. Chiếc trực thăng rời đường băng rồi bay vòng trái thả dù cát và xác định hướng gió. Chưa nhảy nhưng ai cũng thấy vui sướng khi được ngắm nhìn sân bay và một phần thị xã Sơn Tây từ trên cao, xa xa đường băng thu nhỏ như chiếc thước kẻ vắt trên tấm thảm nhung xanh, tâm hạ cánh là một chấm nhỏ ở rất xa.
Trong lúc căng thẳng, hồi hộp chờ đợi giây phút nhảy dù, Thúy Hằng bắt nhịp cho cả nhóm đồng thanh bài hát “Đời mình là một khúc quân hành”, làm cho cả tổ lái phải ngạc nhiên vì tình yêu bầu trời, tình yêu đối với người lính của các nữ sinh.
Người rời khỏi máy bay đầu tiên là thiếu tá Phạm Thành Chung, một vận động viên dù kỳ cựu của Trung tâm huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không quốc gia. Tiếp đến là các vận động viên nam. Chỉ đến lượt thứ hai, các nữ sinh mới được nhảy. Lần lượt trên nền trời xanh, bốn chiếc dù trắng sáng lấp lánh, lơ lửng giữa tầng không.
Nhung vừa chú ý nghe điều khiển từ mặt đất, vừa tranh thủ liếc nhanh về bốn phía. Tất cả khán giả cùng đứng dậy cổ vũ, động viên các vận động viên tóc dài.
Lơ lửng giữa không trung chừng 3-4 phút, bốn chiếc dù lần lượt tiếp đất nhẹ nhàng, êm ái. Không có ai bị va vào cây hoặc rơi xuống nước.
Theo Tiền Phong