Toàn Shinoda: “Bạn trẻ Mỹ cuồng như fan Kpop Việt vậy”

(Dân trí) - Đã có một thời gian sinh sống, học tập bên nước Mỹ, Trần Vũ Toàn (Toàn Shinoda) - tác giả của hàng loạt Vlog đình đám trên mạng, có cách nhìn nhận, đánh giá về vấn đề Fan “cuồng” đầy thú vị và khá toàn diện.

 

Thông tin cá nhân

 

Họ và tên: Trần Vũ Toàn

 

Nickname: Toàn Shinoda

 

Sinh năm: 1987

 

Từng học khối chuyên Anh trường HN-Amsterdam, sau đó sang Mỹ học 4 năm tại trường Wesleyan University.

 

Sau khi về Việt Nam công tác 3 năm trong ngành tài chính ngân hàng trước khi chuyển sang lĩnh vực tư vấn du học.

 

Là du học sinh đã có cơ hội sinh sống, học tập ở Mỹ 4 năm, Toàn thấy ở bên đó, thần tượng nào được giới trẻ Mỹ “cuồng” nhất?

 

Nhìn chung nước Mỹ khá rộng lớn và đa dạng về văn hoá, chủng tộc nên cũng khó để định hình chính xác việc “cuồng” một cái gì đó nhất định. Tuy nhiên nếu nói về lĩnh vực âm nhạc thì có thể nhìn rõ hơn qua từng thời kỳ.

 

Ở những năm 80 họ cuồng nhạc rock, nhạc mạnh với Metallica, Guns N’ Roses hay Bon Jovi. Đến những năm cuối 90 khi boyband, girlband nổi lên, giới trẻ bắt đầu “cuồng” Spice Girls, Backstreet Boys hay N’Sync.

 

Đầu những năm 2000 trở ra họ bắt đầu “cuồng” các ca sĩ solo như Britney Spears, Christina Aguilera hay Jennifer Lopez. Xu hướng đó được giữ tới hiện tại với những ca sĩ trẻ như Lady Gaga, Justin Bieber hay Adele.

 
Trần Vũ Toàn (Toàn Shinoda) - một trong những Vlogger đình đám trong giới trẻ Việt.
Trần Vũ Toàn (Toàn Shinoda) - một trong những Vlogger đình đám trong giới trẻ Việt.
 

Toàn thấy giới trẻ ở Mỹ “cuồng” thần tượng đến mức độ nào?

 

Công bằng mà nói nếu đã “cuồng” thì ở nơi nào cũng vậy. Nếu xem các buổi biểu diễn sống, các buổi họp mặt fan của Justin Bieber thì cũng thấy các bạn trẻ Mỹ “cuồng” như fan cuồng Kpop của Việt Nam vậy.

 

Du học sinh của ta bên đó có “cuồng” thần tượng như vậy không?

 

Toàn cảm giác khi đã qua tuổi 18 và đi học xa nhà, có nhiều việc phải lo cho học tập và cuộc sống thì thời gian dành cho việc “cuồng” sẽ ít hơn. Tuy nhiên, mình cũng coi bản thân là một fan “cuồng” của nhạc Rock.

 

Từ thời học cấp 3 Toàn đã dành dụm tiền mua CD của các ban nhạc rock nổi tiếng thế giới để nghe và tập theo. Đã một vài lần Toàn trốn nhà đi xem các buổi cover nhạc rock thế giới của các ban nhạc rock Việt Nam thời đó bởi thời gian diễn thường vào buổi tối.

 

Sau này sang Mỹ học mình cũng vẫn dành nhiều thời gian để xem video hướng dẫn và tập đàn theo các nghệ sĩ và ban nhạc mình thích. Khi đó, Toàn để tóc dài tới vai, đeo nhiều vòng tay, dây chuyền và mặc áo có hình các ban nhạc.

 

Mình cũng dành dụm tiền để đi xem cái live show của một số ban nhạc diễn gần khu sống. Lúc xem, Toàn cũng “giật giũ” rất cuồng nhiệt theo không khí và sức nặng của các loại nhạc rock.

 

Nhưng bây giờ, Toàn đỡ “cuồng” đi nhiều rồi. Mình đã không để tóc dài, không mặc nhiều đồ phụ kiện trên người nữa, ví dụ như lỗ tai bấm thời sinh viên giờ cũng mất rồi.

 

Mình ít đi xem show nhạc rock hơn, nếu có đi xem cũng "hiền" hơn trước khi chỉ đứng nghe mà không “giật giũ”. Giờ đây, Toàn nghe nhiều dòng nhạc hơn và chỉ nghe nhạc rock khi đi một mình trên đường.

 
Toàn Shinoda tự nhận mình là fan cuồng rock khi còn là SV.

Toàn Shinoda tự nhận mình là "fan cuồng" rock khi còn là SV.
 

Toàn thấy văn hóa thần tượng của giới trẻ Mỹ so với Việt Nam mình có khác biệt nhiều không? Và nếu có, khác ở những điểm gì?

 

Nhiều người nói xã hội Mỹ phát triển và khác biệt nhiều so với Việt Nam, tuy nhiên trong vấn đề “văn hoá thần tượng” này mình thấy không có nhiều khác biệt lắm.

 

Chắc hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện đã có 12 bạn trẻ tự tử sau khi nghe tin Michael Jackson ra đi. Nó cũng giống với việc “bỏ nhà” hay “doạ tự tử” của một vài fan Kpop ở Việt Nam.

 

Điểm khác biệt, có chăng, là ở chỗ mức độ của chúng ta có vẻ cao hơn vì ở Mỹ ít khi người ta “cuồng” một thể loại nhạc mà người ta không hiểu nghĩa bài hát (trừ Gangnam Style!)

 

Theo anh, vai trò của nhà trường, gia đình người Mỹ như thế nào trong vấn đề này?

 

Họ khuyến khích con cái học và trải nghiệm nhiều thứ để mở rộng tầm mắt cũng như cân bằng giữa các sở thích. Có lẽ vì thế mà trẻ con sẽ đỡ “cuồng” một cái gì đó thái quá khi chúng có nhiều lựa chọn khác nhau.

 

Cảm ơn Toàn về cuộc trò chuyện lí thú này.

 

Hoàng Dung