Tình yêu trên đảo Trần

Hành trình đến đảo Trần (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) không yên ả bởi sóng gió. Khi những đợt gió Đông Bắc ngừng thổi thì sóng Nam lại được gió nồm gọi về, làm cho biển dậy sóng. Thế nhưng, người lính đảo vẫn bốn mùa bình yên khi được đón nhận hơi ấm từ hậu phương.

Sẻ chia cạn lòng

 

Phải hứng chịu những cú lắc nghiêng, lắc ngả của chiếc mảng (giống thuyền, chỉ khác ở chỗ đáy bằng, được làm bằng xốp, bọc ngoài bởi lớp cao su) trong chuyến hành trình ra đảo Trần, chúng tôi mới thấm thía nỗi vất vả của người lính đảo.

 

Khi tới đảo, điều bất ngờ với chúng tôi là bắt gặp những cô gái dáng người mảnh khảnh ra đón tiếp. Hỏi ra mới được biết, họ là vợ của các chiến sĩ đảo Trần cũng vừa từ đất liền ra thăm chồng.

 

Cô gái Nguyễn Thị Hải Yến (vợ của Thượng úy Nguyễn Anh Xuân, Phó Đại đội trưởng, Đại đội 8, Tiểu đoàn đảo Trần, Lữ đoàn 242), cười tươi:

 

“Có mệt không các anh? Em còn không được đi mảng như các anh đâu, mà cưỡi xuồng máy ra đảo đấy. Lúc đầu em sợ, hét toáng lên, may mà có nhà em động viên nên giữ được bình tĩnh và lặng lẽ thưởng thức cái “món” mà chồng mình thường xuyên phải trải nghiệm.

 

Lúc đang yêu nhau anh ấy nói là sẽ đi bộ đội. Sau này nhận công tác ngoài đảo, anh ấy đã đề nghị em chia tay vì sợ em khổ, nhưng em kiên quyết khổ mấy cũng chịu được"...
 
Vợ chồng thượng úy Nguyễn Anh Xuân hạnh phúc trong ngày cưới.
Vợ chồng thượng úy Nguyễn Anh Xuân hạnh phúc trong ngày cưới.

 

Câu chuyện chẳng mấy chốc đã đưa chân chúng tôi về tới đơn vị. Đại úy Nguyễn Huy Bằng, Chính trị viên Tiểu đoàn, giới thiệu: “Đơn vị có cặp đôi Yến - Xuân được xem là lý tưởng nhất đấy các anh ạ! Cô chú ấy yêu nhau từ ngày còn học phổ thông gần chục năm trời, mới cưới năm 2012, vì yêu chồng nên cô ấy đòi ra đảo”.

 

Khác với cặp Yến - Xuân, cặp đôi Trần Thị Huyền và Thượng úy Lương Thanh Tuấn mới cưới nhau hồi tháng 2/2014. Chị Huyền kể: “Cưới xong thì tháng 3, anh ấy ra đảo Trần. Lần đầu ra nhận công tác phải đi xuồng bay, nước biển tạt ướt hết quần áo...

 

Lần ấy, anh Tuấn gọi điện kể lại, em chỉ biết khóc. Từ đó, em nuôi quyết tâm ra thăm chồng. Cuối tháng 7 vừa rồi, khi anh ấy vào công tác ở Lữ đoàn bộ, em đóng cửa hàng dược, lặn lội từ Liên Sơn, Gia Viễn, Ninh Bình và hai vợ chồng cùng song hành ra đảo.

Lần này, em và anh ấy không phải ngồi xuồng bay mà đi mảng, em say sóng mệt lả. Ra đến đảo, em khá bất ngờ dù đã nghe chồng kể nhiều về đảo nhưng không giống như những gì em tưởng tượng.

 

Sự thiếu thốn của các anh ngoài đảo thật khó có gì bù đắp được, vậy mà các anh ấy vẫn yêu đời. Bất giác, em nhớ tới món quà là ngôi nhà bằng vỏ ốc, hay trái tim làm bằng vỏ đạn mà anh Tuấn tặng giờ mới thấy vô giá biết nhường nào.

 

Sau mỗi đợt nghỉ phép, em thường chuẩn bị chu đáo từ khăn mặt, kem đánh răng,... cho anh ấy những tưởng thế là đủ, nhưng ra đảo mới hay những thứ đó chẳng thấm vào đâu, càng nghĩ, càng thương.

 

Em cho rằng, không chỉ riêng em, mà bất cứ người vợ nào, hoặc người bạn nào cần có trách nhiệm hơn trong vai trò là hậu phương vững chắc, động viên các anh ấy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

 

“Tuyển quân”!

 

Trong câu chuyện thấm đẫm sự sẻ chia, bất giác có người hỏi: “Ngoài việc ra thăm chồng, xem điều kiện ăn ở thế nào, chắc còn nhiều mục tiêu khác nữa chứ?”. Huyền đỏ mặt cúi xuống, cười tủm tỉm: “Thì cũng phải “Đông Tây y” kết hợp chứ. Trước khi đi, bu chồng đã dặn: “Nhớ phải mang thằng cu về cho bu đấy!”.

 

Thú thực, chúng em mới cưới nhau được nửa năm mà anh ấy đi biền biệt thế… Bên gia đình nhà đẻ em cũng mong có cháu ngoại. Bố em là bộ đội, công tác ở Viện quân y 5 từng công tác ở đảo nên hiểu và thông cảm với anh Tuấn”.

 

Cũng giống chị Huyền, nhưng áp lực có con đối với chị Yến còn cao hơn nhiều. Chị Yến tâm sự: “Chúng em cưới nhau hơn hai năm rồi, cho đến giờ vẫn vậy sao không sốt ruột cho được. Khi em ra đây, mẹ chồng cùng gia đình đi du lịch, nhưng ngày nào mẹ cũng gọi điện động viên vợ chồng, hỏi han đủ thứ và cũng không quên nhắc thực hiện nhiệm vụ tối quan trọng là phải “tuyển quân” cho bằng được, trai, gái gì cũng được miễn là có kết quả đem về”...

 

Là người có thâm niên hơn chục năm trên đảo, lúc chia tay chúng tôi, “Lão đảo” Phan Đình Tuân, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên tài chính, Tiểu đoàn đảo Trần, nói như thể chiêm nghiệm: “Thế mới biết đảo Trần tuyệt vời thế nào. Có đôi nào “tuyển quân” trên đảo mà về tay trắng đâu! Rồi lão dẫn chứng một loạt cặp đôi “tuyển quân” thành công trên đảo Trần. Nghe “Lão đảo” cười khà khà mà rằng: “Thế mới là đảo Trần chứ!”, làm chúng tôi thấy vui lây.

 

Đem những ước nguyện của các phu nhân lính đảo chia sẻ cùng Đại úy Nguyễn Huy Bằng, Chính trị viên Tiểu đoàn đảo Trần.

 

Anh vui vẻ: “Đó là những ước nguyện chính đáng và chúng tôi nhận thức rằng, hậu phương vững thì tuyến đầu mới vững. Từ quan điểm đó, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn động viên, tạo điều kiện hết mức để những đồng chí mới xây dựng gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống.

 

Nếu các phu nhân có nguyện vọng ra đảo, đơn vị sẵn sàng tạo điều kiện và mong rằng thân nhân cán bộ, chiến sĩ đến với đảo thường xuyên hơn để động viên tinh thần người lính đảo chắc tay súng nơi tuyến đầu Tổ quốc”.

 

Theo Đàm Tuấn Đạt

Tiền phong