Tình yêu thực tế: "Đối phương không có kinh tế thì sẽ lấy gì để lo cho mình?"
(Dân trí) - Thực dụng và thực tế là hai khái niệm có ranh giới mong manh, dễ nhầm lẫn trong tình yêu.
Thời đại vật chất lên ngôi, xu hướng sử dụng tiền bạc làm "thước đo" lòng người của một bộ phận trẻ đang dần trở nên phổ biến, kéo theo đó là những giá trị tình mộc mạc không còn được xem trọng.
"Đối phương không có kinh tế thì sẽ lấy gì để lo cho mình?"
Khác với các thế hệ trước đề cao tình yêu lên trên hết, giới trẻ hiện nay hướng tới những tiêu chí "xứng đôi vừa lứa", "con ông cháu cha", "nhà mặt phố bố làm to"..., để lựa chọn người yêu.
"Trước sự cám dỗ của vật chất hiếm có cô gái nào chấp nhận yêu một người đàn ông nghèo, không có kinh tế, công việc ổn định. Nghĩ xa một chút, nếu yêu lâu dài rồi tiến đến hôn nhân mà đối phương không có kinh tế thì sẽ lấy gì để lo cho mình?", Mai Tú cho biết.
Mai Tú còn chia sẻ thêm về góc nhìn từ bản thân, cô cho biết khi chọn người yêu, các cô gái có quyền chọn những điều tốt đẹp nhất cho bản thân. Đó phải là người đàn ông phải đáp ứng đầy đủ yếu tố kinh tế, phù hợp với tiêu chuẩn cuộc sống của mình.
Tình yêu sẽ đẹp hơn khi có vật chất
Bạn Công Thái cho rằng: "Bản thân đang trong độ tuổi trưởng thành, mình cảm thấy con trai thường xuyên phải chịu áp lực về sự nghiệp, kinh tế và vấn đề tình cảm. Ranh giới mong manh giữa thực dụng và thực tế vô hình trung khiến mình bị nhầm lẫn trong mối quan hệ tình cảm".
"Có câu nói "tình yêu không đo bằng vật chất" nhưng không có vật chất chưa chắc đã có tình yêu. Bởi một người đàn ông không thể nào để nửa kia của mình thua thiệt so với những cô gái khác. Vào những ngày lễ, chỉ cần là thỏi son, bó hoa cũng đủ để duy trì mối quan hệ", Công Thái nói.
Thái chia sẻ: "Hiện nay có một số cô gái sống thực dụng, mơ mộng khi theo đuổi sự hoàn hảo của người khác mà không dựa vào thực lực chính mình. Họ mặc định mình là phái yếu phải được chiều chuộng, dựa dẫm cả về vật chất lẫn tinh thần".
Theo Công Thái thói quen chi tiêu, lối sống đua đòi đã làm cho một số cô gái trở nên ích kỷ, trục lợi. Tuy nhiên, có những cô gái xinh đẹp, độc lập, đòi hỏi người đàn ông của mình phải có kinh tế lại là thực tế.
Bởi lẽ, người phụ nữ tài giỏi đôi lúc cũng sẽ yếu mềm cần bờ vai vững chắc để dựa dẫm. Và để trở thành chỗ dựa vững chắc cho nửa kia của mình, người đàn ông phải có tài chính, công việc vững chắc, đủ quan tâm, chiều chuộng nửa kia.
Điều đó chứng minh cho thực tế "mây tầng nào gặp gió tầng đó" không phải phân cấp tầng lớp mà là thực tế.
Sức mạnh của tình yêu thực tế
Để xây dựng tình yêu không toan tính, đơn thuần là điều không dễ dàng, nhưng khi hai tâm hồn đồng điệu gắn kết không vì vật chất, xem nhau là động lực để phấn đấu, tình yêu ấy chắc chắn sẽ gắn kết lâu dài.
Từng là cô gái bỏ ngoài tai lời thị phi để lấy chồng ở tuổi 18, chị Trần Thị L. cho biết: "Tuy bị cả gia đình cấm cản nhưng tôi vẫn bất chấp đi theo tiếng gọi tình yêu. Lấy chồng một thời gian, tôi đã tìm việc làm để cùng chồng vun vén gia đình nhỏ. Bởi lẽ, hạnh phúc không chỉ xuất phát từ tình cảm mà còn đến từ kinh tế".
Bước đến "vùng đất" thực dụng không quá khó, xây dựng mối quan hệ hôn nhân, tình cảm dựa vào thực tế mới là điều khó thực hiện. Các mối quan hệ tiến tới cam kết lâu dài đều sẽ phải trải qua khó khăn trong hôn nhân.
"Không mơ mộng về tình yêu màu hồng như lúc mới yêu, khi về chung nhà tôi nhận thấy yếu tố thực tế chiếm vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình. Áp lực cơm áo gạo tiền, chăm sóc con cái, các mối quan hệ xã hội nhiều lúc khiến chúng tôi chán nản.
Những lúc mệt mỏi chúng tôi không chọn buông tay mà chọn cách tạm nghỉ ngơi, thư giãn, suy nghĩ đến quá trình xây dựng tổ ấm gia đình nhỏ của mình. Từ đó tôi và nhà tôi lại có thêm động lực để cố gắng vì nhau. Tình yêu chân thành lâu dần sẽ chuyển thành tình thương, đối phương sẽ trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mình", chị L. tâm sự.
Thực dụng là mặt tiêu cực của thực tế. Mỗi cá nhân cần "sống thực tế giữa dòng đời thực dụng" để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.