Tình SV “đổi màu”, “thêm vị” vì… giá cả

(Dân trí) - Tìm quán cóc tâm sự thay vì ngồi ở quán cà phê, lấy ghế đá làm điểm hẹn hò thay vì lượn ngoài đường, thậm chí nàng đến chỗ chàng thay vì chàng đến đón bởi nàng có vé xe buýt tháng… Tình yêu sinh viên ít nhiều đang biến động trong cơn lốc giá.

Tình yêu đã nghèo lại thêm “đói”

Gì cũng tăng giá, để bù đắp cho các khoản chi tiêu hàng ngày, khoản “tình phí” của những cô cậu sinh viên vốn đã rất ít ỏi lại thêm bị “cắt giảm”. “Màu” tình yêu vì thế mà ít nhiều thay đổi.

Trước đây hẹn hò, hai người có thể vào ngồi quán cà phê, nhâm nhi tý hạt dưa nhưng trong điều kiện… phải đặt chính sách tiết kiệm lên hàng đầu thì điều đó nay trở nên xa xỉ.

Trước đây cũng không dư giả gì nhưng Nguyễn Thắng - sinh viên khoa Cầu đường Nga (ĐH GTVT) và bạn gái vẫn có thể đều đều mỗi mỗi tối một tuần nhâm nhi cà phê tại căng-tin trường. Nhưng khi giá cả tăng, chưa đến cuối tháng đã sạch tiền. Có hôm đi chơi, Thắng thú thật với bạn gái là trong túi chỉ còn 10.00 đồng, bạn gái Thắng hiểu “hoàn cảnh” người yêu, hóm hỉnh: Ra quán cóc ngồi, uống hai cốc trà nóng vừa ấm bụng lại tha hồ tâm sự. Từ hôm đó, hai người “kết” luôn với quán cóc.

Anh bạn trọ cùng phòng với Thắng tên Hoàng cũng rơi vào cảnh tương tự. Mấy hôm trước, Hoàng chỉ còn hơn 100.000 đồng nhưng phải “cầm cự” gần mười hôm mới đến ngày bố mẹ gửi tiền. Dù vậy Hoàng vẫn quyết tâm “mời” cô bạn gái trong giai đoạn… cưa mới đổ vào quán cà phê nhưng cô nàng đã ngăn lại: “Không được, vị chi hai cốc cà phê cũng 14.000 đồng, giờ tăng giá rồi cũng nên, lại còn hạt dưa nữa… Anh phải tập“cai” dần đi”. Thế là hai người ghé vào quán cóc vỉa hè uống trà nóng cho ấm bụng trước khi ra “bến tình” Mỹ Đình tâm sự.

Yêu nhau được hai năm nhưng chưa bao giờ tình yêu của Văn Cường, ĐH KTQD và Mai (HV Ngân hàng) lại rơi vào tình cảnh như thời gian này. Trước đây, khi đi chơi kiểu gì đôi bạn cũng phải nhâm nhi món gì đó, chỉ là những món rất sinh viên thôi như ốc luộc, bánh khoai, bánh chuối, nem rán... vậy mà lúc này hai người cũng phải “chào tạm biệt”. “Bánh khoai bánh chuối giờ cũng lên hàng đặc sản rồi, 2.000 - 3.000đ một chiếc chứ không ít ỏi gì. Hai đứa mà ngồi lai rai cũng hết hơn hai chục bạc chứ không ít. Cả hai đứa em đều là sinh viên xa nhà, chống chọi được cơn bão giá đã “cực” lắm rồi” - Cường thổ lộ.  

Người giàu cũng khóc

Khá giả nhất xóm trọ ở khu Kim Giang vì có chiếc xe Wave để đi học và đón đưa người yêu, trước đây Nguyễn Văn Thành, sinh viên ĐH KHTN Hà Nội hay đến đón bạn gái rồi cùng vi vu. Nhưng dạo này, dân xóm trọ thấy Thành toàn ở nhà và cô bạn gái đi xe buýt đến thăm. Thì ra, người yêu Thành học Thương mại, ở tận Cầu Diễn, đoạn đường từ chỗ Thành lên đó phải mất gần 15 cây số, Thành mà cứ đi đi lại lại thì chỉ có “chết tiền xăng”. Bạn gái Thành lại có sẵn vé xe buýt nên hai người thống nhất “chấm dứt thời lượn lờ”, cũng hạn chế việc chàng lên đón nàng mà thay vào đó là nàng lên xe buýt xuống… thăm chàng.

Đúng vào thời điểm mốt mua xe tay ga năm ngoái, được bố mẹ tự do cho chọn một con xe máy để đi học, Diệu Linh (HV Báo chí) đã mua lại chiếc Attila cũ của bà chị cùng phòng bằng giá chiếc xe Wave. Linh yêu anh chàng cùng lớp, chiếc Attila của Linh thành phương tiện “dạo chơi” của hai người. Nhưng rồi giá xăng tăng, chiếc xe đã cũ, lại “uống xăng” càng nhiều nên vừa đi xe vừa ngó kim đồng hồ báo xăng.

“Đổ đầy bình gần cả trăm nghìn mà “lượn” mấy vòng ra đến Hồ Tây là đồng hồ báo xăng cứ “lùi” đến hoa cả mắt. Mình muốn bán lại chiếc xe này đổi sang con xe số nhưng khó quá, chẳng ai muốn mua” - Linh nói. Cực chẳng đã, Linh đành cho chiếc xe của mình “ngủ” ở nhà quay sang đi chơi trên chiếc xe cào cào của người yêu.

“Đổi màu” mà “thêm vị”

Trong thời buổi tăng giá, đời sống vật chất và đời sống tình cảm của những đôi bạn sinh viên chắc chắc là chật vật hơn nhưng như thế không có nghĩa tình cảm giảm thi vị mà ngược lại, tình yêu lại được thêm… gia giảm.

Từ ngày thay quán cà phê bằng quán cóc vỉa hè để tâm sự, Thắng và Hoàng lại thấy thêm thoải mái. “Không phải khép nép, giữ ý quá mức như trong quán cà phê. Bên cốc trà nóng tự nhiên mình thấy trao đổi, thổ lộ với nhau hơn và quan trọng nhất là chẳng bao giờ phải lo không có tiền để trả” - Thắng nói.

Biết Cường hay thèm bánh khoai, bánh chuối, Mai đã tự tay làm bánh cho người yêu. Cương cảm động: “Nếu không có thời kỳ khủng hoảng này thì còn lâu mới được ăn món bánh này do tay bạn gái mình làm. Cô ấy cứ nói là không ngon được như ngoài hàng nhưng ăn hết rồi mình vẫn còn thèm”.

Còn Thành, thương người yêu cứ phải “thân gái dặm trường” xuống phòng mình chơi nên cậu cũng bớt “cứng đầu”, nghe lời bạn gái hơn để làm cô bớt phiền lòng hơn. Hơn nữa, mỗi lần Thành phóng xe lên, bất ngờ xuất hiện trước mặt người yêu thì cô… cảm động không tả nổi. Thành nói: “Cảm giác này không phải lúc nào cũng có”…

“Tình yêu sinh viên còn phải vượt qua nhiều thứ đâu chỉ mỗi chuyện cơm áo gạo tiền thế này. Lúc khó khăn ở được bên nhau thì đến khi giàu sang mới bền vững được” - Sự lạc quan của anh bạn Nguyễn Thắng xem như là động lực cho những đôi lứa sinh viên mà tình yêu của họ đang ít nhiều “đổi màu” trong cơn bão giá.  

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm