Tình du học

Yêu và lấy người nước ngoài đang trở nên phổ biến đối với du học sinh Việt Nam. Bên cạnh những cặp đến với nhau bằng sự chân thành thì cũng không ít trường hợp vì những mục đích ngoài tình yêu.

N.Hùng, một du học sinh đang học ở Singapore vừa về nước dịp Noel cùng cô bạn gái người Indonesia. Tuy nhiên, Hùng không đưa người yêu về nhà mà “tạm trú” tại một khách sạn ở quận Tân Bình - TPHCM.

Hùng tâm sự: “Về gặp bố mẹ thêm khó xử, cô ấy là người ngoại quốc, lại theo đạo Tin lành, nhiều điều khác biệt lắm. Đưa cô ấy về Việt Nam lần này như một chuyến du lịch vậy thôi!”.

 

Yêu thì yêu, còn cưới thì...

 

Chuyện du học sinh Việt Nam yêu người nước ngoài khá phổ biến ở Thái Lan.

 

T. Minh, Khoa Bất động sản Trường ĐH Assumption (Bangkok), cho biết có khoảng 30%-40% du học sinh Việt Nam ở Thái Lan yêu người nước ngoài, chủ yếu là phụ nữ Thái. Họ gặp nhau trong những lần vào sàn nhảy, massage... rồi thấy thích thích nhau thế là về chung sống với nhau.

 

Đối tượng mà du học sinh Việt Nam hay “dính” nhất là những cô gái nông thôn ra Bangkok kiếm việc, chưa có nghề nghiệp hoặc bán hàng trong siêu thị. “Rất ít trường hợp yêu được người học hành tử tế, gia đình nề nếp bởi những cô gái này thường rất khó gần nên sinh viên Việt Nam không mơ đến” - Minh cho biết.

 

Một thực tế là có khá nhiều cặp đang sống với nhau như vợ chồng nhưng lại không hề xác định chuyện tương lai. Đang cặp kè với một cô gái Thái, P.N (ĐH Assumption) kể: “Bọn mình thuê nhà sống cùng nhau, cùng nấu ăn, đi chơi và “sex” được xem là chuyện bình thường. Ngôn ngữ giao tiếp là tiếng Thái, cô ấy cũng chịu khó học mấy câu tiếng Việt chủ yếu để chiều lòng mình thôi”.

 

Khi hỏi có ý định cưới không thì N. lập tức lắc đầu: “Yêu thì yêu vậy thôi chứ nhiều rào cản lắm, cô ấy có lối sống khác với mình và chắc chắn cha mẹ không đồng ý rồi!”.

 

Còn M.H thì cho biết: “Em cũng từng quen một cô gái Thái nhưng chia tay rồi. Hôm sinh nhật cô ấy, em mời cô ấy đến một quán ăn với ý định chỉ có hai người thôi, ai ngờ cô ấy kéo một đám bạn gần chục người đến ăn uống và để em trả tiền. Sinh viên bọn em đâu có dư dả gì. Sau lần đó, em thôi luôn”.

 

Kết thúc chóng vánh nhưng những “mối tình kiểu Thái” cũng đã mang đến cho du học sinh Việt Nam những kỷ niệm nhớ đời.

 

Vượt rào cản đến với nhau

 

Nhiều du học sinh Việt Nam ở Anh biết đến cặp vợ chồng Vân Anh và Francois. Cô gái Việt Nam học Khoa Luật thương mại quốc tế, ĐH Cambridge đã phải lòng chàng trai đến từ Canada học cùng trường.

 

Sau một năm quen nhau, Francois thì thầm với Vân Anh: “Anh muốn được sống cùng em”. Vân Anh ngập ngừng một lúc rồi nói: “Ở Việt Nam nếu con trai muốn sống chung với con gái thì phải làm đám cưới”.

 

Thế là họ về Việt Nam ra mắt nhà gái và không lâu sau đó thì tổ chức hôn lễ. Vân Anh thường xuyên nấu những món ăn Việt Nam, bày cho chồng cách dùng đũa và dạy cho anh một số câu tiếng Việt cơ bản để giao tiếp với... mẹ vợ. Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để đến với nhau, hiện nay họ vừa đi học vừa đi làm và đang sống rất vui vẻ ở xứ sở sương mù.

 

Một du học sinh đến từ TPHCM là N.Hà, Khoa Luật công, ĐH Cambrigde hiện cũng đang có một gia đình yên ấm ở Anh với Martin, người Thụy Sĩ. Họ quen nhau khi cùng tham gia một dự án nghiên cứu của trường rồi yêu nhau.

 

Sau đám cưới, họ thuê một căn hộ ở London, vừa học vừa kiếm tiền từ các dự án. N. Hà và Martin đã có thêm một thành viên nhỏ xinh xắn hơn 2 tuổi. Dự định của họ là sau khi học xong sẽ về Thụy Sĩ sinh sống.

 

Vội vàng nơi đất khách

 

Bên cạnh những mối tình được xây dựng bằng tình yêu thực sự, cũng có những du học sinh làm xấu mặt bạn bè bởi chuyện yêu đương.

 

Theo một số du học sinh đang học ở Thái Lan, hiện mới chỉ có một trường hợp sinh viên Việt Nam lấy vợ Thái do cô gái Thái mang bầu, sinh con nên đành phải cưới và hầu hết sinh viên Việt Nam vướng vào chuyện yêu đương thường không tập trung vào việc học, có bạn học 8 năm vẫn chưa tốt nghiệp được.

 

Còn T.P.A (sinh năm 1983) sau khi đến Anh, thay vì chú tâm đến chuyện học hành, cô thường xuyên lân la làm quen với cộng đồng người Việt và không lâu sau thì làm đám cưới với một người Anh gốc Việt hơn A. 24 tuổi với mục đích nhập quốc tịch Anh.

 

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sống chung, hai người thường xuyên mâu thuẫn và người chồng đòi ly hôn. Hiện nay, A. chưa nhập được quốc tịch vì vẫn đang trong thời gian thẩm định của Cục Di trú Anh.

 

Theo Người Lao Động