Tình bạn kiểu…đơn phương

Nếu tình yêu đơn phương là tình yêu đến từ một phía, thì tình bạn “đơn phương” dùng để ám chỉ những đôi bạn thân với nhau, nhưng một trong hai luôn phải nhún nhường và lép vế so với người còn lại.

Trong đời sống, chúng ta sẽ bắt gặp không ít những đôi bạn rất thân với nhau, có thể họ chỉ quan hệ xã giao với những người bạn khác, vì họ chỉ cùng quan điểm với bạn thân của mình. 

 

Bạn thân kiểu “trợ lí”

 

Trong một lớp 12 trường THPT PN, có một đôi bạn thân khá nổi tiếng ở trường. Không chỉ vì họ cùng tên Linh, mà cả hai đều vô cùng xinh xắn, hát rất hay và học giỏi. Tuy nhiên, cô thứ nhất (Thùy Linh) có vẻ nổi bật hơn vì biết chăm sóc ngoại hình và năng động, còn Yến Linh thì giản dị, trầm tính. Ai cũng nhận xét rằng: “Yến Linh chơi với Thùy Linh cứ như là để…làm nền cho Thùy Linh vậy, thấy giống quan hệ “diễn viên - trợ lý” hơn là bạn bè”.

 

Thật vậy, dù chơi thân với nhau được vài năm nhưng không hiểu sao Yến Linh luôn phải có nhiệm vụ…đưa đón Thùy Linh đi học, ngay cả khi Thùy Linh đi trình diễn văn nghệ, Yến Linh cũng phải có mặt để…mang trang phục, mua nước… Đó là chưa kể, nhiều lúc Yến Linh còn chăm sóc Thùy Linh như…người yêu.

 

Mọi người cảm thấy khó hiểu, vì sao Thùy Linh tính tình tiểu thư như vậy mà Yến Linh vẫn cam chịu, thì cô nàng cười xòa: “Thấy vậy thôi chứ Thùy Linh tốt tính, cũng quan tâm đến mình. Mình hơi khép kín nên khó tìm được ai hiểu, chỉ có chơi với Thùy Linh là thấy vui thôi, quen rồi, chả sao hết”.

 
Tình bạn kiểu…đơn phương - 1
 

Không tôn trọng bạn mình

 

Chẳng giống Yến Linh, Phương Thảo (sinh viên năm 1 ĐH Hoa Sen) vẫn còn uất ức sau khi đã “cắt đứt tình bạn” với một cô nàng thân đã hai năm nay.

 

Thảo chia sẻ: “Thấy mình hiền, hay nhường nhịn, nên cô ấy ngày càng lấn tới. Mình không có được sự tôn trọng. Thân nhau, mà khi đi chơi cô ấy luôn đến trễ vì còn bận sang nhà người yêu, nhiều lúc hay nạt nộ mình, mình lên tiếng thì cô ấy cãi lại rồi giận dỗi, mình chủ động làm hòa, một thời gian sau thì bình thường.

 

Nhưng có lần, nằng nặc rủ mình chở cô ấy đi sinh nhật bạn, mà trong buổi sinh nhật ấy, cô ấy mải mê với bạn bè cô ấy quên cả mình, làm mình lạc lõng và bối rối, mình chẳng quen ai trong bữa tiệc đó. Và mình nhận ra, có lẽ tình bạn nên kết thúc, mình quá mệt mỏi”.

 

Điều đặc biệt là, sau khi cả hai không còn chơi thân với nhau thì cô bạn của Thảo bắt đầu tiếp xúc với những người bạn không đàng hoàng, hay đi chơi về khuya và tư tưởng cũng thay đổi hẳn. “Cô ấy không còn như trước. Nhờ chấm dứt tình bạn này mà mình cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng”, Thảo nói.

 

Chỉ biết “nhận”

 

Đỡ sóng gió hơn hai trường hợp trên, tình bạn của Thanh Tâm (lớp 12 trường NTD) và Kim Anh (chung lớp) ít có sự to tiếng. Nhưng Kim Anh luôn muộn phiền về người bạn “gọi là thân” của mình.

 

“Đi ăn uống, cùng là bạn bè với nhau, mà cô ấy luôn bắt mình khao, hễ rủ đi chơi thì cô ấy bảo qua chở cô ấy đi, có việc gì cần nhờ, cô ấy đều tìm mình, còn khi mình gặp khó khăn, cô ấy biến đâu mất. Mình mượn tiền cô ấy chẳng bao giờ được, trong khi cô ấy thiếu mình 400.000 từ năm ngoái, mà năm nay vẫn “im lìm”. Mình có hơi thất vọng về tình bạn này”, Kim Anh tâm sự.

 

Đó không phải là tình bạn chân chính

 

Nhiều bạn thường hay “bỏ qua” cho bạn thân của mình và xem thói xấu của bạn thân là một điều rất bình thường, nên họ cam chịu và nhún nhường để giữ gìn tình bạn, mà không hề thấy được rằng, mối quan hệ giữa cả hai không hề là một tình bạn chân chính, khi có sự khập khiễng về cách ứng xử và sự “cho - nhận”. Tất nhiên, kiểu tình bạn này không thể bền lâu, khi có một sóng gió đủ lớn thì người bị lép vế sẽ nhận ra được họ cần làm gì, và thế là tình bạn kết thúc.

 

Theo Mực Tím