“Tín đồ” hi-tech

Có những người trẻ “nghiện” hi-tech và trở thành “tín đồ” của nó. Bất cứ thông tin nào về hi-end, hi-tech cũng đều cuốn hút họ và trở thành chủ đề bán tán sôi nổi.

“Media center” trong phòng riêng

 

Đi từ phòng khách lên phòng riêng của Trường Giang thấy xếp từng hàng DVD, VCD, CD, hầu hết là đĩa gốc, một phần không nhỏ mua từ Đức, Pháp, đặt qua mạng Amazon.com. Bên cạnh đó là những bộ loa, dàn âm thanh. Phòng chỉ độ 12m2 nhưng cũng đủ để Giang biến thành một "rạp hát mini".

 

Nếu Giang chưa phải là người "chơi âm thanh" thì cũng là người đang tích cực đầu tư cho âm thanh. Bắt đầu là mê âm nhạc, thường xuyên đi hát ở các quán bar, cho đến nay, Giang là đồng chủ nhiệm của  hai chương trình Cửa sổ âm nhạc M2M trên VietNamNet TV.

 

Giang đã đầu tư chỉ riêng đĩa "xịn" 250 - 300 chiếc hết khoảng 45 triệu, trong số 1.000 đĩa nhạc hiện có. Chiếc máy tính không còn mới nhưng được trang bị sound card "đời cao" nhất, bên cạnh một chiếc loa chính là 5 chiếc loa "vệ tinh" Creative 5.1 bao quanh.

 

Tuy nhiên, hệ thống âm thanh ở phòng khách nghe còn "đã" hơn những thiết bị âm thanh trong phòng riêng của Giang vì có đầu tư lớn hơn.

 

Giang sở hữu điện thoại nghe nhạc Sony Ericsson W800i, máy MP3 tích hợp ổ cứng lưu trữ hàng trăm bài hát đủ để "nghe nhạc di động" bất cứ lúc nào.

 

Rời công sở về nhà thì máy tính, đầu DVD, dàn loa các loại đủ để đáp ứng sở thích riêng. Nhưng Giang bảo: "Sẽ tiếp tục nâng cấp các thiết bị hi-end hiện có... Để phục vụ công việc, một chiếc laptop sẽ được ưu tiên đầu tư trước".

 

“Tín đồ” mô-bai

 

Phan Lê Hùng là cái tên quen thuộc trên Diễn đàn Nokia Friends và nhiều diễn đàn về mô-bai khác. Hùng cho rằng mình là người "mê công nghệ". Cậu bảo: "Tôi thích săm soi, tìm hiểu đồ hi-tech, vì thế không bỏ qua thứ gì. Đã từng chinh chiến các đời điện thoại rồi laptop, bây giờ cũng quan tâm đến iPod và đang khoái chú iPod NaNo 2G vì thiết kế quá tuyệt, màn hình màu, mỏng, hỗ trợ khá nhiều định dạng và âm thanh rất tuyệt... Với từng đó tính năng và công nghệ, tôi nghĩ con này đang được rao giá 210 USD là không đắt chút nào".

 

"Vẫn biết chơi đồ hi-tech tốn kém và thường "thua lỗ" nếu cho "bọn chúng" ra đi. Nhưng mỗi khi được nghe giới thiệu về tính năng và công nghệ thì lại không cầm lòng được. Mình không thể chờ cho đến khi nó xuống giá mới mua!".

 

Hiện Hùng dùng hai điện thoại, một SIM Viettel, một SIM MobiFone, cả hai đều thuộc dạng "số đẹp, giá cao" và xài laptop VAIO (không kể máy tính để bàn).

 

Nếu Giang đổ tiền vào đĩa nhạc và thiết bị hi-end thì Hùng, cũng cùng độ tuổi, mới đi làm được 1 năm, lại có sự say mê đặc biệt với "dế". Từ năm 1997 khi tôi còn học cấp 3, Hùng xài C25 đầu tay. Sau chuyển sang MOTO TacX, rồi Nokia 8210... cứ thế cho đến giờ, trung bình một năm cậu đổi vài lần điện thoại.

 

Cũng tại "mê quá" mà Hùng sẵn sàng "mổ banh" những chiếc điện thoại mình có được để xem nó có gì, cấu tạo ra sao và với các loại máy, đời, hãng khác nhau thì "mặt ngang, mũi dọc" từng loại thế nào.

 

Vào Diễn đàn Nokia Friends đông vui nhộn nhịp thấy ngay Hùng thuộc "Top 10 trọc phú NKF" với số tài sản giàu có thứ 3 là 61,315,000 NKD (tiền ảo trên Diễn đàn), thuộc "Top 10 cao thủ gửi bài" mà chủ đề cậu tham gia nhiều là hướng dẫn tiện ích trong sử dụng điện thoại mang tính kỹ thuật cao.

 

Cậu cũng là "tư vấn viên" về mua điện thoại, dùng điện thoại cho bất cứ ai có nhu cầu. Những cuộc gọi kiểu như "alô, cậu mua giùm tớ cái mô-bai" đã trở thành quen thuộc đối với Hùng.

 

Mê công nghệ, miệt mài cho sự tinh tế

 

“Tín đồ” hi-tech - 1

Phan Lê Hùng - người mê “dế”.

Hùng bộc bạch: "Vì đam mê hi-tech và muốn trở thành "tín đồ" của nó nên thời gian đầu tôi đầu tư thời gian cho mobile rất nhiều. Lang thang trên net qua các diễn đàn về điện thoại (nhất là các forum nước ngoài), học hỏi từ những người có kinh nghiệm và đọc các tài liệu liệu quan đến các đời máy...".

 

Bạn nghĩ sao khi có bạn trẻ luôn dành thời gian ít nhất là 2 giờ mỗi ngày để vòng qua các forum trả lời, giải đáp thắc mắc những câu hỏi mà các bạn nêu ra? Việc đó là "thường thôi" với nhiều bạn trẻ và cũng là việc quen của Hùng.

 

Cậu bảo: "Vì không kinh doanh gì về lĩnh vực này nên tôi hoàn toàn vô tư trong các câu trả lời. Bên cạnh đó học hỏi và bổ sung thêm các kiến thức về công nghệ mới". Được biết, Hùng có tham gia trả lời hàng tuần mục Phòng mạch Mobile của một số báo.

 

Còn Giang, có thể gọi cậu là "kiến trúc sư" âm thanh. Thứ nhất vì hàng ngày cậu bận rộn với phòng thu, xử lý âm thanh, dựng chương trình trên bàn phím máy tính. Thứ hai, cậu còn làm nghề kiến trúc sau khi tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, từng công tác tại Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

 

Sự đầu tư cho hi-end với Giang là hoàn toàn hợp lý vì cậu làm nhạc, từng học nhạc khá bài bản, có khả năng biểu diễn và... có thể làm thêm việc để kiếm tiền "tái đầu tư".

 

Điều quan trọng là cậu muốn nâng cao kiến thức âm nhạc, hiệu quả công việc, sự cảm thụ tinh tế. Như thế, đầu tư cho hi-tech, hi-end mới không phải là "ném tiền qua cửa sổ".

 

Một điều đã trở thành "bất thành văn" là những người chơi hi-end, hi-tech thứ thiệt thường kín tiếng. Họ có thể rủ bạn bè về cùng thưởng thức loa vòm, âm thanh nổi, bàn luận về công nghệ mới hay các chiêu thức tiếp cận khách hàng độc đáo của những nhà sản xuất... nhưng sẽ hạn chế "khoe" sản phẩm này mua tiền đô, tiền triệu. Điều này đặc biệt thể hiện ở những "tay chơi" nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm hơn thuộc thế hệ 7x, 6x.

 

Giang bảo: "Có anh làm trong nghề kiến trúc tôi quen, hệ thống âm thanh anh trang bị trong phòng lên tới vài trăm triệu, sự đầu tư như thế đối với họ thực sự là một thú chơi. Đã gọi là chơi âm thanh thì các thiết bị dàn máy đạt đến tiêu chuẩn cao về kỹ thuật đòi hỏi sự đầu tư tương đối lớn về tài chính".

 

Dù chơi hay sắm thì cũng phải đọng lại một điều gì đó. "Kỷ niệm về điện thoại thì nhiều lắm, khó mà kể ra hết," Hùng kể, "nhưng được chia sẻ hiểu biết mình có về máy móc với người khác, tôi thấy đó như là một cách chơi.

 

Trong cuộc sống của mình, sự quan tâm của tôi đến điện thoại nói chung, công nghệ nói chung có lẽ chỉ xếp sau sức khoẻ và công việc...". "Tình yêu vẫn sau công nghệ cơ à?", tôi hỏi. Hùng đáp: "Chính vì thế mà đến giờ tôi vẫn chưa thấy một nửa của mình!".

 

Thực sự khi tiếp cận dần dần với công nghệ cao, với sản phẩm hay hoặc trào lưu mới rồi dẫn đến say mê thì cái tai, con mắt sẽ không chấp nhận sự lệch lạc, lộn xộn, chắp vá trong thưởng thức. Sự tinh tế là nhu cầu cao nhất, nó luôn được "chăm sóc" hàng ngày, hàng giờ; nhờ vậy, sẽ được nâng lên theo thời gian và mức độ chuyên tâm.

 

Và tất nhiên, sự tinh tế với hi-tech của giới trẻ ngày không giống sự tinh tế trong thưởng trà, ngắm trăng... của các cụ ngày xưa. Nếu ai sắm đồ để chỉ để "khoe" thì đó mới chỉ là "tay chơi nửa mùa", chưa nói là "tay chơi hạng ruồi".

 

Theo Bùi Dũng

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm