Tìm âm hưởng từ quê hương

Trở về nơi chôn nhau cắt rốn với một hình ảnh Việt Nam từ bé hoặc một hình ảnh chỉ qua lời bố mẹ, ông bà, với những Việt kiều trẻ, quê hương vừa lạ vừa gần, vừa mới mẻ nhưng cũng rất thân thuộc. Quan trọng hơn, họ đang trên hành trình tìm lại âm hưởng từ quê hương.

Hồn Việt trong giai điệu jazz

Không thể không bồi hồi khi nghe điệu jazz thuần túy mà Nguyễn Khôi Nguyên cất lên, lời hát sâu lắng đệm bởi những phím piano trong trẻo: “Tôi chẳng là mình lúc giữa trưa, tôi đang trốn ánh mặt trời, và trốn điều gì nữa, nhưng khi thức dậy, tôi thấy mình cười… dọc đường đi, một cô gái hỏi tôi từ đâu đến, cô bảo rằng một người nước ngoài như tôi nói tiếng Việt vậy là tốt”. Bài hát ngắn chưa đến 10 câu, nhưng lại là cảm xúc dài của tám tháng sống trên đất Sài Gòn, bài hát trên mang tên Phú Nhuận diệu kì (Phu Nhuan is Magic).

Vừa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Nghệ thuật và âm nhạc ở Mỹ, Nguyên nhận được học bổng của trường để về nước nghiên cứu và sáng tác nhạc. Rời VN lúc 1 tuổi, đây là lần đầu tiên anh sống ở một nơi mà anh gọi là nhà mình: “… một thằng con trai, cháu trai, gọi nó là gì nhỉ… quê nhà” (bài hát Eulogy do anh sáng tác). Như Nguyên nói: “Lý do mình tìm về VN là để tìm cảm hứng cho âm nhạc”.

Anh sống một mình trong căn hộ nhiều phòng ở Phan Xích Long, nhưng bạn bè có hỏi nhà anh ở đâu, Nguyên nói ở Phú Nhuận vì “mình thích cái chữ Phú Nhuận hơn, nó mang giai điệu gì đó rất nhẹ nhàng. Con đường Phan Xích Long mà mình ở tám tháng trời là một cảm hứng cho bài hát trên. Nó là con đường cho thấy sự thay đổi từng ngày ở VN. Đất nước đổi thay và phát triển rất nhanh, không giống những gì mình nghĩ trước khi đặt chân đến TPHCM”.

Cuộc sống hàng ngày của Nguyên cũng bình dị như bao người. Sáng chạy xe máy đến Suối Nhạc tập đàn piano 4 tiếng, trưa đi ăn cơm bụi, chiều về nhà để tập sáng tác nhạc và tối chạy lòng vòng trên các ngả đường thành phố cùng bạn bè để tìm một quán ăn.

Nguyên tâm sự: “Tôi thử nhìn VN dưới cái lăng kính của cha mẹ, nhưng mọi thứ rất thú vị vì có quá nhiều sự thay đổi. Cảm xúc đầu tiên trở về quê hương là tôi không hiểu “người Việt” mang ý nghĩa gì đối với mình. Sống ở Mỹ, tôi thấy mình Việt, sống ở Việt, tôi lại thấy mình Mỹ”.

Anh đi khắp các vùng miền Mekông, Nam Trung bộ, rồi Hà Nội đã níu giữ người nghệ sĩ trẻ đến một tháng. Một buổi hòa nhạc được tổ chức vào cuối tháng 7 là kết quả nỗ lực tuyệt vời của chàng trai tài hoa này. Anh sẽ trở lại Việt Nam bởi “Tôi đã yêu Việt Nam rồi”.

Luận án xuất sắc tại Havard

Mạc Phương Tri cũng là một thanh niên người Mỹ gốc Việt nhưng tính cách của anh thì lại khác hẳn. Nhìn dáng vẻ khá “bụi đời” và kiểu nói chuyện “điên điên khùng khùng”, mọi người đều tưởng anh chàng này “bất bình thường”. Hơn một năm trước, Tri về nước nghiên cứu cho luận án tốt nghiệp của mình. Hành trang lúc đó của anh là… một vốn tiếng Việt bập bẹ mà đề tài luận án lại là tìm hiểu về giới trẻ VN, và sự phát triển của đất nước.

Tri mang dáng anh chàng lãng tử chuyên lang thang từ các hội từ thiện, câu lạc bộ thanh niên, sinh viên, trường học… đến vô số lần thâu đêm suốt sáng ở các quán bar, vũ trường nhằm mục đích hiểu sâu giới trẻ Việt Nam. Luận án tốt nghiệp của Tri được đánh giá cao và anh tốt nghiệp hạng ưu của ĐH Havard (Mỹ). Tri bảo về Việt Nam, sự tự tin ngủ quên trong cậu hơn 20 năm qua được đánh thức. Việt Nam cho Tri một cảm giác tin tưởng mà Tri không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu.

Và lần thứ ba quay lại quê hương, “mạng lưới” bè bạn trong nước lẫn ngoài nước đều thán phục sao anh này “sõi” đất Sài Gòn và hiểu VN hơn cả một thanh niên sinh ra và lớn lên ở VN. Anh nói: “VN mỗi ngày mỗi khác. Thật, để hiểu xã hội VN không thể ngồi ở vi tính, vào mạng là có thể hiểu được. Phải đến và phải sống như một người Việt”. Mỗi lần trở về Việt Nam, Tri khám phá thêm một điều kỳ diệu nữa. Việt Nam đã níu hồn anh chàng cá tính này bằng sự dung dị ở những miền đất cậu đi qua. 

Ở Sài Gòn, chiếc xe cub đỏ cộc kệch và chiếc điện thọai di động cũ kĩ là hai phương tiện “bất khả li thân” của Tri. “Không có hai thứ này ở Sài Gòn là mình không làm gì được”, anh nói.

Tất cả các ngóc ngách đường phố, quán ăn ngon, chỗ uống cà phê, và cả chốn ăn chơi tiêu tiền Tri đều tự mình khám phá. Anh hay là hướng dẫn viên cho các Việt Kiều mới bỡ ngỡ đến thành phố, và là người quyết định chỗ đi cho các buổi hẹn hò với bạn VN.

Hay nếu gặp Trang, cô gái Việt gốc Mỹ cùng 4 người bạn Việt kiều học ở trường Michigan xin về Bệnh viện Đà Nẵng thực tập y khoa, bạn sẽ ngạc nhiên nhiều về sự chân thành của họ. Bốn SV nam và một SV nữ này chọn VN đơn giản vì “mình chưa thấy tận mắt quê hương của ba mẹ như thế nào. Do giáo sư trong trường có mối quan hệ với Bệnh viện Đà Nẵng, cả nhóm tự bỏ tiền về tự kiếm chỗ ăn, chỗ ở và chỗ học tiếng Việt. Lúc đầu hơi có chút khó khăn vì ở đấy không có người thân, nhưng giờ thì đã quen, cũng nhờ sự giúp đỡ của những người đến trước”. Họ muốn cảm nhận Việt Nam bằng hành động, trái tim chứ không phải qua lời kể.

Mỗi đêm, nhóm những Việt kiều trẻ thường tụ nhau nói chuyện ở những quán cà phê bụi. Họ chia sẻ thời gian sống tại quê hương. Họ nói từ những chuyện thường nhật như kinh nghiệm tìm nhà trọ, mua xe, phát hiện một chỗ ăn nào rẻ, cho đến bàn luận những vấn đề đời sống xã hội ở VN, ngôn ngữ, công việc cá nhân mỗi người…

Nguyễn Khôi Nguyên và bài hát mang âm hưởng jazz có tên “Tôi yêu VN” cũng đã cất lên một lần “Tôi thích VN, VN cũng thích tôi… thích tôi chẳng phải vì nụ cười Tây phương của tôi”…

Theo Tuổi Trẻ