Tiếng lóng tuổi teen - những “phát minh” cực “hiểm”

Sự “an nguy” của ngôn ngữ Shakespeare xem ra đang nằm trong tay các cô gái trẻ - đối tượng có ảnh hưởng lớn nhất đối với tiếng Anh ngày nay. Họ là những người đi đầu trong việc “phát minh” ra từ mới, trong đó có những từ cực “hiểm”.

Trước khi tìm hiểu thứ ngôn ngữ ưa dùng của các cô gái trẻ, xin bạn hãy thử đọc đoạn văn sau: “There she is, flashing whale tail and lighting up another square. She’s with her so exogal friends and they’re just all trying to catch the eye of the lollipops who probably regard her as a chickenhead but will, like, all stare and point at her muffin top anyway...(*)

 

Bạn có hiểu ý đoạn văn đậm đặc tiếng lóng này không? Khó mà hiểu được nếu bạn không phải là một cô gái đang độ tuổi teen, tức trên dưới 16 (và rành tiếng Anh, tất nhiên). Vì đó chính là thứ ngôn ngữ điển hình của một teenager (nam/nữ vị thành niên) phương Tây ngày nay, đặc biệt là người Anh hoặc Mỹ.

 

Hãy hình dung đó là một cô bé người California (Mỹ), điện thoại di động cầm tay, máy nghe nhạc iPod đút túi quần, mặc quần jean, áo hai dây ngắn cũn cỡn… Vây quanh cô là những cô bạn tóc tai sặc sỡ, ăn mặc cực sành điệu và thao thao bất tuyệt về thời trang…

 

Nhưng bạn đừng vì thế mà coi thường họ là “ăn chơi” hay “rẻ tiền”. Theo một nghiên cứu khoa học mới đây, chúng ta nên để ý đến thứ ngôn ngữ có vẻ “vô nghĩa” của cô ấy, những cô gái tuổi teen người Mỹ mới là những người có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với sự cách tân trong tiếng Anh trên phạm vi toàn thế giới.

 

Theo bà Sali Tagliamonte, giáo sư ngôn ngữ học thuộc Đại học Toronto (Canada), những cô gái tuổi teen là những người đi đầu trong việc “phát minh” ra từ mới trong đó có những từ cực “hiểm” như: muffin top (mảng da lộ ra giữa cạp quần jean và áo chẽn), exogal (cực kỳ chóng vánh - dùng để chỉ bạn bè quen sơ sơ) và whale tail (phần bụng lộ ra nằm giữa quần lót và quần hay váy cặp trễ).

 

Giáo sư Tagliamonte tin rằng những cố gái tuổi teen như thế - ở Mỹ hay Anh - thường đi trước nhiều năm so với bạn bè mình ở các nước khác trong việc sử dụng từ và ngữ mới.

Bà nói, thay đổi mạnh nhất trong thời gian qua là do các cô gái người California tạo ra - nhân vật chính trong các show truyền hình phát sóng toàn cầu như Buffy the Vampire Slayer The OC.

 

Các cô này thường xuyên thêm những hư từ như like (kiểu như là) and so (thế, thế là) để nhấn mạnh ý, và không ngần ngại cao giọng ở cuối câu (!).

 

Những từ đáng chú ý ra đời trong năm 2005 còn có:

 

Podcast: Đường dẫn để tải file tiếng hoặc hình vào máy MP3 hoặc MP4

 

Sudoku: Trò giải ô chữ của Nhật

 

Pope squatting: Đăng ký một tên miền trên mạng sử dụng tên một nhân vật mới nổi để được được truy cập nhiều hoặc để bán lại cho chính các ngôi sao đó.

 

Những từ này ngày càng thịnh hành bởi xu hướng số hoá ngày càng thắng thế.

 

Ông Wayne Glowka, một thành viên cao cấp của Hiệp hội Ngôn ngữ Hoa Kỳ, cho rằng các cô gái sử dụng từ mới hoặc từ hợp “mốt” ngày càng nhiều hơn bởi bản tính nhí nhảnh, thường nói chuyện kín đáo theo kiểu “chuyện riêng của con gái chúng mình”. Điều này đã thúc đẩy ngôn ngữ không ngừng biến đổi chóng mặt như thời trang vậy.

“Đó không còn một thứ mốt nhất thời nữa. Giờ đây các cô gái đó thực sự đã là một “công xưởng” và là “nhà phân phối” ngôn ngữ. Họ chuyên “sản xuất” và phổ biến các hình thái tiếng Anh mới ra toàn thế giới”, bà Tagliamonte phát biểu trên tờ Times của Anh. “Chính họ là lực lượng quyền uy nhất trong tiếng Anh ngày nay”.

 

Nghiên cứu của giáo sư Tagliamonte là một trong những chủ đề được thảo luận sôi nổi hồi đầu năm nay tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ngôn ngữ Hoa Kỳ ở New Mexico. Hội nghị cũng chọn ra những từ mới được “sáng tác” và sử dụng nhiều nhất trong năm 2005.

 

Trong số những “thuật ngữ” thịnh hành đó phải kể đến từ ghép “Katrinagate”, được dùng để gọi vụ bê bối (phản ứng chậm chạp khiến nhiều người chết) của chính quyền một số tiểu bang trong Bão Katrina (Hurricane Katrina). Hay như vụ Plamegate. Kiểu gọi tên các vụ bê bối thế này bắt nguồn từ vụ Watergate nổi tiếng.

 

Những cách nói màu mè khác trong đó có “creepin” và falsin” (hành động dối trá trong yêu đương), “baggin” (bắt nạt), “squares” (thuốc lá), “I’m straight” (tôi ổn) và “a minute” (một thời gian... rất lâu).

 

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, “đối thủ” của Tagliamonte hầu hết là các cô gái trẻ. Trong đó có “prostitot” (một đứa bé ăn mặc như ngôi sao nhạc pop), “chickenhead” (một cô gái xấu xí mà người Việt thường gọi là “Thị Nở”) và “lollipopalooza” (một nhóm thanh niên đẹp mã, hoặc “lollipops”).

 

Khi công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Pragmatics tháng 6 năm ngoái, bà Tagliamonte viết: “Nữ giới chính là người tiên phong trong việc thay đổi ngôn ngữ đời thường. Chính họ đã tạo ra những cấu trúc, từ ngữ mới và sử dụng sớm hơn bạn nam có lẽ phải trước cả một thế hệ”.

 

---------

(*) Xin được tạm dịch là: Cô nàng kia kìa, cái cô nàng mặc áo hở rốn và sắp đốt tiếp một điếu (thuốc) ấy. Cô nàng đang đứng cạnh mấy cô bạn và đang cố gây chú ý với mấy cha đô con ngon mắt cho dù mấy cha đó có khi chỉ coi cô ta là một ả Thị Nở thôi, nhưng biết đâu cha nào cũng đang nhìn chằm chằm và chỉ trỏ vào chỗ quần lót lòi ra của cô ả cho coi.

 

Theo Đông Hải

Vietnamnet/Sunday Times, The Australian, CS Monitor