Tiến sĩ y khoa tuổi 29
Ngày 21/12/2005, luận án tiến sĩ của bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp được hội đồng giám khảo Đại học Y Bordeaux (Pháp) đánh giá xuất sắc và “không có mức cao hơn để đánh giá đề tài nếu có thể...”.
Sinh ngày 2/11/1976 tại TPHCM, Thanh Hiệp trở thành tiến sĩ y khoa trẻ nhất Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp ở tuổi 29. Hiện anh là giảng viên bộ môn dịch tễ học lâm sàng, bí thư chi đoàn giáo viên Trung tâm Đào tạo & bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM.
Từ một ca suy thận mãn...
“Khi đang là sinh viên năm 3 - Hiệp kể - tôi đã không thể nào quên hình ảnh một bệnh nhân 35 tuổi bị suy thận gần như hoàn toàn. Khi nghe bác sĩ phân tích suy thận mãn (STM) phải chạy thận nhân tạo suốt đời, ba lần/tuần với chi phí rất đắt, thì gia đình đành đưa anh về nhà.
Tôi hiểu anh về nhà là chờ chết mà mình đành bó tay... Nếu biết trước, anh sẽ không rơi vào giai đoạn này. Về mặt y đức tôi thấy cứ xốn xang..., vậy là tôi quyết tâm phải làm một cái gì đó khi ra trường”.
Đề tài tốt nghiệp bác sĩ “Phân tích chi phí điều trị bệnh STM giai đoạn cuối tại Bệnh viện Nhân dân 115”của Hiệp được bảo vệ bằng tiếng Pháp tại Trung tâm Đào tạo & bồi dưỡng cán bộ y tế TP (khóa 1994-2000), đạt thủ khoa với số điểm 18,5/20.
Hội đồng giám khảo Pháp - Việt đánh giá xuất sắc và ngay sau đó anh được Tổ chức Đại học cộng đồng Pháp ngữ (AUF) tài trợ năm đầu trong hai năm học thạc sĩ tại Đại học Y Bordeaux (Pháp).
Lớp có 40 sinh viên toàn người Pháp, chỉ mỗi Hiệp là người VN song cuối năm đứng hạng nhì nên được nhà trường cấp học bổng học luôn năm 2, và anh lấy bằng thạc sĩ với đề tài “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ”.
Trước khi về nước, GS Roger Salamon gọi Hiệp lại hỏi: “Định hướng sắp tới em sẽ làm gì?”. Hiệp trả lời ngay: “Em thích nghiên cứu sâu hơn về bệnh lý STM”. Hiệp liền viết một đề cương nghiên cứu gần 20 trang đem nộp thầy.
Thầy nói: “Hay quá! Về nước thầy sẽ nhận đỡ đầu em làm tiến sĩ”. Nhưng làm sao có tiền để học ba năm? Hiệp đến lãnh sự quán Pháp ở VN xin học bổng và được cấp chi phí đi lại và ăn ở tại Pháp trong sáu tháng/mỗi năm.
Vậy là cứ sáu tháng giảng dạy tại Trung tâm Đào tạo & bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM, anh lại sang Pháp. Kết quả nghiên cứu phân tích trên 1.610 bệnh nhân STM Pháp và rút ra một số vấn đề được đăng trên tạp chí y khoa của Mỹ tháng 3/2005.
Cuối năm 2005, những ngày làm luận văn vất vả trên đất Pháp, bị lố hai tháng để thầy sửa luận văn nên không được trợ cấp. Hiệp phải đi hái nho để kiếm 30 euro/ngày. Hôm 21/12/2005, Hiệp trình luận án với đề tài “STM giai đoạn cuối, từ dịch tễ học tới chương trình quản lý” và được hội đồng giám khảo Pháp cấp giấy chứng nhận xuất sắc.
Đây là lần đầu tiên có một đề tài nghiên cứu dịch tễ học có ứng dụng trong lâm sàng, phù hợp với mục tiêu của bộ môn sức khỏe cộng đồng - dịch tễ học & phát triển thuộc ĐH Bordeaux .
Canh cánh ước mơ
Năm lớp 10 Hiệp đậu vào chuyên toán Trường Lê Hồng Phong nhưng không theo học nổi do nhà xa quá, đành phải chuyển về Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hóc Môn. Hiệp tự học và tự luyện thi đại học, tốt nghiệp lớp 12 đậu thủ khoa Trường Lý Thường Kiệt.
Thi đậu ba trường đại học: đậu thủ khoa vào khoa địa chất Đại học Tổng hợp, có học bổng đi Úc; thi ĐH Y dược thì đủ điểm đậu ngành dược nên mẹ khuyên Hiệp hãy theo nghề mẹ, nhưng do thích ngành y nên quyết định vào Trung tâm Đào tạo & bồi dưỡng cán bộ y tế.
“Nghiên cứu là phải ứng dụng, đem lại được điều gì cho bệnh nhân chứ không chỉ để lấy bằng” - Hiệp tâm sự. Chính vì vậy, trong luận án của mình Hiệp đã đưa ra một chương trình hành động có thể triển khai lồng ghép với hai chương trình phòng chống bệnh cao huyết áp và bệnh tiểu đường đang triển khai trên địa bàn TPHCM.
Hiệp khao khát làm thế nào để đề tài được triển khai càng sớm càng tốt, có thể giúp người bệnh trong cộng đồng phòng ngừa STM trước khi quá muộn.
Khi trình bày với một cán bộ lãnh đạo ở Sở Y tế, vị này rất ủng hộ việc lồng ghép, phối hợp với các chương trình khác để triển khai đề tài, nhưng không có kinh phí. Để triển khai cần khoảng 150 triệu đồng, lấy đâu ra?
Với vai trò là điều phối viên chương trình hợp tác giữa Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP với các trường đại học của Bỉ và có mối quan hệ với Hội Thận học Pháp, Hiệp gõ cửa các chuyên gia nước ngoài với... hi vọng cầu may.
Hiệp cũng đang thực hiện các nghiên cứu: tìm hiểu các yếu tố dẫn đến nghiện ma túy trong giới trẻ để trả lời câu hỏi tại sao dẫn tới hành vi xấu, người này nghiện mà người kia không nghiện.
Khảo sát ô nhiễm môi trường ở kênh Nhiêu Lộc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân... Sức khỏe cộng đồng - bị tác động dưới nhiều góc độ, làm thế nào để phòng bệnh tốt hơn, cứu được nhiều người... vẫn là nỗi băn khoăn, khao khát ở người tiến sĩ tuổi 29 với đầy ắp ước mơ “làm được một cái gì đó” cho cộng đồng.
Theo Kim Sơn
Tuổi Trẻ