Tiến sĩ kinh tế so chuyện khởi nghiệp với..."cầm cưa" bạn gái

(Dân trí) - Tiến sĩ Lê Thẩm Dương dành 2 tiếng để nói về kinh doanh bằng những ngôn từ gần gũi với giới trẻ, ông đã chỉ dạy bài học kinh doanh từ chuyện tình yêu cho các bạn SV Hà Nội.

Ngày hôm qua (19/1), Ngày hội khởi nghiệp dành cho sinh viên đã được mở tại Hà Nội, thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi Dự án phát triển tài năng kinh doanh trẻ là cầu nối giữa thanh niên trẻ và các doanh nghiệp.

Điểm nhấn của ngày hội là chương trình giao lưu, lắng nghe, giải đáp từ các chuyên gia để trang bị thêm cho SV những kế hoạch phát triển, xây dựng sự nghiệp. Trong số những chuyên gia có mặt để trò chuyện cùng SV, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP. HCM là người được yêu mến nhất.

TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ những bài học về kinh doanh cho SV

TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ những bài học về kinh doanh cho SV

TS. Lê Thẩm Dương cho rằng với một cá nhân, việc hiểu mình và biết tu sửa bản thân là điều quan trọng nhất. Đối với một doanh nghiệp, việc giải quyết tốt các vấn đề nội tại cũng như chiến lược kinh doanh, tài chính là điều được lưu tâm hàng đầu.

Mở đầu buổi nói chuyện, TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ một số suy nghĩ cá nhân về kinh doanh qua cách việc đặt một loạt các câu hỏi “kiểm tra kiến thức” cho SV: kinh doanh là gì? khởi sự kinh doanh cần chuẩn bị ra sao? Tất cả các bạn trẻ trong khán phòng đều hăng hái trả lời, tuy nhiên, câu trả lời Tiến sĩ đưa ra khiến nhiều bạn khá bất ngờ và có cái nhìn mở hơn, hướng nhìn mới hơn về kinh doanh: Kinh doanh là quản trị quan hệ khách hàng, giữ khách hàng chứ không còn đơn thuần chỉ là doanh số; Không phải vì môi trường tốt thì bạn mới mạnh, mà nội lực mạnh, bản thân mới tốt. Hãy hành động để nâng cao nội lực và sức chiến đấu, đừng đổ lỗi cho môi trường; Trong kinh doanh, bán hàng dành ít nhất ¾ thời gian cho công tác chuẩn bị.

Không dừng lại, TS. Lê Thẩm Dương còn đặt ra một số vấn đề mới: Làm sao để tạo ra sự khác biệt? Làm sao để bán được sản phẩm? Làm gì để tăng tính cạnh tranh cho đơn vị kinh doanh? Và một chiến lược như thế nào được gọi là khôn ngoan?

SV Hà Nội trò chuyện gần gũi với Tiến sĩ Dương

SV Hà Nội trò chuyện gần gũi với Tiến sĩ Dương

Để tạo ra sự khác biệt, tư duy là việc vô cùng quan trọng, phải tái tư duy. Tuyệt đối không dùng tư duy kinh nghiệm để đánh giá và định hướng vấn đề. Hãy dịch chuyển sang tư duy sáng tạo bằng sự logic kết hợp với sự khác biệt độc đáo. Đặc biệt, việc tái tư duy trong doanh nghiệp phải xuất phát từ những người trẻ chứ không phải từ những người “ngồi phòng lạnh” trong bộ máy lãnh đạo.

Đối với vấn đề này, TS. Dương lấy ví dụ từ một vài sự việc từng gây ồn ào trong dư luận như chuyện “bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng hai điểm khi thi đại học”, “mỗi đám cưới không được quá 300 mâm”… Ông chỉ ra rằng những quyết định có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của doanh nghiệp phải xuất phát từ thực tế, nghiên cứu sâu sát thực tế chứ không phải dựa trên những báo cáo giấy tờ.

Càng nói chuyện, TS. Dương càng cởi mở. Ông thường dùng những ngôn ngữ gần gũi với giới trẻ để thu hút sự theo dõi trong hội trường. Đặc biệt, TS. Dương cho rằng nghệ thuật giao tiếp trong kinh doanh giống như khi các bạn trai đi “cưa gái”.

Giải thíhc tình yêu một cách rất đơn giản rằng nó là chuỗi kết hợp của những cảm xúc tích cực. Cụ thể là việc bạn trai gây thiện cảm cho bạn gái bằng những hành động đẹp, lời nói hay như “khen cô gái xinh, tích cực”, “tặng quà cho cô ấy, tích cực”… Nhiều cảm xúc tích cực dồn lại sẽ thành thích. Sự thích thú, quý mến đến một điểm nào đó sẽ thành yêu.

Trong kinh doanh cũng vậy, muốn bán được hàng phải luôn tạo ra những cảm xúc tích cực cho khách hàng. “Cúi người càng thấp, càng cho thấy mình “đáng gờm” và dễ dàng lấy được hợp đồng giá trị từ khách hàng”, đó là ý kiến của TS. Lê Thẩm Dương.

Từ cách làm của người Nhật, những người “luôn cúi mình rất thấp và lễ độ nhưng cũng rất thành công, chúng ta cần liên tục đổi mới bản thân và những thành viên, cộng tác phát triển không ngừng các nguồn lực bản thân mới thành công trong kinh doanh.
 
Khi chúng ta xác định cho là nhận, chuyên nghiệp vì người khác, chúng ta sẽ có thành công của chính mình. Sự thành công chính là việc tìm kiếm những nguồn lực đúng đắn, phân bổ nguồn lực tốt và phù hợp, dựa trên những mục tiêu rõ ràng.

Hàng trăm bạn trẻ góp mặt trong buổi giao lưu với TS. Dương

Hàng trăm bạn trẻ góp mặt trong buổi giao lưu với TS. Dương

TS. Dương nhấn mạnh: “Các bạn phải lập ra chiến lược. Thói quen xấu của chúng ta là không có chiến lược, dù giải pháp tình thế thì rất tốt. Nhưng cần phải xác định tư duy tất cả hành động ngày hôm nay là để cho ngày mai. Đó mới là chiến lược. Tôi hi vọng được nhìn thấy điều đó ở thế hệ trẻ các bạn”.

Một trong những bạn trẻ tham gia sự kiện, bạn Trần Quốc Tuấn đến từ Khoa Quốc tế, trường ĐH Nguyễn Trãi chia sẻ: “Kinh nghiệm là điều rất quý giá, nhưng nó chỉ thật sự có giá trị khi nó đến từ những trải nghiệm thực tế.
 
Những điều mà thầy Dương và các anh chị nói sẽ là nền tảng để mình áp dụng vào những vấn đề hiện tại mà công ty đang vấp phải tại nơi làm việc, đó là áp lực về doanh số và chất lượng đội ngũ. Mình mong là sẽ có thật nhiều chương trình hơn nữa để giúp những người đã - đang và sẽ khởi nghiệp có thêm nhiều kiến thức, thông tin để các doanh nghiệp ngày càng phát triển, tạo nhiều cống hiến cho xã hội.”

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm