Tiến sĩ ĐH Bách khoa Paris tuổi 26

Trở thành tiến sĩ vật lý của ĐH Bách khoa Paris (Pháp), một trong những trường ĐH hàng đầu thế giới, ở tuổi 26, niềm say mê với vật lý của Nguyễn Quang Tường như đã trở thành tài sản của đời anh. Từ “tài sản” ấy, chàng tiến sĩ này sở hữu không ít công trình để đời.

10.000 ngày với vật lý

 

Cái duyên của Tường với vật lý nghe “điên điên”: năm lớp 7, năm đầu tiên có dạy vật lý, trong sách giáo khoa có một câu hỏi: “Tại sao môi trường chân không không dẫn điện?”, cậu học trò lớp 7 nghĩ mãi, nghĩ mãi...

 

Và cậu tư duy rằng nếu đôi bàn chân của mình mà không có dép - ta gọi là chân không - chỉ cần chạm nhẹ vào dây điện là mình có thể chết ngay. Và chỉ vì một thắc mắc nhỏ và cách trả lời không giống ai của mình, Tường với vật lý “kết duyên” nhau chỉ để thỏa cái tò mò tuổi thơ và để tìm ra câu giải đáp của một người vốn hay thắc mắc về các hiện tượng tự nhiên.

 

Lên lớp 8, chỉ sau một năm làm quen với môn vật lý, Quang Tường được chọn vào lớp chuyên lý của Trường Năng khiếu thành phố Vinh. Cậu học trò cấp II ngày ấy giật được ngay giải nhì vật lý toàn quốc năm 1994 (năm này không có giải nhất, chỉ có ba giải nhì).

Lên cấp III, Tường tiếp tục học chuyên lý ở Trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) và tiếp tục nhặt thêm hai giải ba khiêm tốn ở hai kỳ thi Học sinh giỏi vật lý quốc gia năm lớp 11, 12.

 

18 tuổi, Tường thi vào lớp cử nhân tài năng khóa I của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và trở thành thủ khoa đầu tiên của chương trình cử nhân tài năng này. Hai năm sau, Tường tiếp tục chứng minh tình yêu của mình với vật lý bằng một suất thi đỗ vào ĐH Bách khoa Paris và một học bổng toàn phần Eiffel của Chính phủ Pháp. “Dường như may mắn luôn mỉm cười với mình” - Tường giải thích đơn giản.

 

Con đường đến với vật lý của Nguyễn Quang Tường thẳng tắp một đường như thế. Vào ĐH Bách khoa Paris, với học bổng Eiffel lận lưng, Tường tiếp tục theo đuổi đam mê của mình và tiếp tục “cống hiến hết mình cho những gì mình yêu thích”.

 

Chứng minh sự tồn tại của trạng thái ảo

 

“Tường vật lý”, thầy Nguyễn Duy Tiến - chủ nhiệm khoa cử nhân tài năng ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - gọi cậu học trò ngày xưa của khoa như thế khi chúng tôi hỏi thăm về Tường.

 

Sau bảy năm, ấn tượng của Tường trong thầy vẫn là “một cậu bé đẹp trai, sáng sủa, nghiêm túc, học hành đàng hoàng và rất giỏi, nhất là môn vật lý!”.

Sau bốn năm dùi mài kinh sử tại ĐH Bách khoa Paris, Tường tiếp tục học lên tiến sĩ về vật lý bán dẫn và cấu trúc nano sau khi hoàn thành học vị thạc sĩ về vật lý chất rắn. Một lần nữa Tường giành được học bổng của ĐH Bách khoa Paris với nghiên cứu “Hiệu ứng spin (một trạng thái nội tại của điện tử) trong các cấu trúc nano của chất bán dẫn: tính toán lý thuyết và thực nghiệm”.

 

Dựa vào tính toán bằng lý thuyết để chỉ ra rằng năng lượng của các trạng thái ảo này là một số dương, Quang Tường là một trong số những người tiên phong chứng minh bằng tính toán lý thuyết sự tồn tại của các trạng thái ảo theo trục [110] của các chất bán dẫn III-V khi quan tâm đến tính chất spin của điện tử. Sự tồn tại của các trạng thái ảo được chỉ ra trên giản đồ năng lượng bằng một vòng (loop) kết nối các mức năng lượng của vùng dẫn và vùng cấm của chất bán dẫn.

 

Công trình tâm đắc nhất của chàng trai trẻ được đánh giá cao, được tham gia báo cáo ở ba hội nghị quốc tế lớn (một ở Mỹ, một ở St Petersburg - Nga, và một tại hội thảo Gặp gỡ Việt Nam vào tháng 8 vừa qua). Không những thế, một phần nghiên cứu của Tường đã được đăng trên tạp chí uy tín nhất ngành vật lý Physical Review Letters. Với bài báo này, Quang Tường là một trong số ít người Việt Nam và là người Việt Nam đầu tiên ở ĐH Bách khoa Paris có bài đăng trên tạp chí uy tín này.

 

Hiện nay Tường đang tiếp tục làm việc sau tiến sĩ (postdoc) tại phòng thí nghiệm ở Trung tâm Nghiên cứu quốc gia (Pháp). Sống một mình trong căn phòng 16m2 giữa Paris hoa lệ, anh vẫn miệt mài với đam mê thuở nào của mình và đang nghiên cứu tiếp để giải thích tại sao độ lệch năng lượng khi quan tâm đến spin của các trạng thái ảo lại bằng không - vấn đề được anh đặt ra ở phần cuối của luận án tiến sĩ.

 

Quang Tường cho biết sau khi giải quyết xong vấn đề này, hi vọng sẽ chuyển sang lĩnh vực bán dẫn, một ngành hẹp hơn để nghiên cứu các tính chất có liên quan đến spin của điện tử trong vật liệu mới GaMnAs.

 

Trở thành tiến sĩ vật lý nano ở tuổi 26, đối với Tường mọi thứ còn đang chờ anh phía trước. “Tất cả chỉ mới bắt đầu. Mình chỉ muốn trở thành một nhà nghiên cứu thực thụ, được truyền lại những kinh nghiệm mà mình tích lũy cho những thế hệ trẻ hơn mình, trở về quê hương với thời gian ngắn nhất, sớm nhất và đóng góp nhiều cho quê hương mình” - Tường tâm sự và mong muốn, nhất là sau lần về tham dự hội nghị Gặp gỡ Việt Nam lần 6 (tháng 8/2006 tại Hà Nội).

 

“Về mặt tư chất thì chúng ta không kém gì các bạn trên thế giới nhưng chúng ta vẫn chỉ đang ở tầm thấp và cần sự đầu tư nhiều hơn nữa... Không dám nói nhiều, Tường chỉ biết là mình sẽ phải cố gắng, cố gắng để có một vị trí ổn định, sau đó về quê hương góp sức, dạy học, hướng dẫn nghiên cứu... Miễn là giúp được cho quê hương dù Tường đang ở đâu đi nữa” - Quang Tường chia sẻ qua điện thoại bằng cái giọng âm ấm xứ Nghệ.

 

Theo Vi Thảo
Tuổi Trẻ