Thuyền trưởng 9X trên biển Hoàng Sa

Nguyễn Tấn Hải - thuyền trưởng tàu QNg 90205 vừa bị tàu Trung Quốc tấn công trên vùng biển Hoàng Sa - có lẽ là một trong những thuyền trưởng trẻ nhất ở miền Trung, sinh năm 1990.

16 tuổi chạm Hoàng Sa

 

Sinh ra ở xóm chài Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi), biển với cậu bé Hải như một khoảng sân rộng lớn ngay trước thềm nhà và cha Hải thường vắng nhà với những chuyến đi biển dài ngày.

 

Bà Đặng Thị Thơm - mẹ Hải - kể: “Hồi còn bé, Hải cứ nhìn ra biển, hỏi cha đi đâu, bao giờ cha về?; mẹ đáp cha đi Hoàng Sa, hoặc cha đi Trường Sa, một tháng nữa mới về”. Nghe chuyện, tôi hiểu hai tiếng thiêng liêng Hoàng Sa, Trường Sa đã in vào tiềm thức Hải qua sinh hoạt ngày thường như vậy. 
 

Hải lớn lên cũng là lúc bóng cha dần mỏi mệt sau những chuyến hải trình, và anh đã thay cha viết tiếp bản trường ca “bám biển” như một lẽ đương nhiên, lại vừa như một sứ mệnh thiêng liêng. 15 tuổi, thân hình gầy còm, đen nhẻm, cậu bé Hải gác bút lên tàu đi bạn như một ngư dân đích thực.

 

“Những chuyến đi ban đầu, mình mang theo tâm trạng tiếc nuối việc học dở dang, và chịu đựng những cơn nôn thốc nôn tháo vì chưa quen biển giã”, Hải tâm sự. “Chịu đòn đi, gà chiến là phải bầm giập mấy phen cho biết” - các lão ngư điêu luyện trên tàu nói với Hải.

 

Rồi với “danh dự” của một chàng trai mới lớn, Hải gồng mình chống chọi những thách thức, cứng cáp dần trước sóng gió, và chỉ hơn 1 năm sau, Hải đã được một thuyền trưởng “nhắm” vào tổ đội đi Hoàng Sa.

 

Tàu QNg 90205 về cảng cá Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi). 
Tàu QNg 90205 về cảng cá Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi). 
 

Qua gần 10 chuyến đi biển “tập sự”, nhưng với Hải lúc ấy biển Hoàng Sa là cái gì đó mông lung lắm. “Thấy mình bỡ ngỡ nhìn hòn đảo, các chú bảo: “Hoàng Sa là đất của ông bà mình đó, nhưng Trung Quốc chiếm mất rồi...”, Hải kể.

 

Năm ấy Hải tròn 16 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng đứng trước Hoàng Sa, anh đã sớm nhói đau. Từ đó mỗi chuyến ra Hoàng Sa với Hải không chỉ đơn thuần là công việc của một thợ lặn biển, mà là một lần được chạm vào một phần thân thể máu thịt của tổ quốc đang bị chia lìa.

 

Hai lần gặp nạn ở Hoàng Sa

 

Tôi đến Gành Cả thăm Hải sau một tuần anh xuất viện, Hải tiếp tôi trên chiếc võng với vẻ niềm nở, nhưng mỗi khi đứng dậy, nét mặt lại không giấu nổi đau đớn. “Hai chân em bị liệt vì thời gian làm nghề lặn biển, khỏi được vài năm nay thì vừa rồi bị bọn Trung Quốc đánh đập tàn nhẫn, chắc lâu mới hồi phục”. Cái chân cà nhắc thay Hải mở đầu câu chuyện về hai lần gặp nạn ở Hoàng Sa.

 

Đó là tháng 9/2008, ông Nguyễn Tấn Thông (cha Hải) và ông Nguyễn Văn Quang (chú ruột Hải) hùn vốn đóng tàu 550CV. Hải hào hứng tạm biệt cha mẹ, lên tàu thẳng tiến Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên được đi “tàu nhà mình” chứ không phải đi bạn. Nhưng chỉ một tuần sau, vợ chồng ông Thông nhận được hung tin từ Hoàng Sa báo về: “Hải bị đột quỵ sau cú lặn 40m, giờ tàu trên đường về bờ cấp cứu”.

 

Khỏi phải nói ông Quang áy náy thế nào khi đưa cháu về nhà không lành lặn, bởi ai cũng hiểu một lần bị tai nạn lặn biển là coi như tàn đời. Lặn ở độ sâu 40m và ngoi lên đột ngột, cơ thể không kịp thích nghi với áp suất, đột quỵ là chuyện thường xảy ra với những thợ lặn trẻ thiếu kinh nghiệm, và Hải đã không thoát khỏi quy luật nghiệt ngã ấy.

 

Mất nửa năm điều trị ở Quảng Ngãi, rồi 1 năm điều trị ở Nha Trang nhưng đôi chân vẫn mềm nhũn, bà Đặng Thị Thơm quyết định đưa con trai về nhà uống thuốc nam và điều trị bằng vật lý trị liệu.

 

“Lúc đó chân đã có cảm giác nhưng rất yếu, không đi lại được, bác sĩ khuyên em tự tập luyện, mình còn trẻ nếu có nghị lực thì sẽ vượt qua được”. Khoảng thời gian sau đó là những ngày làm bạn với đôi nạng, Hải bước tập tễnh trên con đường đầy sỏi đá của xóm Gành Cả.

 
Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ngãi - đến thăm Hải tại Bệnh viện Quảng Ngãi ngày 18/5.
Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ngãi - đến thăm Hải tại Bệnh viện Quảng Ngãi ngày 18/5.
 

Đôi khi kiệt sức và vô vọng, Hải lại nhớ lại lời khuyên “nghị lực” của người bác sĩ nọ mà cố gắng bước tiếp. Để rồi đến năm 2011, bước đi của Hải bắt đầu cứng cáp... Bà Đặng Thị Thơm góp chuyện: “Thằng này ngang hơn cua, tưởng nó chừa biển rồi, ai ngờ lại xin đi tiếp”. Tháng 12/2012, Hải ra khơi sau hơn 3 năm chia tay.

 

Và mới đây, đầu tháng 5/2014, Hải đưa tàu ra đánh bắt tại vùng biển chủ quyền Hoàng Sa khi Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và lại gặp nạn. Hải cười: “Các cụ bảo mình mạng lớn vì thoát được cú lặn biển tử thần, ai ngờ hết gặp thiên tai rồi năm nay lại gặp nhân tai”.

 

Đêm 16/5, anh em trên tàu QNg 90205 do Hải làm thuyền trưởng chia ra hai sà lan xuống biển lặn bắt hải sâm, chỉ còn Hải và Lê Anh ở lại trên tàu. Giữa đêm đen, tàu Trung Quốc số hiệu 306 như một con quái vật to gấp 5 lần tàu Hải bất ngờ áp sát, rượt đuổi.

 

“Rất đông lính Trung Quốc nhảy lên tàu em, chúng cướp lái rồi thay phiên nện em tới tấp bằng dùi cui”, giọng Hải uất nghẹn. Đánh cho đến khi Hải ngất xỉu, lính Trung Quốc vẫn chưa buông tha, hung hăng đập vỡ hết cửa kính, ICom, máy dò, thiết bị trên tàu...

 

Rồi trong khi lùng sục boong tàu để lấy cá, hút dầu, lính Trung Quốc phát hiện Lê Anh, lại dùng dùi cui vụt mạnh vào đầu, đá thốc vào bụng, hông... cho đến khi Lê Anh mềm nhũn. Hồi tỉnh lúc tờ mờ sáng, Hải nghe toàn thân đau đớn, lúc nóng ran khi lạnh toát, các anh em đang trên đường đưa Hải và Lê Anh vào bờ. “Lúc đó những chỗ bị đánh đã tím tái, Hải thấy đau đầu, buồn nôn nhưng vẫn húp được chút cháo, còn Lê Anh thì nằm bất động, thở khó nhọc”, Hải nhớ lại.

 

Ngày 18/5, từ sáng sớm, bà Thơm và ông Thông đã đứng đợi con ở cảng cá Tịnh Kỳ. Cứ mỗi khi tàu về, hai vợ chồng lại chạy ùa ra đón. Nhưng lần lượt bốn chiếc cặp cảng vẫn không phải là tàu QNg 90205.

 

Mỗi lần đón hụt là thêm một lần nóng ruột. Đến trưa, tàu về bến trong tình trạng rách nát. Hàng trăm người đứng đợi trước Trạm biên phòng Tịnh Kỳ đều xót xa khi nhìn thấy hai ngư dân trẻ nằm bất động trong boong tàu. Hải và Lê Anh được các bác sĩ khẩn trương đưa lên xe cấp cứu về Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

 

Bản lĩnh ngư dân trẻ

 

Năm 2012 là một bước ngoặt với Hải. Đây là lúc Hải bình phục hoàn toàn sau chuyến lặn biển “tử thần” năm nọ và nghe tay chân ngứa ngáy, thèm và nhớ biển. Lúc này, ông Nguyễn Văn Quang quyết định đưa Hải ra Hoàng Sa một chuyến “cho đỡ nhớ”. Không ngờ những phẩm chất nhà nghề của anh thợ lặn năm nào đã nhanh chóng sống dậy trong Hải.

 

Và chuyến đi sau đó, ông Quang quyết định “gác kiếm” để Hải đứng thuyền. Từ đó, chàng thuyền trưởng Nguyễn Tấn Hải như cá gặp nước, tung hoành ngang dọc trên khắp vùng biển đất nước.

 

Nói về quyết định này, ông Quang chia sẻ: “Thằng Hải là đứa rất nhạy máy móc, mấy cái thiết bị ICom, máy dò, máy quét, động cơ... nó rờ vô một cái là xong rót, mình thì mò cả buổi”. Ông phân bua: “Nó trẻ phải hơn mình chớ, tre già măng mọc mà”.

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu - nhận xét: “Hải là đứa sáng dạ, có bản lĩnh và sống tốt với mọi người, chúng tôi hy vọng vào một thế hệ ngư dân trẻ như vậy. Các em sẽ tiếp bước cha anh, bám giữ ngư trường bằng trí tuệ sáng suốt và trái tim nóng bỏng”.

 

Hơn 9 năm lăn lộn trên biển, Hải thuộc Hoàng Sa đến từng vĩ độ, kinh độ không kém gì các lão ngư. Thuộc đến nỗi nghe ngư dân mình bị Trung Quốc tấn công ở đâu là Hải có thể hình dung ra ngay hiện trường.

 

Hai lần đối mặt “tử thần” nhưng chưa bao giờ Hải nguôi chí ra khơi, cứ như thể mắc nợ với biển vậy. Lần này, mới xuất viện hơn 1 tuần, cơ thể chưa bình phục hoàn toàn, nhưng Hải đã hào hứng: “Chú Quang cho tàu hạ thủy rồi, đang làm máy, chờ em khỏe là anh em ra khơi luôn”.

 

Biển Hoàng Sa những ngày này đang “nóng” hầm hập, nhưng khi được hỏi “Đi biển bây giờ sợ nhất cái gì?”, giọng Hải bỗng buồn buồn: “Sợ nhất là nước mắt của mẹ”. Mẹ có những giọt nước mắt âm thầm trong những lần em ra biển...”.

 

Lời bình

 

24 tuổi nhưng đã có 5 năm ngang dọc Hoàng Sa, trong đó có 3 năm phải nằm liệt giường sau một tai nạn nghề nghiệp, Nguyễn Tấn Hải - nhân vật trong phóng sự này - được xem như một điển hình của nghị lực “vượt lên số phận”.

 

Được chạm vào Hoàng Sa - một phần máu thịt của tổ quốc đang bị ngoại bang cưỡng chiếm - với Hải, như một hối thúc của trách nhiệm công dân. Dù anh đã phải trả giá bằng máu của mình cho điều hối thúc đó.

 

Chân dung của một thuyền trưởng 24 tuổi nhưng đã dạn dày “trận mạc” được khắc họa bằng một lối kể chuyện chắt lọc, gãy gọn nhưng lại bàng bạc sẻ chia, đồng cảm của người viết với nhân vật của mình. Đọc xong phóng sự này, Hoàng Sa không còn là “điểm nóng” để phải ngại ngần mỗi khi ra khơi nữa. Hải sẽ chạm Hoàng Sa sau khi lành vết thương. Tất cả những ngư dân Việt Nam cũng sẽ chạm Hoàng Sa như Hải. Vì đó là tổ quốc. Trần Đăng

 

Theo Linh Phạm

Lao động