Thuận KOBE~ rẽ trái ngoạn mục

Bảo anh quá già ở tuổi 32, Thuận cười: “Dân làm công nghệ thông tin đều vậy đó. Nếu nhìn kỹ thì những ai liên quan đến máy tính đều già trước tuổi. Nhiều người tóc bạc hết nhưng có bao nhiêu tuổi đâu!”

Hai lần rẽ trái

 

Vì mê ngành điện tử mà Bùi Hữu Thuận quyết tâm thi vào ngành này của ĐH Bách khoa TPHCM niên khoá 1992 - 1997. Học được hai năm cũng là lúc Bách khoa TPHCM mở ngành công nghệ thông tin, Thuận đã thi chuyển giai đoạn vào ngành này mà không chút nuối tiếc cho ước mơ ngày xưa.

 

Anh giải thích: “Vì học ngành điện tử nên mình có hiểu chút ít về ngành điện toán nhưng xác định đây là lĩnh vực của xu thế mới nên mình mới quyết định chuyển sang CNTT”. Biết là ngành mới chắc chắc còn thiếu thốn tài liệu, máy tính (thời điểm đó là cả gia tài lớn) nhưng anh quyết định rẽ trái. Cú rẽ trái lần đầu tiên trong cuộc đời.

 

Nhờ có thời gian thực tập ở Kasati (một công ty trực thuộc ngành Bưu điện) nên Thuận được nhận làm việc tại đây sau khi ra trường. Anh nhận mình là người may mắn khi vừa ra trường đã có ngay việc làm, mà lại làm trong một công ty nhà nước.

 

Đói chẳng đói. No chẳng no. Ngày 8 tiếng. Vòng quay ấy chỉ kéo dài được 3 năm thì Thuận không chịu nổi không khí làm việc ở đó, quyết định rời Kasati để đi làm bên ngoài cho dù chẳng thấy chút sáng sủa nào ở phía trước.

 

Chưa được gia đình đồng ý nhưng anh đã nhận làm việc cho một công ty tư nhân với lĩnh vực đã được đào tạo: nhân viên lập trình! Cú rẽ trái thứ hai. Sau này, Thuận đã thầm cảm ơn quyết định đúng đắn của mình.

 

“Nếu không có quyết định dũng cảm đó thì bây giờ vui đời sống an nhàn của một công chức, đâu có bận rộn suốt ngày”, anh tự bạch... Chính nhờ quyết định ra ngoài lập nghiệp mà Hữu Thuận đã gặp nhiều may mắn.

 

Tập làm giám đốc

 

Làm ngoài được gần một năm thì anh gặp những người bạn cũ: Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Tất Vũ vừa đi làm bên Nhật về. Cả hội quyết định thành lập công ty, lấy tên là KOBE~ với hai nhiệm vụ chính: gia công phần mềm và cung ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho thị trường Nhật Bản.

 

Bàn đi tính lại, những sáng lập viên KOBE~ đã cử Thuận làm giám đốc điều hành! Anh nhớ lại: “Lúc đầu chẳng biết làm giám đốc là làm gì. Cả đời đã quen làm thuê rồi, bây giờ anh em tín nhiệm ở cương vị này cũng là một thách thức lớn với bản thân”.

 

Nghĩ sao làm vậy, một năm sau Thuận đã ra dáng ông chủ nhưng công việc chính của anh vẫn là cùng anh em bắt tay vào làm việc chuyên môn. Thuận cười: “Nói vậy thôi chứ giám đốc giám điếc gì đâu. Mỗi người một việc. Công ty nhỏ như thế này mà giám đốc ngồi điều hành thì lấy ai làm việc”.

 

Nói là nói vậy chứ Thuận và ban giám đốc đã lèo lái KOBE~ có được những thành công nhất định trong lĩnh vực gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Anh tự hào KOBE~ là doanh nghiệp đầu tiên xâm nhập được vào thị trường năng động và hấp dẫn này.

 

Ngoài việc gia công phần mềm cho các đối tác đến từ Nhật Bản, một thế mạnh khác của KOBE~ là cung ứng nguồn nhân lực cho những công ty phần mềm Nhật Bản. Đến nay KOBE~ đã cử sang Nhật 32 lập trình viên phần mềm. Những lập trình viên sau khi hết thời hạn làm việc tại Nhật, theo thoả thuận giữa KOBE~ và đối tác, sẽ quay về làm việc tại KOBE~.

 

Thuận tự hào: “Đây là cố gắng của chúng tôi trong việc tạo nguồn cho KOBE~ trong tương lai. Có thể họ sẽ ra đi nhưng chúng tôi tin rằng với chính sách ưu đãi của KOBE~ hiện nay, cộng vào đó là cách đối xử của ban giám đốc với anh em... sẽ giữ chân họ ở lại làm việc với KOBE~”.

 

Chấp nhận bị xài lậu... để làm thương hiệu

 

Ở Nhật, nói đến KOBE~, nhiều đối tác về phần mềm biết đây là doanh nghiệp chuyên gia công phần mềm cho họ. Còn ở Việt Nam, KOBE~ được biết đến là công ty có nhiều đóng góp cho các giá trị gia tăng trên chiếc điện thoại di động. Nhưng KOBE~ có được cái danh ấy là nhờ lần gặp lại người bạn học cũ thời đại học tên là Nguyễn Phú Trọng, hiện là chuyên viên kỹ thuật của Sony Ericsson Việt Nam vào năm 2004.

 

Trọng biết Thuận làm trong lĩnh vực phần mềm, lại là làm hàng gia công cho Nhật Bản nên yêu cầu KOBE~ viết phần mềm tiếng Việt, từ điển Anh - Việt... cho dòng máy P900 với giá 5.000 USD. Sau khi hội ý với anh em kỹ thuật trong công ty, Thuận đã nhận lời mà trong lòng ngổn ngang bao nỗi lo, nỗi lo lớn nhất là “sợ quê với bạn bè”. Kết quả, Thuận cùng với 4 thành viên trong nhóm cũng đã hoàn thành “gói thầu”.

 

Sau thành công này, KOBE~ làm tiếp các phần mềm như: Bàn phím ảo, Bộ gõ tiếng Việt (Sony Ericsson P910), Báo thời gian cuộc gọi, Tra cứu danh bạ, KPDYM (phần mềm chat tự động)... Các phần mềm này đã được đưa lên website handango.com bán được hơn 500 USD. Còn phần mềm Tra cứu danh bạ có hơn 2.000 người mua bản quyền...

 

Sau Sony Ericsson, Nokia cũng đặt hàng cho KOBE~ làm phần mềm cho dòng máy Nokia 6708. Thuận cười: “Đã lao theo lĩnh vực này thì đành chấp nhận người ta xài lậu... để làm thương hiệu!”.

 

Chưa thể tiết lộ những dự án đang và sẽ làm nhưng theo Thuận, nếu biết kinh doanh và có những phần mềm hay cho ĐTDĐ thì lĩnh vực này sẽ sống được. Giọng anh có vẻ bí mật: “KOBE~ đang hướng đến những khách hàng lớn để lấy sức mà chiến đấu”.

 

Làm giám đốc thiệt

 

Khi Thuận vừa lấy xong bằng CEO của ĐH Kinh tế TPHCM cũng là lúc anh không còn làm giám đốc KOBE~ nữa mà chuyển sang làm giám đốc Công ty An Ba - công ty chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm ĐTDĐ Sony Ericsson tại Việt Nam.

 

Anh tự nhận, trách nhiệm giám đốc An Ba sẽ nặng nề hơn nhưng anh hy vọng sẽ làm tốt công việc này nhờ vào những kinh nghiệm tích luỹ từ thời còn tập làm giám đốc ở KOBE~! Còn nhiều vấn đề anh phải làm nhưng theo quan niệm của anh, vừa chăm sóc “phần xác” mà lo luôn cả “phần hồn” cho chiếc ĐTDĐ thì chắc chắn khách hàng sẽ ủng hộ.

 

Xác định chiến lược như vậy, nên khi về An Ba, Thuận đã đem theo 4 chuyên viên kỹ thuật phần mềm ĐTDĐ chuyên nghiên cứu và làm những phần mềm ĐTDĐ. “Nhưng mình không còn thời gian làm trực tiếp với anh em như thời còn ở KOBE~ nữa”, Thuận giờ đây phải nghĩ ra nhiều cách phục vụ khách hàng.

 

Anh không giấu được cảm xúc của mình giờ đây “thèm” làm kinh doanh hơn vì có nhiều thách thức hơn. Mê kinh doanh là vậy nhưng mỗi đêm anh vẫn phải đọc tài liệu về kỹ thuật để không quên kiến thức cũ và cũng là điều kiện để anh hoạch định cho hướng đi mới...

 

Theo Mỹ Cẩm
Sài Gòn Tiếp Thị