Bình Định:

Thu vài trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi tôm trên cát

(Dân trí) - Từ hai bàn tay trắng, chàng thanh niên nghèo Phan Thanh Thánh (31 tuổi, thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) trở nên giàu có nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm hồ tôm cho anh thu nhập vài trăm triệu đồng.

Về thôn Xuân Bình, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) hỏi, ai cũng trầm trồ, thán phục anh thanh niên làm kinh tế giỏi Phan Thanh Thánh. Mới ở tuổi 31 nhưng mỗi năm anh Thánh thu nhập cả vài trăm triệu đồng nhờ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát.
Với thành tích đó, anh Thánh là một trong những thanh niên tiêu biểu đại diện cho tuổi trẻ Bình Định vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho các nhà nông trẻ xuất sắc.

Thu vài trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi tôm trên cát
Anh thanh niên làm kinh tế Phan Thanh Thánh (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định), mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.

Xã Mỹ An là xã ven biển, cuộc sống người dân chủ yếu vào nghề đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề biển khó khăn, cá tôm ngày một ít nên lực lượng lao động, trong đó phần lớn thanh niên rời xa quê vào các thành phố lớn làm ăn.
Vốn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh còn gặp khó khăn, thu nhập của cả gia đình chủ yếu dựa vào ngư nghiệp. Trong khi nhiều bạn bè anh bỏ xứ vào Nam làm thuê thì anh bám trụ ở quê với suy nghĩ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 1999, nhận thấy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát có nhiều triển vọng vì lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh nên anh mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi tôm với mong muốn thoát nghèo. Anh gom góp tiền riêng và vay mượn thêm làm 1 hồ nuôi tôm diện tích 3.000 m2, với vốn đầu tư trên 45 triệu đồng.
“Nhờ học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm từ gia đình, bà con địa phương rồi tham khảo trên sách báo nên chỉ 3 tháng thả tôm lứa đầu tiên thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí tôi thu lãi gần 70 triệu đồng.
Năm 2000, nhờ nuôi tôm có lãi, tôi quyết định đầu tư thêm một hồ  2.800 m2, với vốn đầu tư khoảng 80 triệu đồng. Lúc đó, tôi còn quá trẻ chỉ 16 nhưng thu lãi mỗi năm 200 triệu đồng”, anh Thánh nhớ lại cái ngày bén duyên với nghề nuôi tôm.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm không phải khi nào cũng thuận lợi. Người nuôi tôm nhiều, mật độ dày đặc môi trường bị ô nhiễm, tôm chết hàng loạt. Nhiều gia đình trắng tay, anh Thánh cũng không nằm ngoài trong số đó.
“Năm 2011, tôm dịch chết hàng loạt nên bị thất thu vài trăm triệu. Thời điểm đó nhiều chủ nuôi tôm bỏ trống hồ, riêng tôi tìm mọi khắc phục khử trùng, dập dịch bệnh nuôi cầm chừng nhưng một năm một vụ nên không thể thu hồi được vốn”, anh Thánh nói thêm.
Không nản lòng, với suy nghĩ có thất bại mới thành công, anh Thánh đã tìm kiếm thông tin trên internet, sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ các trại tôm giống khác rồi mày mò xây dựng một bể lọc nước có dung tích 12 m3.
Bể lọc gồm một lớp đá san hô, một lớp than hoạt tính, một lớp cát sạch, có tác dụng lọc kim loại nặng và khí độc. Nước sau khi qua bể lọc được bơm vào ao nuôi thì không còn nhiễm độc và các kim loại nặng. Nhờ đó, tôm nuôi của nhà anh Thánh ít khi bị dịch bệnh nữa, năng suất tăng lên rõ rệt, từ 7 - 8 tấn lúc trước lên khoảng 10 tấn/ha/vụ.

Để nhân rộng mô hình nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế,  năm 2012, anh Thánh vay vốn ngân hàng, cộng với vốn tích góp của gia đình, tiếp tục đầu tư làm thêm 5 hồ nuôi nữa với tổng diện tích trên 13.000 m2 và 1 hồ ương tôm giống rộng 600m2.

Từ 2 hồ tôm với tổng diện tích 3.000 m2, đến nay anh Thánh đã có trong tay 7 hồ tôm, tổng diện tích trên 16.000 m2. Nhờ đó, năm 2014 tổng doanh thu của anh đạt gần 7 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 800 triệu đồng.

Thu vài trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi tôm trên cát
Nhờ vào hệ thống bể lọc kim loại nặng và khí độc do anh Thánh tự sáng tạo mà tôm ít dịch bệnh, tăng năng suất

Ngoài ra, cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của anh Thánh còn góp phần giải quyết cho 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng và trên 10 lao động làm việc thời vụ 150.000 đồng/ngày.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm của mình, anh Thánh cho biết: “Nuôi tôm thẻ chân trắng, quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống tốt của công ty uy tín. Trong khâu chăm sóc thì phải chú trọng khoảng thời gian 1 tháng đầu vì đây là lúc tôm nhỏ sức đề kháng yếu dễ dịch bệnh do thay đổi môi trường sống, thức ăn nên phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước, độ pH để nếu có vấn đề gì thì xử lý cho kịp thời”.

Với thành tích trên, vừa qua anh Thánh là một trong 2 thanh niên tiêu biểu của tỉnh Bình Định được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của 2015, giải thưởng dành cho các nhà nông trẻ xuất sắc.

Doãn Công