Thủ tướng gặp mặt 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2016
(Dân trí) - Sáng ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt và trò chuyện với 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 10 Gương mặt trẻ triển vọng năm 2016.
Buổi gặp mặt này nằm trong chương trình trao giải và tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 - giải thưởng do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ tổ chức thường niên.
Trong buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi thành tích của các bạn thanh niên đồng thời lắng nghe Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong báo cáo tóm tắt về các hoạt động kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn, giới thiệu về thành tích của 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.
Những Gương mặt trẻ đó là: Đinh Thị Hương Thảo (SN 1998, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội); Trần Xuân Bách (SN 1984, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng (ĐH Y Hà Nội)); Đào Xuân Hoàng (SN 1982, Giám đốc Cty Cổ phần Early Start); Tạ Đình Huy (SN 1983, xã Thượng Vực, Chương Mỹ, Hà Nội); Giàng Seo Châu (SN 1986, dân tộc Mông, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai); Hoàng Anh Tuấn (SN 1981, phòng Cảnh sát giao thông, CA tỉnh Bắc Giang); Lê Kiếm Sơn (SN 1985, Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh); Hoàng Anh Tuân (SN 1982, Giám đốc Cty TNHH Nhựa Việt Hưng); Lê Văn Công (SN 1984, Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, TPHCM); Trần Lê Quang Tiến (SN 2002, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Nhân dịp gặp mặt Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trung ương, những thanh niên tiêu biểu cho nhiều lĩnh vực học tập, lao động - sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh - quốc phòng, văn hoá, thể thao... đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.
Anh Đào Xuân Hoàng - chủ doanh nghiệp Early Start, nhận xét về tình hình khởi nghiệp của các bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Anh cho rằng nhiều bạn trẻ còn thụ động và chưa tìm được đúng hướng đi trong khi con đường của các bạn còn quá mới mẻ, do đó cần có sự định hướng và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Còn tiến sĩ, Phó Giáo sư Trần Xuân Bách (ĐH Y Hà Nội) chia sẻ rằng anh và các đồng sự đang kì vọng vào một dự án tăng cường giá trị chuẩn đoán và điều trị trong y học bằng cách kết hợp với điện tử và công nghệ thông tin. Anh Bách kiến nghị Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho y tế điện tử, đồng thời các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ có thể cùng hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để triển khai những đề tài nghiên cứu y học đầy tiềm năng này.
Em Đinh Thị Hương Thảo - sinh viên khoa Vật lý ĐH KHTN - ĐH Quốc gia HN là người 2 lần đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế. Thảo cảm thấy bản thân chưa đóng góp được nhiều cho xã hội ngoài việc học tốt. Em muốn có cơ hội cống hiến cho đất nước khi đã tích luỹ được nhiều kiến thức. Thảo cũng cho biết rằng em đang tham gia mô hình trại hè truyền đạt kiến thức và trao đổi thông tin giữa các sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước, nhằm đẩy cao tinh thần học tập của thanh niên.
Anh Giàng Seo Châu - Chủ tịch xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai trình bày về mô hình kinh tế nông nghiệp địa phương mà anh đang chỉ đạo triển khai. Vấn đề trăn trở của vị Chủ tịch sinh năm 1986 là sản phẩm nông nghiệp cất lượng cao đã ra đời nhưng đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, chưa tìm được mối liên kết với doanh nghiệp bao tiêu. Anh mong rằng Chính phủ có chính sách quy hoạch phát triển nông nghiệp chuyên môn hoá ở vùng sâu vùng xa như huyện Si Ma Cai, giúp người nông dân thoát nghèo.
“Nhà sáng chế không bằng cấp” Tạ Đình Huy, huyện Chương Mỹ bày tỏ mong muốn chiếc máy “15 trong 1” của anh và những sáng chế khác của người dân có cơ hội được phát triển, nhân rộng để giúp người nông dân bớt nhọc nhằn.
Lê Văn Công - VĐV khuyết tật và chị Đỗ Thuý Hà - Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa, Hà Nội có cùng mong muốn rằng Chính phủ sẽ có những chính sách giúp đỡ người khuyết tật hoà nhập, được đối xử bình đẳng và có những chế độ thích hợp cho người khuyết tật.
“Thần đồng” violin Trần Lê Quang Tiến muốn nhạc cổ điển có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam và có những suất học bổng cho nghệ sĩ trẻ học tại các nước có nền âm nhạc cổ điển châu Âu.
Sau nhiều ý kiến phát biểu của 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu và 10 Gương mặt trẻ triển vọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đại diện các Bộ như Bộ Giáo dục & đào tạo, Bộ Kế hoạch & đầu tư lên tiếng phản hồi đề xuất, mong mỏi của thanh niên.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đang xây dựng đề án hỗ trợ khởi nghiệp ở các nhà trường, trước hết là đại học, sau đó là THPT. Đề án này sẽ trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Đại diện Bộ GD&ĐT tuyên dương: “Các bạn trẻ đã đóng góp không chỉ đóng góp hữu hình mà còn là những đóng góp vô hình, có giá trị khẳng định trí tuệ, tâm hồn người Việt trên thế giới”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Các bạn là những người vừa thông minh, tài năng, dũng cảm; vừa có nghị lực, đam mê, sáng tạo, ham mê học hỏi. Các bạn cũng mong mỏi đóng góp cho gia đình, xã hội, đất nước. Những sản phẩm, suy nghĩ của các bạn rất thiết thực, cần thiết cho đời sống xã hội.
Qua đây, chúng tôi nhận thấy, đại học không phải là con đường duy nhất, khuyết tật không phải là hết. Các bạn là những tấm gương hết sức cảm động. Thanh niên Việt Nam sẽ nhìn vào các bạn mà học tập. Chính phủ tin rằng các bạn sẽ có khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa làm toả sáng danh hiệu đã được xã hội ghi nhận ngày hôm nay”.
Thủ tướng đề nghị các Bộ, Ngành, địa phương và cơ sở Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên cả nước cần tạo điều kiện cho các Gương mặt trẻ tiêu biểu được phấn đấu, học tập, công tác, phát huy hết tiềm năng. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên tiếp tục tôn vinh, hỗ trợ, tạo điều kiện cho lớp trẻ khởi nghiệp; tuyên truyền, giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt, trí tuệ ra công chúng, để cho lớp trẻ học tập, noi gương, vượt khó, đồng thời ứng dụng, nhân rộng mô hình và cách làm hay.
Mai Châm