Thủ lĩnh Đoàn thu nhập tiền tỷ

Sở hữu trang trại nuôi cá, gà, trồng ổi, nhãn, bưởi Diễn với diện tích 7.200m2, một năm cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng, anh Đỗ Văn Quý trở thành một trong thanh niên làm kinh tế giỏi có tiếng tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Với Quý, những thành quả có được chính là nhờ công cuộc xây dựng nông thôn mới…

 

Không thích phụ thuộc

 

Quý hiện còn là Phó Bí thư Đoàn xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.  Học xong cấp ba, để thực hiện ước mơ “thoát li khỏi đồng ruộng”, anh theo học  trung cấp với nghề điện dân dụng. Sau khi có nghề trong tay, Quý cũng bôn ba làm nghề khắp nơi. Anh hết làm thuê cho các công ty này lại chuyển qua làm kinh doanh, buôn bán cho cửa hàng khác...

 

Quý kể: “Mình từng đi khắp Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng để tìm các đại lí bán két sắt. Công việc cho thu nhập ổn nhưng cũng không ít lần mình phải ngậm đắng, nuốt cay vì bị các đại lí lừa lấy hết hàng. Vì thế, mình nung nấu ý định tìm một nghề ổn định”.

 

Thủ lĩnh Đoàn thu nhập tiền tỷ
Đỗ Văn Quý (thứ 2 bên phải) giới thiệu trang trại với Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt.

 

Vốn là con nhà nông, từ tấm bé Quý đã quen với việc chân lấm, tay bùn. Khi  đi khắp xứ người, thấy quá vất vả anh đã nghĩ tới quê nhà nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu. Suy đi, tính lại, anh cho rằng phải tính đến những mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Đúng lúc ấy, xã Đa Tốn được chọn làm điểm việc dồn điền đổi thửa phục vụ xây dựng nông thôn mới với nhiều hỗ trợ cho nông dân. Quý đã lập tức nhìn ra con đường lập nghiệp, làm giàu mà mình cần phải đi, đó chính là làm trang trại VAC.

 

Anh rút hết tiền hàng từ các đại lí bán két sắt được hơn 100 triệu đồng, đầu tư làm trang trại theo mô hình mới. Quý đào ao thả cá diêu hồng, nuôi gà và trồng ổi bốn mùa, ổi Đông Dư, nhãn và buổi Diễn.

 

Hồ hởi với công việc mới nhưng thiếu kinh nghiệm nên những vụ đầu tiên, anh cũng phải nếm “trái đắng” mất mùa. Quý kể: “Trời mưa rất nhiều nên cá trong ao bị trôi gần hết. Cây ra hoa nhưng không đậu quả. Công sức cả gia đình dồn vào coi như mất trắng. Những vụ đầu tiên này khiến tôi rất sợ hãi”.

 

Không nản lòng, Quý tìm đến những người đi trước học hỏi kinh nghiệm. Anh cũng tự làm giàu kiến thức cho bản thân bằng cách đọc sách, tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi do Đoàn thanh niên và chính quyền địa phương tổ chức.

 

Anh cũng tìm ra được cách hạn chế ảnh hưởng của thời tiết như trời mưa nhiều phải dành thời gian rung cây để hoa không bị nát. Vì vậy, Quý dần dần đưa trang trại đi vào hoạt động ổn định.

 

Đôi khi phải biết liều...

 

"Nếu đầu ra thuận lợi, mỗi năm gia đình mình  hoàn toàn có thể thu lãi trên 200  triệu đồng từ chính đồng đất quê hương. Còn nếu đi làm thuê, lương ba cọc ba đồng, cả  đời mình cũng không thể tích lũy được số tiền mà mình có nhờ làm nông nghiệp", Quý tâm sự.

 

Tuy nhiên, anh cũng cho biết thêm: Làm nông nghiệp có quá nhiều rủi ro nên việc tích lũy kinh nghiệm là việc rất cần thiết. Thực tế không phải ai mở trang trại cũng thành công. Nói chung là phải rất đam mê, rất say sưa với đồng ruộng thì mới làm được.

 

Đôi khi chúng ta cũng phải biết liều, dám nghĩ, dám làm. Bởi có rất nhiều bạn trẻ học ra nhưng không kiếm được việc làm cũng không dám về quê lập nghiệp vì các bạn ấy không dám liều, luyến tiếc thời gian đã ngồi trên ghế nhà trường.

 

Tuy nhiên, đôi khi sự liều lĩnh có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta bởi việc học tập ngoài mục tiêu kiếm tiền còn có những giá trị khác. Những kiến thức nếu có học được trong trường nhất định sẽ hỗ trợ đắc lực cho công việc, kể cả công việc của một nhà nông.

 

Hiên nay, Quý vừa phát triển kinh tế gia đình vừa đảm nhận nhiệm vụ Phó trưởng thôn và Phó Bí thư Đoàn xã Đa Tốn. Những kinh nghiệm tích lũy được anh thường xuyên chia sẻ với bà con nông dân và đoàn viên, thanh niên.

 

Đặc biệt để góp phần xây dựng nông thôn mới Quý và đoàn viên, thanh niên trong xã tích cực tuyên truyền đến bà con nhân dân về việc dồn điển đổi thửa, giữ vệ sinh môi trường, kết nối thanh niên làm kinh tế giỏi trong xã.

 

Quý cũng  đang quyết tâm thuê thêm đất, mở rộng trang trại để nuôi trồng thêm các cây, con khác. Anh tính toán: “Mình sẽ lựa chọn giống vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa có đầu ra dễ dàng. Một số giống con có thể tiết kiệm chi phí nhưng vẫn mang lại lợi nhuận là hướng đi bền vững mình hướng đến trong thời gian tới”.

 

Theo Thành Nam

Tuổi trẻ thủ đô