Thư gửi những “thiên thần” trong bệnh viện sản

“…Hai mươi năm sau khi tôi đến những bệnh viện phụ sản tôi vẫn thấy những cô gái trẻ đang chờ để phá thai ngoài ý muốn…”.


Thư gửi những “thiên thần” trong bệnh viện sản - 1
Nhà văn Y Ban đã viết một bức thư gửi mẹ Âu Cơ 20 năm trước về nỗi đau đớn ấy của những “thiên thần”. Và giờ đây, chị lại cầm bút viết cho chính họ.

 

Các em thương mến!

 

Hai mươi năm trước tôi đã viết một bức thư gửi cho mẹ Âu Cơ để nói về một cô gái 24 tuổi trong một ca cô vắc. Lá thư đó dưới hình thức một truyện ngắn có tên Thư gửi mẹ Âu Cơ in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và giành được giải nhất cuộc thi truyện ngắn năm đó. Cô gái đã có thai ngoài ý muốn nên đã phải phá bỏ. Cô gái đã trải qua nỗi đau đớn về tinh thần và thân xác.

 

Nỗi đau đớn không nguôi ngoai được qua thời gian để cô gái phải kêu lên với mẹ Âu Cơ rằng: "Mẹ Âu Cơ sinh được 50 người con trai và 50 người con gái. Con trai của mẹ thì thành anh hùng thi sĩ, con gái của mẹ thì trở thành những bà mẹ. Đất nước anh hùng thiên tai ngoại xâm liên miên nên mẹ chỉ quan tâm đến những anh hùng, thi sĩ. Mẹ không chú ý đến những cô gái vốn đã dịu dàng nhu mì, không mấy đòi hỏi mẹ. Nhưng bây giờ thì con đòi hỏi. Mẹ ơi mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ".

 

Hai mươi năm sau khi tôi đến những bệnh viện phụ sản tôi vẫn thấy những cô gái trẻ đang chờ để phá thai ngoài ý muốn. Điều đau lòng hơn là những cô gái còn trẻ hơn 20 năm trước. Có những cô chỉ 13, 14 tuổi. Vẫn còn là đứa trẻ con. Đứa trẻ con gái đi với đứa trẻ con trai. Trong khi chờ đến lượt chúng còn ngồi chơi bài ma jic. Khi chơi thì chúng cười và khi nghĩ đến việc sắp sửa phải trải qua thì sợ quá khóc tu tu lên. Đứa trẻ con trai không biết cả cách lau nước mắt cho đứa trẻ con gái thế nào nên ngồi đần mặt ra đấy. Dẫu sao đứa trẻ con gái mà tôi gặp đó còn có bạn trai đưa đi. Còn những đứa trẻ con gái khác không có bạn trai đưa đi vì nó bỏ chạy mất rồi, ngồi thui thủi một mình, câm lặng đến cả không dám khóc.

 

Có những cô bé gầy nhẳng, ngực vẫn còn phẳng lì, xanh xao ngồi vào một góc khuất với đôi mắt vô hồn. Có những cô gái đã chững chạc, là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Trong lúc chờ đợi đang cố tìm câu trả lời rằng tại sao mình lại ra nông nỗi này? Mình quên những kiến thức đã học rồi sao? Và tại sao những kiến thức học ở trên giảng đường với thực tế lại cách xa nhau đến vậy? Tôi lướt qua phòng đợi của những bệnh viện phụ sản và tôi nhận thấy có rất nhiều cô bé gái thật đẹp, thật trong sáng, thật ngây thơ nhưng giờ mang một đôi mắt u tối và hoang mang.

 

Những bệnh viện phụ sản không phải là nơi chốn của những cô gái vị thành niên kia. Những phòng bệnh mà ở đó các bác sỹ sản phải kết thúc cuộc sống của những sinh linh bé bỏng trong đau đớn và lo sợ kia không phải là nơi chốn của chúng. Nơi chốn của những cô gái mang gương mặt "thiên thần" kia phải là những ngôi nhà có ngọn lửa ấm, những mái trường đầy mơ ước… Những "thiên thần" đã đến đó bởi chúng đã đi lạc trên con đường của cuộc đời thanh xuân mà những người lớn chúng ta vô tình không biết. Để rồi sau khi từ những phòng bệnh "đặc biệt" ở các bệnh viện sản bước ra, cuộc đời của những "thiên thần" đã đánh mất đi những đôi cánh của ước mơ trong sáng và những tâm hồn tinh khiết.
 
 
Thư gửi những “thiên thần” trong bệnh viện sản - 2

Hằng ngày, nhữnng “thiên thần” 13, 14 tuổi vẫn bí mật đến bệnh viện sản để phá thai. Và sau những lần ấy, họ đã đánh mất đi bao điều trong sáng của tuổi đời và nhiều “thiên thần” mãi mãi rơi vào vực tối. (Hình ảnh chỉ có tính minh họa)

 

Tôi biết trong cuộc sống hiện đại, cái ăn cái mặc đầy đủ, lại thêm tivi, phim ảnh, sách báo và Internet nên những đứa trẻ đã trưởng thành sớm. Hay có thể nói một cách chính xác là chúng đã bước vào một cuộc sống của hưởng lạc, của tự do cá nhân, của những mạo hiểm… quá sớm mà không được người lớn dạy bảo hay khuyên giải. Hai thập kỷ trước tuổi dậy thì của con gái là 15, 16 tuổi. Đột xuất mới có bé gái 12, 13 tuổi đã có hành kinh. Nay tuổi dậy thì đến sớm hơn. Con gái 13, 14 tuổi đã phổng phao như thiếu nữ. 10, 11 tuổi đã có hành kinh.

 

Khi đến tuổi dậy thì trong cơ thể các em gái có một sự chuyển biến rất sâu sắc. Nhiều khi bột phát ra ngoài thành những hành động "kỳ quặc". Đó là bởi vì những hành vi chưa phát triển đồng đều cùng với những nhận thức. Nói đơn giản dễ hiểu rằng đó là những hành vi đàn bà trong thân xác trẻ con. Thân xác trẻ con đó chưa được dạy dỗ những kiến thức để ứng xử và thích nghi với những hành vi đàn bà. Đã thế lại được hỗ trợ bằng phim ảnh, sách báo và Internet.

 

Và sự không quan tâm của cha mẹ chăng? Có thể có một vài trường hợp khi cha mẹ các em mải mê kiếm sống nên đã không dành đủ thời gian cho con gái của mình. Nhưng tôi đã nhìn thấy có những ông bố bà mẹ luôn kè kè con gái bên hông. Đi đâu cũng đưa đón. Ở nhà thì đóng chặt cửa. Mua điện thoại di động cho con để kiểm soát. Vậy mà con vẫn tuột khỏi tay. Đến khi cơ sự xảy ra thì chỉ biết ngồi ôm nhau khóc.

 

Còn sự giáo dục giới tính cho các em? Dạy cho các em cách phòng tránh thai ngoài ý muốn? Hai mươi năm rồi mà tôi vẫn thấy các chuyên gia, các nhà giáo dục, các nhà chức trách... bàn thảo về vấn đề: trực tiếp hay gián tiếp; trực diện hay tế nhị; phương Tây và phương Đông… Trực tiếp hay trực diện thì là vẽ đường cho hươu à? Mình là người phương Đông. Người phương Đông thì không như người phương Tây được, vấn đề đó phải hết sức tế nhị.

 

Trong khi chuyên gia, các nhà giáo dục và các nhà chức trách đang mê mải bàn thảo thì hươu vẫn cứ chạy. Và hươu đã chạy vào thẳng bệnh viện phụ sản để phá thai vì một điều quá hiển nhiên rằng Internet không có ranh giới người phương Đông và phương Tây. Chat cũng đâu có ranh giới người phương Đông người phương Tây. Đó là chưa kể những nhà nghỉ đang mọc lên như nấm sau mưa. Nhà nghỉ đã lan về cả các vùng quê hẻo lánh. Và ngày ngày các nhà chức trách vẫn hạ bút ký giấy phép cho xây dựng các nhà nghỉ.

 

Những bệnh viện phụ sản và các phòng mạch tư đều sẵn sàng làm cái việc loại bỏ những cái thai ngoài ý muốn mà không hề có một sự tư vấn nào. Bây giờ đó là một thủ thuật khá dễ dàng và không gây nhiều biến chứng. Và có vẻ như tay nghề của những thầy thuốc trong việc này cũng cao hơn. Đơn giản là trăm hay không bằng tay quen. Làm nhiều thì sẽ giỏi thôi.

 

Vào bệnh viện chỉ cần mua một quyển sổ y bạ rồi ngồi chờ. Đến lượt sẽ được cô y tá ngồi ghi bệnh án hỏi: tắt kinh từ bao giờ? Khám thai hay phá đây? Tên là gì? Tuổi bao nhiêu... Rồi sau đó sẽ được thay bộ quần áo bệnh viện. Rồi sẽ được tiêm một mũi thuốc giảm đau. Rồi sẽ nằm lên bàn, để hai tay lên ngực, thở đều đi. Tất nhiên là sau khi đã nộp tiền dịch vụ. Tất cả những hành động trên như là của một thế giới vô cảm và như là quy trình hoạt động của một cái máy. Những "thiên thần" không tìm thấy sự chia sẻ, không sự chỉ bảo, không nỗi lo âu cho một con người hay một thế hệ tương lai.

 

Còn khi đến phòng mạch tư sẽ được chăm sóc hơn. Tôi đã từng đến một phòng mạch tư của một bác sỹ khá nổi tiếng trong chị em. Vị bác sỹ đã nghỉ hưu. Bà vợ làm nghề tài chính cũng đã nghỉ hưu. Vị bác sỹ đã đào tạo vợ thành người phụ tá. Bà vợ vừa tiêm thuốc cho cô bạn tôi vừa an ủi: Em đừng sợ, bác sỹ làm nhẹ nhàng lắm, không đau đâu. Hôm trước có một cô đến đây hút thai. Ban đầu thì sợ lắm. Khi làm xong rồi thì bảo: có khi tháng sau cháu lại đến đây.

 

Tôi không biết có phải do bà nói nhịu không? Chắc là lần sau (nếu chẳng may bị dính) thì sẽ đến đây, chứ tháng sau lại đến thì quả là khủng khiếp quá và chẳng có gì để nói nữa!?

 

Tôi không chắc những em gái có đọc bức thư này của tôi hay không? Và khi có ai đó đọc thì phá lên cười: đồ bà già lẩm cẩm, ai nhờ bà lo hộ. Có gì là to tát đâu, chỉ mười lăm phút là xong. Đau đớn gì. Nhưng tôi vẫn viết. Tôi viết cho chỉ một em gái thôi, một em gái đang là một chú hươu non chưa biết chạy đường nào. Tôi muốn nói với em gái rằng: Em hãy tự mình trang bị cho mình các kỹ năng sống. Nếu em lên Internet, tìm bạn để chát, để đọc những điều em quan tâm, thì em cũng sẽ tìm được cách tự bảo vệ mình, không mang thai ngoài ý muốn. Chỉ cần một lần nhấp chuột thôi.

 

Hừ, tôi lại lẩm cẩm mất rồi. Nhiều những em gái ở thôn quê đâu đã có Internet, lại cũng chẳng có sách báo gì thì các em sẽ hỏi ai đây? Hỏi bà ư? Hỏi mẹ ư? Những người đàn bà đó liệu có trả lời được câu hỏi của các em không? Khi chính cuộc đời trải qua các điều đó là do trời bảo. Hỏi các thầy cô giáo ư? Có em gái nào đủ bản lĩnh để hỏi những điều nhạy cảm đó. Mặc dù tôi biết rằng, hiện nay có một số trường phổ thông đã có phòng tư vấn.

 

Tôi biết việc các em gái phải đến bệnh viện phá thai khi mang thai ngoài ý muốn kia nằm trong một sự tổng thể chung là, kỹ năng sống của thanh niên, học sinh, sinh viên nước ta còn rất kém. Nhưng để nghĩ ra giải pháp nào thì quả là bây giờ tôi chưa nghĩ ra. Có ai giúp tôi với được chăng? Chắc phải nhờ đến các chuyên gia, những nhà chức trách và các nhà giáo dục

 

Nhà văn Y Ban

Theo Cảnh Sát Toàn Cầu