Thú chơi mới của những người trẻ

Thời buổi bận rộn ngày nay vẫn có những chàng trai cô gái “cả gan” tìm về một thú chơi cổ xưa: Câu lạc bộ Trà Việt. Một kiểu “chơi ngông” hay một tấm lòng với nét văn hóa truyền thống dân tộc?

Khởi động ý tưởng

Đinh Minh Phú, Giáp Văn Huy, Nguyễn Hoàng Linh, Võ Văn Thành quen nhau từ hồi ở trần lông nhông chạy tắm mưa trên xứ sở chè Bảo Lộc (Lâm Đồng). Trong đó Minh Phú (cựu SV khoa Đông phương học - ĐH KHXH&NV TPHCM) từ 6 tuổi đã được cha dẫn ra vườn chè ngồi chơi vì cả nhà đều bận làm. Thế là cu cậu... mê cây chè từ đó.

Cứ thế họ lớn lên cùng cây chè. Nhưng làm cách nào để giúp cuộc sống người nông dân trồng chè bớt nhọc nhằn, chông chênh? Trà Việt sao chưa có chỗ đứng xứng đáng trong cuộc sống hôm nay? Những câu hỏi đó cứ ám ảnh họ mãi.

Giáng sinh năm 2003, bốn người bạn thân quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Trà Việt. Để tìm tòi và học hỏi cách thức pha trà, các bạn thường xuyên lên Internet, vào thư viện, lùng các sách báo tạp chí, các forum…

Bốn bạn trẻ còn chia nhau đến những quán trà trong thành phố và cả những tiệm trà ở Bảo Lộc, thậm chí Phú còn ra tận Hà Nội. Hễ ở đâu có tiệm trà ngon là bốn chàng SV “bay” tới vừa uống trà vừa làm quen với chủ tiệm. Nhưng cách tiếp cận này xem chừng không đạt hiệu quả cao. Chẳng chủ tiệm trà nào tiết lộ bí quyết pha trà cho người ngoài.

Trong cơn ngặt nghèo, một thành viên đã bỏ cuộc. Cuối cùng một sáng kiến được đưa ra: về tận Bảo Lộc đặt hàng nông dân với những yêu cầu về cách chế biến trà theo công thức riêng của CLB.

Chiến lược “tam giác cân”

 

CLB Trà Việt chỉ là bước khởi đầu trong kế hoạch lâu dài ba bước của nhóm. Bước tiếp theo trong kế hoạch của họ: xây dựng và phát triển hệ thống Trà Việt quán. 

 

Bước cuối cùng - quan trọng nhất - thành lập công ty sản xuất trà! Ước mơ vẫn còn ở phía trước và rõ ràng là cả một chặng đường dài, như Ngọc Diễm tâm sự: “Đầy mạo hiểm mà không có người dẫn đường. Nhưng tại sao lại không dám chứ?”.

 

Và họ đang làm. Trong hội chợ triển lãm “Giao lưu thương mại Việt kiều & Xuất nhập khẩu OVIFES 2005” tại Trung tâm Thương mại CMC Plaza (28/5 đến 4/6), gian hàng Trà Việt đã thu hút rất nhiều khách hàng, đông nhất là... giới trẻ.

 

Tháng tám vừa qua, CLB Trà Việt đã trở thành thành viên chính thức của NVH Thanh niên TPHCM.

Đậu Quang Thơ - nghiên cứu sinh của khoa Công  nghệ sinh học (ĐH Khoa học tự nhiên) - suốt ngày nhốt mình trong phòng nghiên cứu cách tạo ra những loại trà có màu sắc, hương vị mang phong cách mới, độc đáo. Họ đã làm đi sửa lại không biết bao nhiêu lần. Khi những gói trà đầu tiên mang tên Trà Việt ra đời, cả nhóm mừng đến rơi nước mắt.

Đam mê lan tỏa

Phạm Lan Hương (giáo viên Trường tiểu học Đông Ba, Q. Phú Nhuận, TPHCM) - một “chuyên gia” về các thao tác pha trà của CLB - cho biết: “Khó nhất là mình phải có cái tâm giữ được sự thanh tĩnh khi pha trà”.

Đội pha trà rất kén chọn thành viên; phải “trầy da tróc vẩy” mới được vào. Mỗi tuần các thành viên của đội lại gặp nhau một lần để học cách pha trà. Phú cho biết: “Ở Nhật hay Hàn Quốc đều có trường dạy bài bản về “ uống trà”. Trong khi ở VN không có một trường nào chỉ dẫn bài bản về uống trà. Tụi mình tự mày mò, làm không được thì làm lại”.

Đam mê bắt đầu lan tỏa. Khi  mới thành lập CLB có bốn thành viên, sau đó là 10, 20 rồi 50 người. Bây giờ con số đó đã gần 200. Tháng 12/2004, CLB dời địa điểm đến nhà một thành viên và chiếm luôn sân thượng làm nơi sinh hoạt, gặp gỡ.

“Vấn đề bây giờ là phát triển chiều sâu để đảm bảo chất lượng thành viên” - chủ nhiệm CLB Tạ Anh Hùng (SV Nhạc viện TPHCM) cho biết. Để được công nhận là thành viên chính thức, phải biết pha trà và có kiến thức kha khá về trà.

“Cứ mỗi lần sinh hoạt lại thấy 10 - 20 gương mặt mới toanh - Văn Thành cho biết - không chỉ có SV, HS mà còn cả giáo viên, cán bộ viên chức... Có người đến chỉ vì tò mò rồi bị “dính” luôn”.

Theo My Lăng
Tuổi Trẻ