Thời Covid-19, phong bao lì xì đỏ thắm đổi thành "ting ting"

Hà Mi

(Dân trí) - Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các hình thức chúc mừng thông qua chuyển khoản online trở nên phổ biến hơn. Điều này có làm giảm ý nghĩa của lời chúc so với các hình thức truyền thống?

Mùa Tết, nhiều bạn trẻ sẵn sàng công khai số tài khoản trên mạng xã hội để nhận tiền lì xì từ bạn bè và người thân. Không chỉ ngày Tết, vào những dịp sinh nhật, ngày lễ đặc biệt, việc chuyển khoản thay lời chúc đã trở nên phổ biến.

Sự tiện lợi khi không thể gặp mặt trực tiếp

Nguyễn Thế Anh (21 tuổi) là một trong nhiều bạn trẻ từng dùng chuyển khoản để lì xì và mừng sinh nhật bạn bè. Bạn cho biết sử dụng hình thức này là do những người muốn tặng đang ở xa hoặc không thể gặp mặt trực tiếp.

Thời Covid-19, phong bao lì xì đỏ thắm đổi thành ting ting - 1
Thế Anh là một trong nhiều bạn trẻ sử dụng hình thức chuyển khoản để gửi món quà của mình tới người thân.

Bên cạnh đó, Nguyễn Bảo Ly (21 tuổi) cũng cảm thấy việc chuyển khoản tiền mừng các loại trở nên phổ biến là do Covid-19: "Dịch bệnh đã hạn chế việc gặp mặt nhau rất nhiều, hầu hết các công việc đều chuyển sang online. Mọi người thay vì gặp trực tiếp chuyển sang nhắn tin và video call với nhau nhiều hơn, cũng từ đó là hình thức chuyển khoản "ting ting" trở nên phổ biến hơn".

Trương Cao Minh (21 tuổi) cũng nhận thấy hình thức chúc mừng này giúp bản thân tiết kiệm được nhiều thời gian thay cho việc mua quà, lại còn không phải "đau đầu" chọn lựa. "Ngoài ra, việc chuyển khoản hiện nay rất nhanh chóng, tiện lợi, có thể tặng dưới nhiều hình thức khác nhau như voucher, thẻ quả tặng… để người mình tặng được tự lựa chọn món đồ họ thích", bạn chia sẻ.

Cảm giác háo hức mỗi lần nhận thông báo "ting ting"

Trên thực tế, những bạn trẻ này cũng từng chính là những người nhận được các lời chúc qua chuyển khoản như vậy. Thế Anh bày tỏ: "Mình cũng được nhận lì xì qua thông báo lâu rồi nhưng lúc nào vẫn cảm thấy bất ngờ và vui mừng".

Thậm chí, một số người bạn của Thế Anh còn giấu tên để tạo cảm giác tò mò: "Đôi lúc, họ cũng muốn thử xem liệu mình có thể nhận ra được họ đằng sau những lời chúc đặc biệt đi kèm hay không".

Thời Covid-19, phong bao lì xì đỏ thắm đổi thành ting ting - 2
Phương Linh cảm thấy hạnh phúc và bất ngờ mỗi khi nhận được món quà chuyển khoản từ người quen.

Cùng cảm xúc, Phương Linh (sinh năm 2001) cũng có cảm giác hạnh phúc mỗi khi nhận được thông báo chuyển khoản từ người thân quen vào các dịp đặc biệt. Bạn cảm thấy cách thức này thiết thực và phù hợp với bản thân.

Hiện tại, các ứng dụng ví điện tử, ngân hàng trực tuyến đã phát triển các mẫu thiệp online để khách hàng lựa chọn gửi kèm khi chuyển tiền. Đối với Cao Minh, điều này càng khiến cho lời chúc trở nên đặc sắc và thú vị hơn.

Không phải đối tượng nào cũng phù hợp

Đối với Thế Anh và Phương Linh, phương thức mới này không hề khiến cho lời chúc mất đi ý nghĩa vốn có. Linh cho biết mình sử dụng hình thức này tùy theo đối tượng miễn sao phù hợp.

Theo Thế Anh, bạn cảm thấy đây vẫn là những món quà thể hiện tình cảm trân quý, dù cho hình thức trực tuyến không thể mang lại cơ hội gặp gỡ, sum vầy. Dẫu vậy, bạn trẻ cho biết trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc, chuyển khoản lại chính là cầu nối để hai bên gắn kết tình cảm một cách an toàn và nhanh chóng.

Ngược lại, Cao Minh và Bảo Ly đều cho rằng hình thức này làm mất đi một phần ý nghĩa trong lời chúc. Một mặt trái của việc chuyển khoản, theo Minh, là người nhận có thể thấy được giá trị "hiện kim" của món quà, điều mà việc tặng quà trực tiếp khó làm được.

Thời Covid-19, phong bao lì xì đỏ thắm đổi thành ting ting - 3
Bảo Ly cho rằng việc chuyển khoản làm mất đi một phần ý nghĩa của lời chúc.

Ly luôn quan niệm rằng tấm lòng của người gửi luôn quan trọng hơn giá trị quà tặng. Tuy nhiên, việc chuyển khoản không thể truyền tải đầy đủ được tinh thần đó. Bạn bày tỏ: "Tuy chúng mình có thể kết hợp vừa chuyển khoản vừa video call với nhau nhưng mình vẫn thích gặp trực tiếp và đưa quà mừng trực tiếp hơn".

Không thể phủ nhận sự tiện lợi của việc chuyển khoản, Minh nhận thấy các bạn trẻ cần có sự chọn lọc đối tượng người nhận: "Mình thấy việc tặng quà hình thức này chỉ phù hợp với người thân hoặc bạn bè chứ không phù hợp với đồng nghiệp, người lớn tuổi hoặc người có chức vụ cao hơn mình".

Thời Covid-19, phong bao lì xì đỏ thắm đổi thành ting ting - 4
Theo Cao Minh, việc chuyển khoản không phù hợp người lớn tuổi và có chức vụ cao hơn.

Thay vì chuyển khoản, Bảo Ly gợi ý việc gửi thiệp hoặc quà qua đường bưu điện hay gọi điện qua mạng . Tuy nhiên, bạn cũng nhận thấy được hạn chế của các phương thức này như trễ hàng, gửi không đúng dịp hoặc không có thời gian rảnh.

Sau khi cân nhắc các mặt lợi hại, cả bốn bạn trẻ đều cho rằng chuyển khoản là phương thức nhanh chóng, hiệu quả và tiện lợi trong thời điểm này mà ý nghĩa lời chúc vẫn được giữ nguyên.

Ảnh: NVCC