Thiếu nữ mê Chiêng

(Dân trí) - Tiếng chiêng của người Chu Ru không ầm ào như thác, mưa nguồn mà gần như là lời tâm sự, lời nhắn gửi của cha ông, của những người đi trước dành cho cháu con, phải biết thương yêu, đùm bọc, lo làm lụng, chăm sóc rẫy vườn để không thiếu cái ăn, cái mặc.

Các em còn rất trẻ, ngày hai buổi đến trường, thích thời trang và vẫn yêu giai điệu của Pop, Rock, R&B ... nhưng cũng đã biết lắng nghe tiếng nguồn cội, thích được tấu lên nhịp chiêng mang lời trầm hùng của cha, khát khao trong vòng xoang mang dịu dàng lời mẹ mỗi khi buôn làng vào hội.

Ka Thợp đã thực sự cảm nhận được tiếng chiêng của người Mạ mình từ bốn năm về trước. Khi biết yêu cái âm thanh kỳ diệu ấy cũng là lúc em xin tham gia vào đội văn nghệ cồng chiêng của xã.
Nụ cười rạng rỡ núi rừng của Touneh Matina.
Nụ cười rạng rỡ núi rừng của Touneh Matina.

Từ những ngày chập chững, đánh tiếng chiêng ngập ngừng, ngại ngùng, gượng gạo múa những nhịp xoang, chừng ấy thời gian mỗi khi không vướng bận chuyện học hành em đều tham gia hoạt động với đội cồng chiêng của xã Đạm B'ri (Bảo Lộc). "Em muốn được biết hết những giai điệu chiêng của đồng bào mình, để cùng góp sức với những ngươi già trong buôn, trong xã cùng gìn giữ tài sản quý báu đó.

Tiếng chiêng ngày càng mai một, càng thưa tiếng thì chính thế hệ trẻ như tụi em càng phải có trách nhiệm bởi mất đi tiếng chiêng, mất đi những giai điệu cổ gần như người Mạ và các dân tộc khác ở Tây Nguyên sẽ mất đi "tiếng nói" của mình".

Đến giờ khi đã là sinh viên năm nhất của trường CĐSP Đà Lạt, mỗi dịp cuối tuần, lễ tết ... em vẫn hay về nhà để cùng tham gia biểu diễn với đội văn nghệ tại Khu du lịch thác Đạm B'ri.

Như em nói để có thêm một khoản nhỏ lấy tiền ăn học, đỡ nặng nhọc giúp cha mẹ, hơn thế còn là dịp để em học hỏi, trau dồi thêm kiến thức về những nhịp thức chiêng, điệu múa cổ mà em còn chưa biết.
Ka Thợp cô gái người Mạ mê tiếng chiêng của dân tộc mình.
Ka Thợp cô gái người Mạ mê tiếng chiêng của dân tộc mình.
 
Touneh Matina múa Aria đẹp mê hồn, trông cô bé người Chu Ru này múa điệu múa cổ ấy, hẳn khiến nhiều người liên tưởng đến dáng phiêu linh, huyền hoặc của những bức tượng nữ thần được chạm khắc trên trên tường tháp cổ.
 
Tạo hóa dường như đã dành cho Matina một đặc ân, điều mà không dễ ai cũng có được. Em đánh chiêng giỏi, múa đẹp như những người già trong buôn dù mới chỉ tập múa, tập chiêng hơn 3 năm trước.

Em chia sẻ: “Càng tập, càng nghe mới thấy những điều kỳ diệu trong đó, mê đến mức không thể. Tiếng chiêng của người Chu Ru không ầm ào như thác lũ, mưa nguồn mà gần như là lời tâm sự, lời nhắn gửi của cha ông, của những người đi trước dành cho cháu con, phải biết thương yêu, đùm bọc, lo làm lụng, chăm sóc rẫy vườn để không thiếu cái ăn, cái mặc”.

Tôi không hiểu rõ lắm về ngôn ngữ của múa, của chiêng nhưng xem hình dáng của Touneh Matina trong mỗi điệu múa, của mỗi lần tấu chiêng tôi hiểu, tất cả đều muốn hướng về những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

Và với cả Ka Thợp hay Matina những cô gái trẻ của người Châu Mạ, người Chu Ru, tôi tin nhịp cồng chiêng trên mảnh đất này sẽ không bao giờ cạn tiếng.

Linh Đan - Nguyễn Duy