Thiếu gia tỉnh lẻ và con đường hoàn lương
Đã là giới dân chơi không thể không biết đến bar, vũ trường. Ở các tỉnh lẻ như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… bây giờ đâu có thiếu bar, nhưng cái thú muốn tìm cảm giác mới lạ đã đẩy đưa các thiếu gia lên Hà Thành.
Đ. - cậu quí tử của một gia đình giàu có chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quí ở Bắc Ninh có một thời gian đã nổi đình nổi đám trong giới dân chơi tỉnh lẻ trên đất Hà Thành. Đ. được học hành tử tế, ít ai nghĩ rằng Đ vướng vào chuyện ăn chơi và thú đi xuyên đêm ở các vũ trường.
Đ có một thú đam mê mãnh liệt là rượu ngoại, thuốc lắc và gái. Đ kể, từ hồi còn học cấp 3, Đ đã theo chân các bậc đàn anh bước vào thế giới sôi động, cuồng nhiệt của vũ trường. Khi biết Đ hay đi vũ trường thì gia đình cấm bặt Đ giao du với những đàn anh trong nhóm và không cho Đ bước chân vào những chốn ấy.
Là cậu quí tử trong nhà nên được cưng chiều hết mực, Đ biết nếu mình mà “rắn mặt” thì bố mẹ phải chiều theo ý cậu ngay lập tức. Một lần, Đ dọa sẽ tự vẫn nếu gia đình vẫn giam chân cậu trong nhà. Sợ Đ túng quẫn và làm liều, bố mẹ đành “tháo cũi” cho cậu “sổ lồng”, chỉ biết khuyên con đừng sa chân vào nơi ấy.
Sau lần đó “ngựa quen đường cũ”, đêm nào Đ cũng nghe theo tiếng còi xe hú gọi của bạn bè… vụt đi và mất dạng trong các quán bar trong thành phố. Được “thả tự do”, Đ chơi ngày càng bạo hơn, có hôm 2,3 giờ sáng mới về.
Chưa học hết lớp 12 Đ đã tự ý bỏ học vì sa đọa vào lối sống ăn chơi lêu lổng. Chơi mãi cũng chán cái cảnh “gà què ăn quẩn cối xay”, hội của Đ bắt đầu “bay” lên Hà Nội để nếm trải cảm giác mới. Để khẳng định đẳng cấp của một thiếu gia thực thụ, Đ về nhà nằng nặc đòi mua Camry để tiện phục vụ cho những cuộc dạo chơi thâu đêm suốt sáng từ Bắc Ninh lên Hà Nội.
Những cuộc chơi thâu đêm trong vũ trường Đ được “lão gia” chu cấp cho đầy đủ. Đ đòi là cho ngay, không thì Đ phật ý, lỡ làm liều sinh chuyện thì “lão gia” nguy to! Mẹ Đ không khỏi lo cho cậu con trai “quí tử” của mình:
“Tiền thì gia đình không thiếu, nó đi bar thì được nhưng chỉ sợ nó dính vào thuốc lắc, ma túy rồi nghiện ngập thì chết”. Mới 20 tuổi nhưng Đ đã lần lượt bước chân vào hầu hết các quán bar có tiếng ở Hà Nội. Các loại rượu mạnh như X.O, Chivas… được Đ khá ưa chuộng. Không đêm nào cậu ta không nốc hết ít nhất hai chai và sài thuốc lắc điên cuồng trong các sàn nhảy.
Kết thúc cuộc chơi bao giờ Đ cũng “overnight” với đôi em xinh như mộng được tuyển chọn ở các nhà hàng, quán nhậu. Đ thuê cả ba phòng ở khách sạn cho mỗi em “ngự” ở mỗi phòng và lần lượt “chia sẻ” với từng em một…
Đ chơi sang đến đâu gia đình cũng có đủ tiền chu cấp, chỉ cần cậu ta không sa vào nghiện ngập, hút chích. Chuyện lỡ mà để lộ thì những cuộc ăn chơi trác táng của Đ như chấm dứt ở đó. Bất ngờ, một lần mẹ Đ lên phòng thấy Đ đang quằn quại, vật vã trong cơn nghiện.
Bàng hoàng trước sự thật phũ phàng về cậu quí tử nhưng mẹ Đ cũng chẳng dám nói với “lão gia”, bởi “lão gia” biết sẽ tống Đ ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Sau lần ấy, mẹ cậu dấm dúi đưa tiền cho thiếu gia hút, sợ thiếu gia lên cơn nghiện không có thuốc lỡ lộ chuyện thì chết! Rượu, gái, “ke”…- những cuộc chơi quá cỡ của Đ nên bao nhiêu tiền cũng không đủ.
Cuối cùng, chuyện thiếu gia nghiện ngập cũng không qua mặt được “lão gia”. Nuông chiều con và kết cục đã thấy, “lão gia” kiên quyết tống cậu con trai quí tử của mình vào trại cai nghiện với hi vọng mong manh Đ sẽ thức tỉnh và làm lại cuộc đời.
Mới đây, đi xét nghiệm HIV, Đ phát hiện mình đã bị nhiễm bệnh. Nghiện ngập, bệnh tật… đám dân chơi kết nghĩa “huynh đệ” với Đ ngày xưa xa lánh, chỉ có bố mẹ Đ vẫn thường xuyên hỏi han săn sóc. Những ngày trong trại cai nghiện, Đ đã hối hận nhưng tất cả đã muộn màng…
Tôi cũng có quen với T, một thanh niên mới 19 tuổi quê ở Vĩnh Phúc. Về chữ nghĩa, T thuộc diện mù chữ nhưng các ngón đòn ăn chơi học được sau bao năm “đèn sách” đi theo các bậc đàn anh ở Vĩnh Yên, Phúc Yên thì cũng không phải là ít. T lên phố thị mưu sinh từ lúc còn 15 tuổi, làm chân bồi bàn cho các quán nhậu, quán café… Không được ăn học tử tế, T nhanh chóng học đòi thói ăn chơi lêu lổng và được kết nạp vào các hội nhóm ở đây.
Mới đầu, T chỉ đi theo các “huynh” vào quán bar, vũ trường nhưng dần dần các sàn ở đó được T coi như là nhà. Liều lĩnh, chịu chơi có tinh thần “xả thân” vì “huynh đệ”, T được các bậc đàn anh tin dùng làm tay sai cho các quán bar, karaoke ở đây; khi cần T trở thành một tay chuyên đâm thuê chém mướn. T vô tư kể cho tôi nghe về những vụ đâm chém như những kì tích mà cậu ta lập được. Vén cánh tay áo, T chỉ cho tôi xem vết sẹo dài trên cánh tay chạm trổ đầy những hình xăm quái đản.
Một lần, T cùng hội của mình đánh tàn tật một bà mẹ chồng qua lời yêu cầu của cô con dâu nhiều tiền “hiếu thảo”, nhưng không may bị công an phát hiện, điều tra, bắt giữ… Con đường tù tội đối với những tay chơi nửa quê, nửa tỉnh như T là một điều tất yếu.
T không nhớ nổi mình đã bao lần “vào tù ra tội” khi tuổi đời mới mười chín đôi mươi. Mới đây, T lại phải vào tù khi cùng nhóm côn đồ hành hung hai thanh niên dưới chân cầu vượt ở Vĩnh Yên. Tôi xa xót khi nghĩ về con đường hoàn lương trong T còn xa ngái…
Là thiếu gia tỉnh lẻ, là quí tử, công tử “phố huyện”… hay là gì đi chăng nữa, một khi sa vào con đường ăn chơi sa đọa, những cuộc vui trác táng thì nhanh chóng hết thời. Rượu, gái gọi, lồ đề, thuốc lắc, ma túy… cuốn họ vào những con đường lạc lối. Hồi kết sau những cuộc chơi ấy dường như đã được định sẵn.
Đó là một kết cục như nhau: nợ nần, bệnh tật, hay bi kịch hơn là bước vào vòng tù tội. Âu đó cũng là một hồi chuông cảnh báo cho những tay chơi, nhất là những thiếu gia tỉnh lẻ nửa quê, nửa tỉnh sống buông thả thích thể hiện mình hãy kịp dừng lại trước khi còn chưa quá muộn….
Theo Nguyễn Anh Tuấn
Vietnamnet