Thế hệ thanh niên Trung Quốc từ chối kết hôn, bất chấp bị cha mẹ ép buộc

PV

(Dân trí) - Dù bị cha mẹ và chính quyền gây áp lực về việc kết hôn, sinh con, ngày càng có nhiều người trẻ xứ tỷ dân nhận thức rõ về điều bản thân mong muốn, không ép mình phải lập gia đình.

Gần đến Tết, những người lớn tuổi trong nhiều gia đình ở Trung Quốc lại sốt ruột, liên tục thúc giục con cháu mình phải kết hôn. Thế nhưng, giới trẻ không muốn như vậy.

Không còn là lựa chọn duy nhất

Jian Wen (33 tuổi) - nhân viên một công ty ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - vừa từ chối thêm một buổi mai mối do bố mẹ sắp xếp. Trong vài năm qua, anh được yêu cầu tham gia hơn 10 buổi hẹn hò như vậy nhưng vẫn còn độc thân.

Jian ngày càng phản đối sự ép buộc của phụ huynh đối với chuyện hôn nhân của mình.

"Thật khó để gặp được người phù hợp. Tôi không muốn lấy bừa ai đó cho xong chuyện", anh chia sẻ với Lianhe Zaobao.

Jian cho biết, hôn nhân không phải lựa chọn cần thiết trong kế hoạch cuộc sống của mình vào lúc này. So với độc thân, chàng trai lo lắng hơn về việc bị mắc kẹt trong một mối quan hệ không tốt đẹp.

Thế hệ thanh niên Trung Quốc từ chối kết hôn, bất chấp bị cha mẹ ép buộc - 1

Một cặp đôi tạo dáng với giấy đăng ký kết hôn trong buổi chụp ảnh ở Bắc Kinh (Trung Quốc) tháng 12/2023 (Ảnh: Reuters).

Huang (quê ở thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) hiện sống một mình ở Thượng Hải. Dù khao khát được hỗ trợ về tinh thần và tình cảm, cô cho rằng, hôn nhân có nghĩa là hai người cùng đi trên một chặng đường dài. Vì vậy, cả hai bên phải rất tận tâm trước khi quyết định gắn bó lâu dài.

Là luật sư, Huang từng xử lý nhiều vụ ly hôn và chứng kiến những người phụ nữ đau buồn sau khi gia đình tan vỡ. Nhưng điều này không khiến cô có ác cảm đối với hôn nhân.

Niềm tin của Huang về hôn nhân thể hiện thái độ, suy nghĩ của một bộ phận phụ nữ độc lập trong thời đại này: Lý trí và độc lập, có quyền lựa chọn và không còn coi hôn nhân là lựa chọn duy nhất. 

Trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Xiaohongshu và Douyin, nhiều blogger tự nhận mình là "trao quyền cho phụ nữ", "sống tự do", "không kết hôn hay sinh con"... Họ chia sẻ quan điểm về hôn nhân và cuộc sống độc thân, nói rằng mình đang sống thoải mái và tự do.

Trì hoãn hôn nhân 

Ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc lựa chọn trì hoãn hoặc từ bỏ hôn nhân. Thống kê của Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố vào tháng 6/2023 cho thấy, trong năm 2022, tổng cộng có 6,83 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2022, giảm so với mức 7,63 triệu vào năm 2021, mức thấp kỷ lục kể từ năm 1986.

Ye Guoqing - làm nghề mai mối ở thành phố Quảng Châu - cho biết, lực lượng chính của thị trường hôn nhân hiện nay là thế hệ 8X và 9X. Họ có trình độ học vấn cao, độc lập về tài chính, biết mình muốn gì ở người bạn đời và hiểu rõ về hôn nhân. 

Ye nói rằng, hôn nhân không còn cần thiết đối với nhiều thanh niên và họ thà sống độc thân nếu không tìm được người đáp ứng được mọi nhu cầu.

Thế hệ thanh niên Trung Quốc từ chối kết hôn, bất chấp bị cha mẹ ép buộc - 2

Một cặp đôi tổ chức đám cưới truyền thống tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh: CNS).

Zhou Xiaopu - giáo sư Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc - cho biết, những năm 1980 có thể được coi là bước ngoặt khi có sự thay đổi rõ rệt trong quan niệm hôn nhân hiện đại ở Trung Quốc.

Bà chỉ ra rằng, có rất nhiều lý do kết hợp lại để một thế hệ thay đổi suy nghĩ về hôn nhân, bao gồm điều kiện kinh tế, môi trường xã hội, giá trị và giáo dục văn hóa.

Giáo sư Zhou cho rằng, nhiều thanh niên phải đối mặt với áp lực nặng nề ở nơi làm việc, không có thời gian giao lưu, kết bạn, nghĩ rằng mình gần như không thể tự chăm sóc bản thân. Mặt khác, giá bất động sản cao ở các thành phố, chi phí nuôi dạy con rất lớn và sự cạnh tranh gay gắt trong giáo dục đều ảnh hưởng đến sự sẵn lòng kết hôn, sinh con của người trẻ.

Kỳ vọng cao của người trẻ đối với bạn đời là nguyên nhân khác khiến thanh niên xứ tỷ dân khó kết hôn hơn. Họ cũng trở nên lý trí và tính toán hơn sau 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19.

Thế hệ thanh niên Trung Quốc từ chối kết hôn, bất chấp bị cha mẹ ép buộc - 3

Một cặp đôi tạo dáng chụp ảnh cưới dưới tuyết bên cạnh hào bao quanh Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: AFP).

Theo một báo cáo khảo sát về cách người Trung Quốc nhìn nhận hôn nhân và các mối quan hệ do nền tảng hẹn hò Jiayuan công bố vào đầu năm 2023, hơn 95% thanh niên độc thân có kỳ vọng và mục tiêu đối với bạn đời tiềm năng của mình. Điều này được cho là sẽ khiến giới trẻ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời lý tưởng.

Hơn nữa, tỷ lệ ly hôn tiếp tục tăng ảnh hưởng đến sự sẵn sàng kết hôn của các cá nhân.

Ye - người có 8 năm kinh nghiệm mai mối - chỉ ra rằng, những người trong độ tuổi kết hôn đã thay đổi quan điểm về hôn nhân, đặc biệt là sau đại dịch. Ngày càng có nhiều người trẻ không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân và hướng tới cuộc sống tự do.

Với sự suy giảm về hôn nhân và tỷ lệ sinh, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang thử nghiệm các cách để hỗ trợ tìm bạn đời phù hợp, xây dựng nền tảng hẹn hò kết hôn giúp giới trẻ khắc phục vấn đề này.  

Thế hệ thanh niên Trung Quốc từ chối kết hôn, bất chấp bị cha mẹ ép buộc - 4

Một cặp đôi chụp ảnh ở Thượng Hải tháng 12/2023 (Ảnh: AFP).

Ví dụ, Quảng Tây đã đưa vấn đề kết hôn của thanh niên vào kế hoạch phát triển thanh niên trung và dài hạn vào năm 2019. Chính quyền tỉnh đưa ra các hoạt động để thanh niên kết bạn, thậm chí là đám cưới tập thể... cũng như hỗ trợ xây dựng nền tảng hẹn hò trực tuyến.

Giáo sư Zhou Xiaopu cảm thấy rằng, về cơ bản, chỉ thông qua việc giải quyết các vấn đề của thanh niên và giảm bớt gánh nặng vật chất, tâm lý đối với hôn nhân và sinh con, chính quyền mới có thể nâng cao ý muốn cũng như truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân.

Hoài An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm