Thế hệ Linglei và những mâu thuẫn đan xen

Nhiều người trẻ Trung Quốc đang chứng tỏ mình thật khác người, thật nổi bật. Thế hệ trẻ ấy mạnh mẽ đến nỗi, từ năm 2004 người ta có hẳn một mục trong từ điển để gọi: "Thế hệ linglei".

Và càng ngày "thế hệ linglei" càng trở nên phổ biến ở mọi ngõ ngách trên khắp thế giới. Năm 2006 được coi là năm bùng nổ của "thế hệ" này.

Linglei - thế hệ của những cái tôi riêng lẻ

Tóc dài, nhuộm đỏ rực, cánh tay điểm một vài vết xăm, vận một cái áo phông in hình Che Guevara, Song Jiahe khá nổi bật giữa đám đông trên con phố Huaihai Lu - và đó cũng chính là những gì mà cậu ta thích. Cậu ta muốn khác biệt với những người bình thường.

Khuôn mặt rầu rĩ, cậu ta có vẻ chẳng thiết nói chuyện với ai. Đôi lúc thấy cậu ta liến thoắng gì đó, hoá ra toàn những từ ngữ liên quan đến nhạc rap, hip-hop, skateboard... Ngoài ra thì tịnh không thấy nói năng gì, tay khoanh trước ngực, mắt lộ rõ vẻ không quan tâm đến tình hình thế giới.

Sinh năm 1983, anh chàng vừa tốt nghiệp đại học này là một thành viên của thế hệ 8X, sinh ra trong thời kỳ Trung Quốc mở cửa với thế giới và thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 con.

Những thanh niên thế hệ 8X đang dần trở thành một bộ phận xã hội quan trọng của Trung Quốc. Họ còn được gọi là thế hệ điện tử (e-generation), thế hệ mới, thế hệ sành điệu.

"Giới trẻ bây giờ khao khát mạnh mẽ được thể hiện mình, được công nhận. Chính vì thế, họ cố tình ăn mặc và nói năng khác thường" - Wang Weihai, tiến sĩ xã hội học trường Đại học Phúc Đán, nói.

Tuy vậy, thế hệ 8X cũng là những người được coi là ít trách nhiệm, ích kỷ, luôn coi mình là cái rốn của vũ trụ, hay thất vọng, chán chường với cuộc sống. Chính vì thế, bi kịch xảy ra khi họ bắt đầu bước chân vào thế giới việc làm.

"Bây giờ cậu làm ở đâu rồi?" là câu hỏi những người trẻ 8X thường hỏi nhau, tựa như một câu cửa miệng người Việt Nam hay hỏi: "Đi đâu đấy?"

Điều tra của tờ China Youth Daily cho thấy, hơn 60% những người trẻ 8X thừa nhận họ làm việc chủ yếu để thoả mãn cái tôi, để được xã hội công nhận. Chỉ có 15,6% bày tỏ sự quan tâm tới sự phát triển của đất nước.

Thế nhưng, linglei không phải chỉ có thế.

Linglei - Những người dám sống!

Thế hệ Linglei và những mâu thuẫn đan xen - 1

Lựa con đường riêng, không chịu bị bó buộc vào cuộc sống thông thường với việc vào đại học, kiếm một chỗ làm ổn định, lập gia đình... nhiều người trẻ đã tự mình lập công ty, viết sách, tự thiết kế quần áo, tự làm nhạc, tự do yêu đương...

Họ tự mình lập ra một hướng đi, một cách sống mới mà nhiều người tiêu cực cho là "phản văn hoá". "Ở Trung Quốc bây giờ, có rất nhiều cách để thành công, chẳng có lý do gì để cứ đi mãi một con đường bình thường, nhàm chán khi mà có quá nhiều cách khác nhau để thực hiện một điều gì đó".

Tác giả của "tuyên ngôn" sống này là Han Han, kẻ 17 tuổi đã bỏ học, viết nên cuốn tiểu thuyết Con đường thứ ba từng làm mưa làm gió văn đàn Trung Quốc năm 1999, 2000.

Với số tiền khổng lồ từ việc bán sách, Han đã đầu tư cho thú đam mê ô tô của mình với sản phẩm đáng kể nhất là chiếc Mitsubishi giá 50.000 USD. "Tôi lựa chọn làm việc mình thích, đi tới nơi tôi muốn đi. Không ai có thể dạy tôi phải làm gì" là phương châm sống của Han.

Không mang chủ nghĩa cá nhân như Han Han, anh chàng trông khá ngầu Li Yang - Thành viên ban nhạc rock Defect - có phương châm sáng tác rất đặc biệt.

Các bài hát của anh đều về lòng yêu nước, bởi theo anh "nếu không tôn trọng đất nước chúng tôi, làm sao mọi người tôn trọng con người Trung Quốc?.  Nhiều nhóm nhạc phương Tây căm ghét đất nước của họ đến nỗi họ treo ngược cờ tổ quốc trên sân khấu. Chúng tôi không bao giờ làm thế vì chúng tôi yêu đất nước mình".

Li Yang nói vậy bằng giọng đầy tự hào. Anh đã từng sáng tác một bài hát phản đối vụ sách giáo khoa Nhật Bản đưa ra những thông tin lịch sử sai lệch về Trung Quốc.

Xuân Thụ - Nữ nhà văn trẻ măng từng gây xôn xao dư luận với Búp bê Bắc Kinh - giờ đây cũng đã nhận ra rằng mình cần nhiều hơn là những tấm séc từ nhà xuất bản hay một loại nước hoa Calvin Klein mới...

Chính vì thế, cô đã quyết định về sống trong căn nhà êm đềm của bố mẹ. Dù vậy, điều cô luôn tâm đắc vẫn là: "Dù sao thì chúng ta cũng nên luôn thử thách bản thân. Nếu không, chúng ta sẽ mất đi khả năng suy nghĩ và sáng tạo".

Theo Sinh Viên Việt Nam