Thay vì tốn tiền mua đồ mới, giới trẻ thời nay thích "săn si"

PV

(Dân trí) - Đồ hàng thùng đang trở thành lựa chọn ưa thích mới của giới trẻ những năm gần đây.

Thời gian gần đây, xu hướng retro, grunge, gothic và Y2K (thẩm mỹ những năm 2000) đang được ưa chuộng. Tuy nhiên, các thương hiệu trong nước hay thời trang nhanh không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu "bắt trend" (bắt kịp xu hướng) của người tiêu dùng.

Vì thế, giới trẻ, đặc biệt là Gen Z (những người sinh năm 1997-2012), bắt đầu tìm kiếm lựa chọn tốt hơn. Đó là quần áo second-hand (đồ cũ đã qua sử dụng). Họ cho rằng, những món đồ này có mẫu mã đẹp, độc và giá thành hợp lý.

Thay vì tốn tiền mua đồ mới, giới trẻ thời nay thích săn si - 1

Những cửa hàng bán đồ si dần trở thành nơi quen thuộc của "dân sành" thời trang, đặc biệt là ở TPHCM (Ảnh: Thanh Mai).

Trên thế giới, nhiều người trẻ đang ủng hộ phong trào "tẩy chay" thời trang nhanh nhằm giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường. Họ cũng nhận thức được tác hại nặng nề của ngành công nghiệp này.

Mong muốn trở thành người tiêu dùng "xanh"

N.V.B. (SN 2003, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Là người quan tâm đến vấn đề môi trường, tôi thường mua các quần áo đã qua sử dụng. Nếu thấy món đồ còn dùng được tốt, phù hợp với phong cách của mình, tôi chắc chắn sẽ mua".

Thay vì tốn tiền mua đồ mới, giới trẻ thời nay thích săn si - 2

Mua đồ si trở thành xu hướng của giới trẻ bởi tính hợp thời, chất lượng ổn và giá thành rẻ (Ảnh: Thanh Mai).

Trong khi đó, một số bạn trẻ lựa chọn mua đồ cũ vì muốn sở hữu những thiết kế tương tự người nổi tiếng diện. Thông thường, trang phục của ngôi sao đến từ các thương hiệu lớn, có giá trị cao. Do đó, việc mua đồ đã qua sử dụng được xem là hình thức chi tiền hợp lý hơn với nhiều bạn trẻ.

P. T. V. (SN 2000, Hà Nội) chia sẻ: "Giá thành của các thương hiệu thời trang nhanh còn khá đắt so với mức thu nhập của sinh viên và nhiều nhân công lao động khác. Trong khi đó, thương hiệu trong nước bán đồ đại trà, đi đâu cũng thấy nhiều người mặc "đụng hàng".

Nhiều thương hiệu còn bị tố đạo nhái, lấy ý tưởng từ các nhãn hiệu nước ngoài. Vì muốn không bị đụng hàng, sở hữu món đồ vừa đẹp, vừa chất và góp phần bảo vệ môi trường, tôi chọn mua đồ cũ đã qua sử dụng".

Thay vì tốn tiền mua đồ mới, giới trẻ thời nay thích săn si - 3

Rapper Low G cũng theo xu hướng "săn si" (Ảnh: @vintage.stadium).

Không ít bạn trẻ thường chọn đến những khu chợ chuyên bán đồ si với mong muốn tìm sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng. Khi vào những cửa hàng thường được gọi là "đồ si tuyển", quần áo cũ có giá trị cao hơn, từ 300.000 đồng đến một triệu đồng.

Thay vào đó, khi vào các cửa hàng, người trẻ bớt bị "hoa mắt" hơn vì đồ đã được chọn lọc, đảm bảo chất lượng. Thậm chí, họ tìm được thiết kế đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Ralph Lauren, Burberry, Givenchy...

Thay vì tốn tiền mua đồ mới, giới trẻ thời nay thích săn si - 4

Lisa có mặt tại một cửa hàng bán đồ cũ ở Paris, Pháp (Ảnh: @lalalalisa_m).

Năm ngoái, Lisa - thành viên nhóm Blackpink - khiến cộng đồng mạng bất ngờ khi chụp ảnh tại một cửa hàng bán đồ cũ tại Pháp. Cô còn chụp ảnh với chiếc áo được in hình và tên của mình ở cửa hàng này.

Trước đó, em út nhóm Blackpink từng chia sẻ, bản thân có niềm đam mê với những món đồ cổ điển trong bộ phim tài liệu. Thậm chí, trong phim có phân cảnh cô chi hơn một triệu won (hơn 18 triệu đồng) để mua chiếc áo cũ có tuổi đời khoảng 20 năm.

Sở thích "săn si" của Lisa đã truyền cảm hứng đến giới trẻ. Nhiều người hiện không còn "ngại" khi mặc lại đồ cũ.

Thời trang nhanh - ngành công nghiệp ô nhiễm nhất nhì thế giới

Sản xuất ồ ạt với mục đích bắt kịp xu hướng là đặc trưng của ngành thời trang nhanh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến môi trường ngày càng ô nhiễm.

Thay vì tốn tiền mua đồ mới, giới trẻ thời nay thích săn si - 5

Người mua có thể dễ dàng tìm được các mẫu thiết kế phổ biến và giá cả được xem là "hợp túi tiền" trong cửa hàng thời trang nhanh (Ảnh: Getty).

Theo trang Seamless Source, cotton (bông) là một trong những nguyên liệu được sử dụng rộng rãi, thường xuyên nhất. Sản xuất cotton đòi hỏi lượng lớn nước, phân bón và thuốc trừ sâu.

"Cần 20.000l nước để sản xuất 1kg bông. Trong khi đó, mỗi ngày, con người cần nạp ít nhất 2l nước. Như vậy, 1kg bông sử dụng cho sản xuất quần áo tương đương với lượng nước con người cần nạp trong xấp xỉ 27 năm", theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên.

Thay vì tốn tiền mua đồ mới, giới trẻ thời nay thích săn si - 6
Chiến dịch Thu - Đông 2018 của Stella McCartney được chụp tại bãi rác thải thời trang (Ảnh: Harley Weir).

Hơn nữa, chất liệu thường được sử dụng trong nền công nghiệp may mặc như PE (polyester), spandex, simili (chất giả da), nylon… đều có hại đến môi trường.

Khi hoàn thiện, sản phẩm thường được đưa đến nhiều nơi bằng tàu, xe tải… Điều này khiến khí quyển phải "hứng chịu" lượng khí thải carbon khổng lồ.

Hàng năm, hơn 70 triệu thùng dầu được sử dụng chỉ để sản xuất polyester. Polyester phân hủy thành các hạt vi nhựa. Những hạt này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.

Hiểu được sức tàn phá môi trường của thời trang nhanh là lý do khiến nhiều người trẻ chọn mua đồ si. Họ mong rằng, hành động nhỏ của mình có thể góp phần bảo vệ Trái Đất xanh, sạch, đẹp.

Thanh Mai