Thầy Khắc Hiếu tung clip bóc mẽ những kẻ chuyên lừa đảo SV

(Dân trí) - Ngoài việc đề phòng kẻ cắp, sinh viên còn phải cảnh giác với những kẻ lừa đảo trên mạng, ngoài đường, trong nhà trọ...

Sê-ri clip Tháo gỡ chuyện khó đỡ của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu từ khi ra đời đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới trẻ cả nước. Đây là loạt clip mang tính giáo dục, tư vấn, cảnh báo và chia sẻ cảm xúc của một người thầy tâm huyết.

Loạt clip của thầy Hiếu đã đề cập tới nhiều vấn đề về tình yêu, giới tính, các kiến thức cần thiết trong cuộc sống...

Và mới đây nhất, thầy Khắc Hiếu và ê-kíp lại cho ra đời clip mới, tố cáo những kẻ chuyên lừa đảo, móc túi sinh viên. Qua những câu chuyện sống động trong clip, các bạn trẻ sẽ thấy được chân dung của 7 loại lừa đảo phổ biến:

SV cần cẩn thận với những kẻ lừa đảo quyên góp nhân đạo

SV cần cẩn thận với những kẻ lừa đảo quyên góp nhân đạo

Loại thứ nhất lợi dụng tấm lòng hảo tâm để lừa đảo. Kẻ giả mạo cơ sở từ thiện ép mua tăm tre, bán bút bi từ thiện, quyên góp nhân đạo... để móc túi sinh viên.

Loại thứ hai là xe ôm lừa đảo. Ban đầu kẻ này ngon ngọt "Lên chú chở, cho nhiêu cho". Cuối cùng “chém” với giá trên trời, nếu không cũng đi lòng vòng vẽ vời để moi túi sinh viên.

Trường hợp sinh viên bị chủ nhà trọ lừa đảo được miêu tả cụ thể bằng câu chuyện bà chủ tốt bụng cho thuê giá rẻ, yêu cầu sinh viên đặt cọc trước hai tháng. Nhưng tới cuối tháng bà chủ phụ thu điện, nước giá trên trời, tăng tiền nhà liên tục. Lúc này sinh viên mới vỡ lẽ.

Bà chủ nhà tốt bụng thực chất lại là chuyên gia chặt chém

Bà chủ nhà tốt bụng thực chất lại là chuyên gia "chặt chém"

Một loại lừa đảo khác đang rất phổ biến là lừa tình Facebook. Thủ phạm dùng nhan sắc làm quen trên mạng, tiếp theo là hẹn hò gặp gỡ bên ngoài. Những nam sinh “ngây thơ” dễ lọt vào bẫy và bị lấy cắp tài sản, xe máy, balô...

Loại lừa đảo nạp card điện thoại thường xuất hiện trên mạng. Thủ phạm giả Facebook, Yahoo Messenger người thân, người quen nhờ nạp card.

Không ít kẻ lừa đảogợi ý sinh viên đóng tiền môi giới nhà trọ với lời hứa “Anh chở đi tìm cho tới chừng nào em gặp được nhà ưng ý mới thôi" nhưng cuối cùng sinh viên lại “mất tiền toi” mà không tìm được nhà trọ ưng ý.

Loại lừa đảo cuối cùng dựa vào nhu cầu kiếm việc làm thêm của sinh viên. Các ông bà chủ tuyển sinh viên với những bản hợp đồng có điều khoản chi tiết khắt khe. Sinh viên vi phạm sẽ quỵt tiền lương của sinh viên.

Sau khi chỉ mặt, điểm tên 7 loại lừa đảo thông dụng mà sinh viên nên tránh, thầy Khắc Hiếu khuyên: “Các bạn sinh viên nhớ cẩn thận kẻo bị những kẻ cướp trên lừa đảo đồng tiền mồ hôi nước mắt của mẹ cha cho mình nhé. Chúc các em yên tâm học tốt”.

Mai Châm