Thầy Khắc Hiếu: “Tôi ân hận vì đã từng chê cơm mẹ nấu”

(Dân trí) - Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tâm sự: “Nhắc đến ngày 8 tháng 3, tôi luôn nghĩ đến mẹ đầu tiên. Có lẽ tôi không bao giờ quên được lỗi lầm của mình vào cái ngày hôm ấy, dù cách đây đã 14 năm…”

“…Lúc đó tôi 15 tuổi, đang học lớp 9, chẳng có khái niệm gì về ngày 8/3 cả. Buổi trưa đi học về, tôi ngồi vào bàn cơm và ăn trưa một mình (vì thường ở quê, mọi người ở nhà ăn cơm rất sớm).

 

Hôm ấy mẹ làm món cá kho lạt, do tôi lười hâm nóng lại nên mùi cá hơi tanh. Thế là tôi cằn nhằn và…bỏ cả tô cơm. Tôi vẫn còn nhớ nỗi buồn và thất vọng hiện lên trong mắt mẹ.

 

Tối hôm ấy, ngồi xem tivi, chương trình trên đài mới nói về ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và kêu gọi sự bình đẳng giới, kêu gọi sự cảm thông cho những gian lao vất vả, những việc không tên của người phụ nữ… Bất giác tôi nhận ra, ngoài việc mưu sinh cho gia đình, mẹ đã nuôi 4 anh chị em tôi khôn lớn, không hề để chúng tôi đói bữa nào. Vậy mà…

 

 
Thầy Khắc Hiếu: “Tôi ân hận vì đã từng chê cơm mẹ nấu”
Kỷ niệm buồn ngày 8/3 cách đây 14 năm đã được thầy Hiếu đưa vào bài giảng bằng ảnh mới nhất của mình.

 

Khi đã trưởng thành, nhớ lại hành động lúc ấy, nhớ lại ánh mắt buồn và thất vọng của mẹ, tôi vô cùng ân hận. Chúng ta hay chê cơm mẹ nấu không ngon, đồ ăn sao mặn quá, cá sao tanh quá… trong khi bản thân chưa nấu cho mẹ được một bữa ăn nào, trong khi bản thân chưa hề cảm ơn mẹ được một lần vì một bữa ăn ngon…

 

Tôi viết ra điều này để các bạn trẻ đừng giống tôi ngày ấy, bởi hình ảnh hôm đó vẫn ám ảnh mãi không dứt trong tôi. Kỷ niệm buồn đó cũng trở thành một trong những bức ảnh mà tôi thực hiện, trước nhất để tự răn mình, thứ nữa là để nhắc nhở các bạn trẻ đừng nông nổi như tôi ngày đó…

 

8/3 là ngày dành cho phụ nữ, quà tặng là tốt, nhưng phái nam cũng không nhất thiết phải quá cầu kỳ. Không nhất thiết phải là 99 đóa hồng hay chiếc nhẫn vàng, sợi dây chuyền bạch kim mới có thể làm cho người phụ nữ chúng ta yêu quý cảm thấy hạnh phúc.

 

Điều quan trọng nhất là làm điều mà đối phương cần, làm cho đối phương thấy ta thật sự yêu mến họ. Đôi khi chỉ là một bữa cơm do tự tay ta nấu, một món quà tự làm xinh xinh, một cuộc gọi điện thoại về quê chúc mừng nhân ngày lễ… cũng có thể sưởi ấm lòng ai đó.

8/3, ngày của mẹ, của cô, của chị, của bà, của người yêu và cả em gái nữa. Sẽ rất tốn kém nếu tặng nhau những món quà vật chất cho tất cả họ. Và có lẽ nếu thật sự yêu thương bạn, họ cũng chẳng cần đòi hỏi. Món quà quý nhất mà bạn có thể tặng, đó chính là sự chân thành”.

 

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu hiện là giảng viên tâm lý tại trường ĐH Sư Phạm Tp. HCM. Anh từng được báo chí nhắc đến và khen ngợi là “thầy giáo đẹp trai như ngôi sao Hàn”.

 

Trong các bài giảng tâm lý của mình, thầy Hiếu luôn cố gắng đan xen các yếu tố giáo dục và định hướng lối sống cho giới trẻ với phong cách nhẹ nhàng, trẻ trung giúp học sinh “dễ thấm” nhất. Trên trang Facebook cá nhân, anh cũng đã có hơn 160 nghìn lượt người yêu thích.

 

Chia sẻ này được anh gửi đến Dân Trí nhân dịp 8/3 và hy vọng nó sẽ là bài học giá trị dành cho nhiều bạn trẻ đang hờ hững với người mẹ luôn ngày đêm lo lắng, yêu thương mình.

 

Duy Tài (ghi)