Thầy giáo trẻ của những bộ môn "độc, lạ"
(Dân trí) - Cũng là giáo viên truyền đạt kiến thức cho học trò nhưng những thầy còn rất trẻ này lại “đặc biệt” hơn khi giảng dạy các bộ môn mới lạ, độc đáo ở Việt Nam: ảo thuật, chinh phục bạn gái, leo núi trong nhà.
Thầy giáo dạy ảo thuật tài năng Nguyễn Việt Hoàng (J)
Mới 22 tuổi, là thành viên trẻ tuổi nhất Hiệp hội ảo thuật IBM (Mỹ), J đã lựa chọn công việc giảng dạy để truyền nghề, truyền lửa cho những ai đam mê bộ môn này. Bạn chia sẻ: “Mình quan niệm giáo viên là người “lấy tâm làm gốc”.
Đến nay, bạn đã dạy ảo thuật được gần 3 năm. J cho biết làm giáo viên dạy ảo thuật vừa dễ, vừa khó. Nó luôn có những bí quyết rất đơn giản, học viên chỉ cần học 5 phút là thành thạo ngay.
Còn khó ở chỗ phải lựa chọn phương pháp phù hợp cho những học viên thiếu kiên trì và đam mê vì không phải học viên nào biểu diễn cũng hấp dẫn, tùy thuộc vào tố chất, lòng kiên trì, đam mê từng người và khả năng truyền đạt của người giảng dạy.
Trong quá trình dạy, bạn cho biết gặp phải mất nhiều thời gian cho những học viên có tâm lý coi thường bộ môn, làm tiết mục đơn giản thì lười biếng còn học tiết mục khó lại nản chí nên lúc biểu diễn khá luống cuống, vụng về.
Trong suốt 3 năm dạy ảo thuật, J có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn. “Nhưng kỷ niệm khiến mình vui và ấn tượng nhất khi một chú phụ huynh đưa học viên đến học, sau khi thấy mình dạy cho con hay quá thì liền đăng ký luôn để 2 bố con cùng học với nhau”, bạn bày tỏ.
Chia sẻ về ngày 20/11 hằng năm, J nói: “Trong ngày 20/11 những năm trước, học viên không tặng quà nhưng thầy trò rủ nhau đi ăn uống, rất là vui. Khoảng cách mọi người xích lại gần, thầy trò nhờ thế càng hiểu nhau nên hiệu quả học tập cũng như tính đoàn kết tốt hơn rất nhiều. Mình rất yêu công việc này nên sẽ gắn bó lâu dài, góp phần làm cho nền ảo thuật Việt Nam ngày một phát triển hơn”.
Nguyễn Thanh Minh - thầy giáo của lớp học online “Tán đổ cô nàng mình thích trong 30 ngày”
Minh là một thầy giáo 8X đã có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và khởi nghiệp công nghệ. Thầy cho biết, trong hơn 2 năm giảng dạy về giao tiếp được rất nhiều học viên nhờ tư vấn về tình huống khó xử liên quan đến gia đình hoặc tình cảm.
“Có nhiều bạn trai yêu rất thật lòng, một tình cảm rất đẹp và trong sáng nhưng lại thiếu tự tin và không biết cách bày tỏ tình cảm nên không đến được với người con gái mình yêu.
Bởi vậy mình đã sớm ấp ủ mong muốn tạo ra khóa học online về kỹ năng chinh phục “phái đẹp” (một cách thực tế, lành mạnh, và hiệu quả) nhằm giúp cho các bạn trai "có nhiều cơ hội hơn" để chinh phục được người con gái mà mình cảm mến thật lòng”, thầy Minh nói.
Trong tháng 5 vừa qua, nhân dịp tư vấn cho một học viên ở Đã Nẵng, thấy được hạn chế của sự truyền đạt qua mail, skye, Minh đã bắt tay quay bài giảng và ra mắt khóa học vào đầu tháng 9/2013.
Về khóa học cũng như hiệu quả giảng dạy, tư vấn của mình, thầy Minh cho rằng không có đáp án chung nào cho tất cả mọi trường hợp, đặc biệt là trong chuyện tình cảm. Thầy bày tỏ: “Mình không dám khẳng định rằng tất cả những nội dung và lời khuyên trong khóa học tuyệt đối chính xác và học viên phải làm như vậy. Mình luôn nhắc học viên nên linh hoạt trong việc áp dụng nội dung bài học.
Tình yêu cũng giống như kinh doanh, sẽ không có một một cuốn sách hay khóa học nào có thể giúp bạn thành công 100% được. Tuy nhiên sẽ luôn có những nguyên lý căn bản mà ai cũng có thể học được và chỉ cần nhuần nhuyễn nó thì cơ hội thành công của mình sẽ cao hơn nhiều”.
Niềm vui thường đến với thầy Minh khi nhìn thấy học viên tìm được "một nửa” của mình. “Bên cạnh đó còn là sự ý nghĩa khi mình góp phần bình thường hóa, lành mạnh hóa, phổ biến hóa những nội dung hữu ích nhưng thường bị xem là nhạy cảm, tế nhị, hoặc không lành mạnh ở Việt Nam.
Cụ thể là chủ đề "chinh phục phụ nữ", đặc biệt, khi nhắc đến từ “tán gái”, nhiều người còn nghĩ đến những mánh khóe, chiêu trò lừa gạt tình cảm người con gái”, thầy Minh nói.
Giáo viên dạy leo núi trong nhà Nguyễn Minh Tú (1992)
Từ một người lười thể thao, chỉ sau một buổi tập thử bộ môn leo núi, Tú đã quyết định gắn bó với nghề này lâu dài. Tú chia sẻ: “Mình thấy bộ môn này rất độc đáo và kì lạ, từ trước tới giờ chưa bao giờ thấy môn thể thao nào như vậy nên đã lập tức đăng kí học”.
Sau một thời gian học, càng ngày càng cảm thấy yêu thích và đam mê nên Tú đã quyết định trở thành một giáo viên dạy để có thể tham gia, tiếp xúc với nó nhiều hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, Tú đã dạy leo núi trong nhà được hơn 2 năm.
“Niềm vui của mình là cùng học viên chinh phục những tuyến đường khó, hay chứng kiến họ thử sức, vượt qua tuyến mới do Tú nghĩ ra. Nhìn thấy khuôn mặt cay cú khi chưa leo được và nét mặt rạng ngời sau khi leo thành công của các học trò, trong lòng mình cũng tràn ngập vui sướng”, Tú nói.
Điều ấn tượng Tú nhất chính là sau mỗi khóa học, học viên leo núi rất giỏi, thậm chí có những người còn hơn cả “thầy”. “Với Tú, đó chính là món quà tặng, nguồn động viên tinh thần lớn nhất để mình luôn cố gắng hết sức chỉ dạy và hướng dẫn cho các bạn”, Tú bày tỏ.
Hoàng Dung