Thay đổi cuộc đời từ những khó khăn

“Hồi còn ở quê, mình đâu có biết tiếng Anh quan trọng như thế nào. Lúc lên Sài Gòn học, thấy nhiều người nói tiếng Anh sao hay quá, còn mình thì chỉ mới gặp người nước ngoài đã đỏ mặt rồi. Vậy nên, mình quyết tâm phải nghe và nói được ngôn ngữ ấy”, Nguyễn Thị Hồng Phương (sinh năm 1994), cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM) chia sẻ về những tâm tư khiến cuộc đời cô bước sang trang mới.

Bốn tháng khổ luyện

Nhìn vẻ bề ngoài xinh đẹp và dịu dàng của Phương, ít ai nghĩ rằng cô nàng đến từ xứ dừa – Bến Tre có một tuổi thơ rất “dữ dội”.

Ngay từ khi còn rất bé, Phương đã thiếu thốn tình cảm của gia đình, vì cô không được sống gần cha mẹ. Lên 8 tuổi, Phương đã biết tự đi mót củi, bán ổi, bán bắp… để kiếm tiền phụ thêm cho ông bà ngoại.

Những khó khăn thuở thiếu thời không hề làm cho cô gái nhỏ bé ấy chùn bước, trái lại, chúng còn trở thành động lực vô hình giúp cô vượt lên mọi khó khăn để theo đuổi con đường học vấn.

Phương tự nhận mình là người cầu tiến đã sớm nhận ra điều kiện cần và quan trọng nhất cho tương lai sau này của mình.

“Đầu năm thứ nhất đại học, nghe người ta giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh mà mình thấy thèm. Mình cũng muốn nghe và nói được tiếng Anh trôi chảy giống như họ. Mà thời điểm đó, mình làm gì có tiền để đi học tiếng Anh.

Vậy là mình chọn cách tham gia vào các câu lạc bộ luyện nói tiếng Anh miễn phí ở các trung tâm Anh văn.

Rồi mình dần nhận thấy, mặc dù mỗi ngày mình đều cố gắng trau dồi và tự học nhưng vốn từ của mình không đủ để hình thành một câu hoàn chỉnh.

Sau đó, mình hạ quyết tâm trong vòng 4 tháng, nhất định phải nói được tiếng Anh và cách nhanh nhất chính là phải “cua” được một anh chàng người nước ngoài.

Mình dùng số tiền dành dụm đăng ký một khóa học tiếng Anh tại một trung tâm. Trong quá trình học, mình chủ động làm quen và kết bạn với một thầy giáo người nước ngoài dạy ở đó.

Mình chia sẻ thật với anh ấy rằng, mình rất muốn học tiếng Anh nhưng mình không có nhiều tiền, anh có thể dạy mình đổi lại mình sẽ làm hướng dẫn viên du lịch ở bất cứ nơi nào mà anh muốn tới hoặc dạy thêm tiếng Việt cho anh. Anh đã vui vẻ chấp nhận.

Thế là mỗi ngày mình đều luyện nói với anh, vốn từ vựng và khả năng nói tiếng Anh của mình tiến bộ nhanh chóng. Mình cũng dần nhận ra, mình rất thích tiếng Anh và thật sự có hứng thú với nó”.

Hồi đó, đi đâu Phương cũng di chuyển bằng xe buýt nên trong điện thoại thưởng “thủ” sẵn những “file” luyện nghe tiếng Anh.

“Lúc đầu, mình nghe chẳng hiểu gì hết nhưng riết rồi cũng quen, mình chuyển qua nghe những MC nước ngoài dẫn chương trình để tập theo phong thái và cách phát âm của họ.

Mỗi buổi tối thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, mình đều dành ra một ít thời gian để tham gia câu lạc bộ luyện tiếng Anh tại một quán cà phê phía sau nhà thờ Đức Bà.

Tại đây, có rất nhiều người nước ngoài hay lui tới, họ đến để trò chuyện với những sinh viên Việt Nam có nhu cầu học tiếng Anh như mình. Mặc dù tốn mấy chục nghìn đồng tiền nước nhưng đổi lại, mình biết thêm rất nhiều điều hay ho và mới lạ.

Ngoài ra, nhờ bạn bè giới thiệu, mình cũng làm quen được với nhiều người bạn ngoại quốc. Khi các bạn ấy trở về nước, mình vẫn giữ liên lạc với họ bằng cách “chat” hoặc gọi video mỗi ngày”, Phương nhớ lại.

Kết quả, sau 4 tháng liên tục rèn luyện, Phương đã tự tin chuyện trò bằng tiếng Anh với mọi người xung quanh.


Nguyễn Thị Hồng Phương (sinh năm 1994), cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM)

Nguyễn Thị Hồng Phương (sinh năm 1994), cựu sinh viên trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM)

Hiện tại, Phương vẫn đang tiếp tục trau dồi thêm để hướng tới việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai và cũng chuẩn bị cho chuyến du học sắp tới.

Khi được hỏi về những điều Phương có được nhờ tiếng Anh, cô thẳng thắn chia sẻ: “Tiếng Anh mang lại cho mình hai điều quan trọng là cơ hội và thu nhập. Về cơ hội, mình được đi nước ngoài, mở rộng tầm nhìn của bản thân.

Đó là khi mình đảm nhiệm vai trò trưởng dự án của một công ty du học, mình là người trực tiếp bay sang Philippines và Singapore để ký kết các hợp đồng về giáo dục với các đối tác.

Lúc này, mình không chỉ vận dụng tiếng Anh để thể hiện được quan điểm của bản thân mà còn phải thuyết phục được các đối tác tin tưởng và quyết định đầu tư cho dự án.

Ngoài ra, tiếng Anh cũng mang đến cho mình những cơ hội được làm việc và tiếp xúc thường xuyên với người nước ngoài, điều này giúp cho chuỗi sơ đồ tư duy của mình được mở rộng hơn.

Còn về thu nhập, trước kia mình không nghĩ mình sẽ có mức thu nhập vài chục triệu đồng/tháng nhưng khi có tiếng Anh thì mình làm được nhiều hơn thế và có thể tự lo được cho bản thân và gia đình”.

Nỗ lực vì đam mê

Bên cạnh tiếng Anh, Hồng Phương cho biết, cô còn có một đam mê mãnh liệt với nghề dẫn chương trình. Cô đã dẫn một số chương trình như: Bữa cơm yêu thương của HTV, tinngan.vn, các tin tức thời sự, giải trí, các sự kiện ra mắt, trao giải…

Phương cho rằng, cô may mắn vì được trời phú cho chất giọng dễ nghe. Nhưng để được như bây giờ, cô cũng đã nỗ lực rất nhiều.

Nhắc về cái duyên đưa mình đến với nghề MC, Phương tâm sự: “Từ hồi THPPT mình đã cộng tác với Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai nhưng thật sự, khi đó mình vẫn chưa hình dung được một MC đứng trên sân khấu sẽ như thế nào.

Cho đến năm lớp 12, lúc đi phụ việc tại một nhà hàng tiệc cưới, thấy cô MC đứng trên sân khấu vừa xinh đẹp, vừa nói hay, tự nhiên mình cũng thèm được nói, thèm mặc đồ mới, thèm được tô son môi, thèm được lên sân khấu giống như vậy.

Rồi mình xin phép anh quản lý nhà hàng cho mình được dẫn thử. Anh đồng ý để mình thử sức với một tiệc thôi nôi nhỏ. Mình mất hơn 4 ngày để học thuộc lời dẫn và từ hôm đó trở đi, mình được anh tín nhiệm và được mời đi làm MC ở nhiều đám cưới.

Năm đầu tiên học đại học, mình tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê dẫn chương trình bằng việc đăng ký tham gia CLB Phát thanh của ký túc xá. Lúc đó, mình mới thực sự biết cách luyến láy, nhấn âm thế nào cho phù hợp.

Mỗi tối thứ Bảy, Chủ Nhật, mình lại đi dẫn cho chương trình “Hát cho nhau nghe” tại một quán cà phê sinh viên trong ký túc xá. Cứ sau mỗi chương trình, mình lại tự vấn xem cách mình tương tác với khán giả đã được hay chưa, nội dung mình thể hiện đã rành mạch hay cần thêm bớt, điều chỉnh gì…

Cuối năm thứ ba đại học, mình xin làm cộng tác viên ở những cơ quan báo đài để có thêm cơ hội học hỏi. Cùng thời điểm đó, mình tham dự cuộc thi “Tôi là người dẫn chương trình” và may mắn được thầy Thanh Bạch nhận làm học trò.

Thầy rất tận tình hướng dẫn cho mình cách luyện giọng để được tròn vành rõ chữ. Với mình, việc dẫn dắt một chương trình không đơn giản là học thuộc kịch bản rồi lên nói, mà còn là sự thấu hiểu những điều khách hàng muốn, những điều khán giả cần. Từ đó, lồng ghép những cung bậc cảm xúc vào nội dung của chương trình”.

Những ngày cuối năm, mặc dù rất bận rộn với các công việc nhưng cứ có thời gian rảnh là Phương lại nhận lời làm MC cho các chương trình trong nội thành, vì đó là lúc cô nàng được làm công việc mà mình thật sự đam mê.

Phương tâm sự: “Mình là một người rất tham công tiếc việc, lúc nào cũng muốn được làm việc thật nhiều. Mình có một nguyên tắc là không bao giờ để việc của hôm nay cho ngày mai.

Thật sự, mình không thích một câu châm ngôn sống cụ thể nhưng mình luôn suy nghĩ mọi thứ theo hướng tích cực, bởi vì chỉ cần một giây suy nghĩ tiêu cực thì sẽ làm cho cuộc đời của mình trở nên chậm chạp và tối đi phần nào.

Đặc biệt, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể mình sẽ là người trắng tay về cả tinh thần và vật chất nhưng mình không bao giờ xem đó là rào cản hay cái gì đó tồi tệ mà mình thường tìm cách biến nó thành động lực để đi đến những thành công lớn hơn”.

Những giải thưởng Nguyễn Thị Hồng Phương đã đạt được:

– Giải Nhất cuộc thi hát Gala sinh viên quốc tế, năm 2012.

– Giải Nhì cuộc thi “Phát thanh học đường” tỉnh Đồng Nai, năm 2012.

– “Top 10” cuộc thi “Tỏa sáng tài năng MC”, năm 2014.

– Giải Nhất cuộc thi “Giọng hát Vàng ngành Du lịch TP. HCM”, năm 2014.

– Chứng nhận “MC có giọng nói truyền cảm nhất” của Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM, năm 2015.

– Giải “MC Triển vọng” cuộc thi “Tôi là người dẫn chương trình”, năm 2016.

– “Top 4” cuộc thi “Tuyển chọn người dẫn chương trình” của Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long, năm 2017.


Theo Phạm Văn - Ngọc Biển

Sinh viên Việt Nam