Thành Phong: Kì vọng vào chỗ đứng của truyện tranh thuần Việt

(Dân trí) - “Cha đẻ” của “Sát thủ đầu mưng mủ” Thành Phong khẳng định, dự án “Long Thần Tướng” là tâm huyết và nỗ lực lớn của nhóm tác giả trẻ để cho ra lò một bộ truyện tranh “made in Vietnam” chất lượng.

Làm mới bộ truyện tranh lịch sử

 

Tại sao các anh lại chọn quãng thời gian trước khi diễn ra cuộc chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1282 – 1284) làm bối cảnh cho “Long Thần Tướng”?

 

Đó là cách chúng tôi đặt nhân vật chính của mình vào giai đoạn họa xâm lăng đã cận kề bờ cõi, để thiếu nên tên Long bộc lộ tài trí cùng lòng yêu nước của mình. Giai đoạn này là một trong những trang hào hùng nhất của nước nhà. Qua đó, chúng tôi muốn truyền tải những câu chuyện lịch sử đến độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ.

 

Trong lần trở lại này, bộ truyện vẫn đi theo hướng võ thuật và mang nhiều yếu tố thần thoại như bản gốc cách đây 10 năm?

 

Với phiên bản mới thì “Long Thần Tướng” sẽ mang màu sắc dã sử nhiều hơn. Yếu tố thần thoại bị cắt giảm bớt và thay bằng những tình tiết thể hiện cách nhìn khác biệt đối với các khoảng trống của lịch sử nhằm đem đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị hơn về lịch sử Việt Nam.

 

Các nhân vật chính gây ảnh hưởng lớn tới dòng chảy lịch sử nhưng không hề được ghi trong sách sử. Vì sao lại thế ư? Đây sẽ là một bí mật khá lớn dành cho độc giả tìm hiểu trong truyện.

 
Họa sĩ Thành Phong, một trong 3 “linh hồn” của dự án “Long Thần Tướng”
Họa sĩ Thành Phong, một trong 3 “linh hồn” của dự án “Long Thần Tướng”
 

Được biết “Long Thần Tướng” sẽ có những thay đổi về cốt truyện và phong cách vẽ… làm mới một bộ truyện dã sử, khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là gì?

 

Vất vả nhất là khâu tìm tư liệu sao cho chân thực bởi hình ảnh về các triều đại trước không có nhiều và chính xác. Lần này, chúng tôi đã hợp tác với nhà nghiên cứu Trần Quang Đức với mong muốn tái hiện một cách chân thực nhất những khung cảnh lịch sử.

 

Có ý kiến cho rằng những truyện tranh như “Thần đồng đất Việt”, “Tí quậy”, “Cậu bé rồng”… là “manga kiểu Việt Nam”. Còn “Long Thần Tướng” thì sao?

 

Thành thực thì tôi không nghĩ những truyện tranh kể trên là manga kiểu Việt Nam, dù ít nhiều có ảnh hưởng bởi các thủ pháp của manga. Với “Long Thần Tướng”, tôi hướng tới một cách kể chuyện và cách vẽ đặc trưng của mình, cùng với những nghiên cứu dựa trên tư liệu thực tế. Hi vọng sẽ đem lại cho bạn đọc cái nhìn rõ nét hơn về văn hóa Việt trong 600 trang truyện tranh mang tính hiện đại.

 

Mô hình crowdfunding và niềm tin sáng tạo văn hóa Việt

 

Tại sao các anh lại chọn mô hình gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) cho dự án này dù có định kiến rằng, độc giả thích dùng sản phẩm miễn phí?

 

Đúng là người Việt chúng ta thường thích dùng đồ miễn phí, ít chịu trả tiền trước - nhận hàng sau, thiếu niềm tin vào các sản phẩm Việt. Đó cũng là trở ngại với những người trẻ muốn khởi nghiệp trong các ngành nghệ thuật. Tuy nhiên chúng tôi vẫn có niềm tin vào lớp công chúng sẵn sàng ủng hộ những thứ tạo ra niềm vui, cảm hứng sáng tạo mới hay cao hơn là những giá trị cho cuộc sống của họ.

 
Bìa của “Long Thần Tướng” – Bộ truyện dã sử thuần Việt
Bìa của “Long Thần Tướng” – Bộ truyện dã sử thuần Việt
 

Thành công trong đợt góp vốn 300 triệu để sản xuất tập 1 bộ truyện là minh chứng cho niềm tin đó?

 

Nếu dự án crowdfunding thất bại, chúng tôi sẽ vẫn xuất bản bộ truyện bình thường. Ngay từ đầu, nhóm muốn thông qua mô hình gọi quỹ để biết thêm được về sức ủng hộ của cộng đồng đối với các dự án truyện tranh thuần Việt.

 

Với thành công này, có thể thấy rằng công chúng vẫn có sự ủng hộ khá nhiệt tình cho phong trào truyện tranh tại Việt Nam. Đây thực sự là một tín hiệu tốt củng cố niềm tin vào sự tiến lên của truyện tranh nước nhà.

 

Chọn crowdfunding một phần cũng vì các NXB không mặn mà với sản xuất truyện thuần Việt. Dường như các họa sĩ đang tự bơi tìm đường trong thị trường truyện tranh Việt bao trùm bởi câu chuyện “nhập siêu”?

 

Câu chuyện “nhập siêu” truyện tranh có  thể nói là một quy luật thị trường tự nhiên. Khi mà nền công nghiêp và văn hóa đọc truyện tranh các nước đã có thâm niên lâu đời thì ở Việt Nam, các họa sỹ vẫn đang hoạt động một cách tự phát, chủ yếu là do sở thích cá nhân với truyện tranh.

 

Chi phí để “đẻ” ra một bộ truyện tranh Việt khá lớn. Vì vậy, các NXB có khuynh hướng mua bản quyền truyện “ngoại” về rồi in, vừa rẻ, vừa ít rủi ro. Một số khác thì in lậu. Muốn tạo dựng nền truyện tranh Việt nhất thiết cần thời gian để các họa sỹ tìm tòi và phát triển bản sắc riêng cũng như cần có các mô hình xuất bản tương ứng để có đầu ra cho các tác phẩm.

 

Gây quỹ cộng đồng để xây dựng một truyện tranh xuất xứ Việt. Vậy chính xác các anh có theo đuổi giá trị lợi nhuận không?

 

Lợi nhuận kinh tế không phải cái đích chúng tôi theo đuổi mà chỉ là phương tiện giúp chúng tôi hướng tới giá trị nghệ thuật.

 

Một luồng ý kiến cho rằng, dự án “Long Thần Tướng” chẳng khác cách kêu gọi làm từ thiện là mấy?

 

Dù hoàn toàn tôn trọng việc từ thiện và những người làm từ thiện, tôi mong không bị nhầm lẫn rằng chúng tôi đang xin ủng hộ từ thiện. Gây quỹ cộng đồng là một cách làm văn minh, dựa trên sự tự nguyện đóng góp mà cả những người sáng tạo và công chúng đều hưởng lợi. Những người đầu tư cho “Long Thần Tướng” là những người yêu mến, hiểu và tin tưởng các giá trị chúng tôi đang làm.

 

Tại sao những người trẻ lại nỗ lực sản xuất một bộ truyện tranh lại còn là bộ truyện tranh về lịch sử Việt, các anh kì vọng điều gì?

 

“Long Thần Tướng” là dự án nghiêm túc mà chúng tôi đổ tâm huyết với kì vọng vào chỗ đứng của truyện tranh Việt, sáng tạo Việt. Chúng tôi cũng hi vọng sẽ thay đổi phần nào những định kiến dành cho truyện tranh vẫn tồn tại ở Việt Nam bấy lâu nay, như: “truyện tranh chỉ dành cho trẻ em” hay “truyện tranh là vô bổ”...

 

Ngược lại, truyện tranh là cách thức đơn giản và hấp dẫn để giúp công chúng tiếp cận với các vấn đề tưởng chừng khô khan như chính trị, lịch sử, khoa học... nhanh chóng và dễ dàng hơn.

 

Cảm ơn anh Thành Phong đã chia sẻ!

  

Lệ Thu