Thanh niên Trung Quốc tràn về nông thôn

(Dân trí) - 30 năm kể từ sau cuộc cách mạng văn hóa của Chủ tịch Mao Trạch Đông, hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc lại một lần nữa đổ ra từ các thành phố để về giúp đỡ các miền quê nghèo.

“Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn mới thuyết phục được bố mẹ cho đi bởi khi ở độ tuổi của tôi họ đã phải chịu khổ rất nhiều ở nông thôn” - Zhen Zhu, một sinh viên mới tốt nghiệp mùa hè năm nay và sẽ tới miền Tây Bắc xa xôi vào tháng 9 tới. 

Zhen là một trong 150.000 sinh viên ĐH tốt nghiệp sẽ rời xa các thành phố miền Đông giàu có vào năm nay và hướng tới các vùng nông thôn nghèo khó hơn ở cực Nam Trung Quốc như tỉnh Vân Nam. 

Số các bạn trẻ tham gia chuyến đi về nông thôn lần này được cho là cao nhất kể từ sau cuộc Cách mạng văn hóa. Một vài năm trước, rất ít sinh viên chịu rời xa sự sung túc và an toàn của các thành phố để tìm về miền quê của Trung Quốc, nơi được coi là “tuyệt lộ” cho cả sự nghiệp và khát vọng của họ. 

Lần này chuyến đi lại trở nên rất phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc, những người tự xem mình là người tiên phong của thời hiện đại. 

“Dự án phục vụ miền Tây” do Đoàn thanh niên của Đảng cộng sản Trung Quốc điều hành đã tuyển được tổng số 16.000 sinh viên kể từ sau khi thành lập năm 1996. Năm nay, tính đến thời điểm này, đã có khoảng 5000 sinh viên đăng ký. 

Những người tham gia có thể xin hỗ trợ hàng tháng với khoảng tiền 300 nhân dân tệ (tương đương 600 nghìn VNĐ) - bằng 1/10 khoản lương trung bình mà một sinh viên ĐH tốt nghiệp có thể kiếm được tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc. 

Mặc dù các sinh viên sẽ không phải chịu những điều kiện quá thiếu thốn như những người đi trước đã phải trải qua nhưng điều kiện sống ở miền quê Trung Quốc nói chung còn thô sơ hơn nhiều so với ở thành phố. 

“Những sinh viên chú trọng tiền bạc sẽ không bao giờ chọn đi tới miền Tây khi mà họ có thể kiếm nhiều tiền hơn tại các thành phố lớn với tấm bằng ĐH của mình” - Xinh Yue, một thanh niên đã từng nhiều tuần không được tắm khi tham gia dạy học ở miền Tây 4 năm trước cho biết. 

Rất nhiều bố mẹ của họ khi là sinh viên đã bị gửi tới làm việc tại miền Tây trong chiến dịch “học hỏi từ quần chúng nhân dân” trong cuộc Cách mạng văn hóa. Lần này, các sinh viên không bị buộc phải đi. Và động lực của họ cũng đa dạng hơn rất nhiều so với của bố mẹ họ. 

Nhiều sinh viên cho biết họ nỗ lực giúp đỡ các vùng đất chưa phát triển của Trung Quốc, những nơi đã bị tụt lại đằng sau những bước phát triển kinh tế “hiện tượng” của nước này. 

“Bố mẹ tôi đồng ý cho tôi đi bởi chương trình này chỉ kéo dài 1 năm và họ biết tôi sẽ không bao giờ “bắt chước” họ dành cả 10 năm ròng rã trên các nông trường chỉ vì một lý tưởng. Họ đã không có sự lựa chọn nào khi họ còn trẻ”, Xinh thổ lộ. 

Thanh Hà
Theo Chinanews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm