Thanh niên Đà Nẵng với nhiều mô hình phòng chống tệ nạn và ma túy
(Dân trí) - Ngày 6/12, Thành đoàn Đà Nẵng đã tổ chức đánh giá tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thanh thiếu niên năm 2013 và giới thiệu nhiều mô hình phòng chống ma túy và tội phạm đạt hiệu quả.
Thành đoàn Đà Nẵng xác định phải đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh và sinh viên. Từ đó, tạo thói quen tự giác nghiên cứu, học tập, tìm hiểu pháp luật, áp dụng vào nhiệm vụ chuyên môn được giao…
Kết quả, trong năm 2013, các cơ sở Đoàn đã tổ chức được trên 125 lớp phổ biến giáo dục pháp luật, thu hút hơn 15.600 lượt Đoàn viên thanh niên và sinh viên, học sinh tham gia.
Đối với hoạt động cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, Thành đoàn đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Công an Đà Nẵng tổ chức hoạt động cảm hóa, giáo dục các em thiếu niên có biểu hiện nguy cơ cao vi phạm pháp luật, trong đó có ma túy.
Cụ thể, năm 2010 đã cảm hóa, giáo dục 300 em, năm 2011: 294 em, năm 2012: 189 em và năm 2013: 143 em. Ngoài được đối thoại với lãnh đạo TP Đà Nẵng, các em còn được đưa đi tham quan Trường giáo dưỡng, trại tạm giam, du lịch…
Nét mới trong việc cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến là phân mỗi ngành 63 em để quản lý theo dõi thay vì 3 ngành cùng chung quản lý. Với cách làm này, Ban thường vụ Thành đoàn Đà Nẵng đã lên kế hoạch phân công nhiệm vụ cho cán bộ Thành đoàn, các đơn vị quận, huyện Đoàn, Đoàn thanh niên 56 xã, phường.
Theo đó, một em thanh thiếu niên chậm tiến sẽ do một cán bộ Thành đoàn cùng với một cán bộ quận, huyện đoàn và Bí thư đoàn phường, xã trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ. Các cán bộ được phân công nhiệm vụ đã đến tận nhà các em động viên, thăm hỏi, khảo sát nhu cầu nguyện vọng của từng em và có biện pháp kèm cặp, giúp đỡ phù hợp.
Đối với các em có nhu cầu học nghề, cán bộ được phân công giúp đỡ đã chủ động làm việc với các trung tâm giới thiệu việc làm, cơ sở trên địa bàn giới thiệu, tìm địa chỉ học tập phù hợp, hỗ trợ và nộp học phí theo nhu cầu của các em và gia đình.
Đối với các em đã trở lại học phổ thông, trung học cơ sở, cán bộ được phân công giúp đỡ phối hợp với chi Đoàn giáo viên trường tổ chức kèm cặp, phụ đạo thêm kiếm thức để các em theo kịp chương trình, vươn lên trong học tập, tránh tình trạng để các em theo không kịp chương trình học vì bỏ học thời gian dài.
Tính đến tháng 11/2013, trong số đối tượng giao cho Đoàn quản lý đã có 22/36 em được hỗ trợ bao gồm sách vở, quần áo, xe đạp; vận động đi học được 17 em, hỗ trợ học nghề cho 10 em với tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng.
Đối với hoạt động phòng chống ma túy, tội phạm và các tệ nạn xã hội, Thành đoàn phối hợp với ngành giáo dục tổ chức cho thanh thiếu niên, sinh viên và học sinh đăng ký cam kết thực hiện không tàng trữ, sử dụng, buôn bán trái phép chất ma túy.
Ngoài ra, Đoàn các cấp phối hợp cùng lực lượng công an và dân quân các phường, xã tuần tra đêm góp phần tích cực vào công tác bảo vệ an ninh trật tự, đồng thời phát hiện và triệt phá nhiều tụ điểm nóng về ma túy trên địa bàn.
Trong dịp này, Thành đoàn Đà Nẵng đã khen thưởng 9 tập thể, 6 cá nhân là những gương điển hình thực hiện hiệu quả các mô hình phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội cùng 8 thanh niên sau cai nghiện đã tiến bộ, vươn lên trong cuộc sống.
Công Bính