Thành công nhờ một chữ “tức”

Là dân khối B, tức vì bị mắng là ăn nói vô duyên, không hiểu tâm trạng người khác, chị quyết định thi vào ngành tâm lý giáo dục của Trường cao đẳng Sư phạm. Ra trường đi dạy, vẫn bị chê (?!). Tức mình, lần nữa chị quyết tâm thay đổi điều đó đến tận gốc rễ, bằng cách đi làm… tư vấn viên.

“Nghề này nhiều lúc cũng phải ngang tàng, tiếu lâm, chọc phá để có sự đồng cảm với giới trẻ. Đồng thời cũng phải biết lắng nghe, từng trải và bản lĩnh thì mới có được sự tin tưởng từ người lớn” -  chuyên viên tư vấn Nguyễn Thị Ngọc của Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, nói.

 

Dấn thân để học và để trưởng thành

 

“Tôi cho rằng theo nghề này là một sự dấn thân, dấn thân để thử thách chính mình, dấn thân để học hỏi và dấn thân để trưởng thành” - chị nhấn mạnh. Dấn thân vô chính cái dở của mình mà người ta chê, mạnh dạn đối đầu với nó để học hỏi, khắc phục và vươn lên.

 

“Nói thế chứ cũng không phải dễ - chị nhớ lại. Những ngày đầu khi mới vào nghề, tôi thật sự không biết mình có trụ nổi không vì toàn nghe chuyện buồn, chẳng ai có chuyện vui mà đi kiếm một tư vấn viên xa lạ kể cho nghe bao giờ.

 

Nghề này trẻ là một điểm yếu, vì nó chứng tỏ bạn chưa trải đời, chưa có nhiều kinh nghiệm thì làm sao người ta tin tưởng để cho bạn giải quyết chuyện nhà của họ?” Và như thế thì phải học. Học cách tiếp nhận nỗi buồn mà người khác gọi tới cần chia sẻ. Để nghe nỗi buồn của người khác không còn là sự chịu đựng, chị phải học cách đồng cảm, xem nó như nỗi buồn của chính mình và cùng người cần tư vấn giải toả và tháo gỡ.

 

Khi nỗi buồn được giải quyết, biến thành niềm vui thì chị vui hơn cả người được tư vấn vì ngoài sự vui lây, chị còn có được những kinh nghiệm quý giá, cho nghề nghiệp và cho cả cuộc sống riêng của mình.

 

Để  tư vấn chuyên nghiệp hơn, chị còn đi học thêm một năm về kỹ năng tư vấn tâm lý, giao tiếp. Rồi tìm hiểu thêm, học hỏi cả các kiến thức về văn hóa, xã hội và  kinh nghiệm của các bậc đàn  anh, đàn chị đi trước. Ngoài ra, chị cũng luôn theo dõi những chuyển biến trong lối sống của giới trẻ, của xã hội để từ đó có những tư vấn phù hợp với cuộc sống đương đại.

 

Tuy nhiên những điều đó vẫn chưa đủ…

 

Và sự day dứt khôn nguôi

 

Điều khó nhất của nghề tư vấn tình cảm là học cách từ chối và giữ bí mật. Cả hai điều này đều là những đức tính cần sự rèn luyện mới có được. 

 

Nghề nào cũng có những thành công - thất bại, những cái vui - cái buồn riêng. Có những cái thất bại làm chị ray rứt mãi và từ đó nó vạch cho chị một hướng phát triển nghề nghiệp mới.

 

Chị kể, cách đây cũng hơn năm, có một bé gái gọi điện tới chị với tinh thần rất khủng hoảng. Cô bé muốn nhờ chị bày cách để… giết người, giết người vừa hiếp dâm cô. Chị dùng mọi cách để giúp cô bé bình tĩnh lại và đề nghị gặp trực tiếp. Thế nhưng cô bé từ chối, sau đó không gọi lại. Từ đó đến nay chị cứ trăn trở mãi vì không thể làm gì để giúp cô bé. Không biết cô bé đó giờ đã ra sao, có làm cái điều gì dại dột hại người rồi hại mình không?

 

“Tôi thực sự không chịu nổi điều đó. Ở những trường hợp này rất cần những chương trình “hậu tư vấn”. Nhiều lúc tư vấn xong, tôi thấy mình như đem con bỏ chợ, như trường hợp cô bé kia và những vụ bạo hành trong gia đình hay vướng vào con đường ma tuý muốn thoát ra, tôi chẳng biết sau đó họ ra sao?

 

Tôi đang xem xét nghiên cứu đề xuất một chương trình liên kết với các đội công tác xã hội và hội phụ nữ để nối tiếp giúp đỡ cho những trường hợp đó” - chị Ngọc chia sẻ.

 

Tâm huyết với nghề, không đầu hàng trước những cái còn dở, điều này đã và  sẽ giúp chị  thành công trên con đường tư vấn của mình.

 

Theo Ngọc Minh
Sài Gòn Tiếp Thị