“Tháng củ mật”, đạo chích bủa vây sinh viên
Giáp tết, nạn trộm cắp lại bùng lên ở các khu trọ sinh viên với các chiêu thức tinh vi và trắng trợn.
Bị trộm hàng chục triệu đồng
Việc sinh viên Phạm Thị Mai H. (lớp 09CBC, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) mất trộm hàng chục triệu đồng khiến khu trọ 427 Tôn Đức Thắng (Liên Chiểu, Đà Nẵng) bàng hoàng.
Nhà có điều kiện nên H. được sắm đầy đủ các phương tiện. Đêm 4/1, trộm lẻn vào phòng H. lấy đi máy ảnh, laptop, điện thoại, tổng giá trị tài sản lên đến hơn 37 triệu đồng.
Đáng nói, tháng 10 năm ngoái, H. đã bị trộm nạy cửa sổ lấy đi chiếc laptop trị giá trên 9 triệu đồng mới mua.
“Ba mình phải chạy từ Hòa Bình vào mua lại laptop và làm lại cửa sổ cho mình. Tưởng sẽ yên ổn, ai dè đêm đó mình chủ quan chỉ chốt chứ không khóa cửa chính nên trộm lại vào. May mà không mất chiếc xe máy và cái laptop của cô bạn cùng phòng. Bị trộm viếng liên tục, bây giờ mình… nổi tiếng rồi”, Hương buồn rầu kể.
Khu trọ Phạm Như Xương rất đông sinh viên, cách không xa trụ sở Công an phường Hòa Khánh Nam, nhưng lại là nơi đạo chích liên tục viếng thăm.
Lương Thị Tuyết N. (một SV năm thứ tư), bức xúc: “Gần đây bọn trộm ngày một táo tợn, Sơ hở là mất đồ, mà cẩn thận cũng mất. Mất đủ thứ. Nhiều người trong dãy trọ biết rõ ai ăn trộm nhưng không dám nói gì, không báo công an vì không bắt tận tay. Vả lại tụi trộm có “anh chị” bảo kê, động vào mệt”.
Cũng theo một số bạn sinh viên, nhiều khi trộm đang “tác nghiệp” bị phát hiện, chúng còn quay sang đe dọa: “Muốn sống thì im miệng, báo công an thì coi chừng cái mặt tao”. Có trường hợp trộm ngang nhiên vào xóm trọ, biết đó là trộm nhưng không ai dám hó hé, chỉ biết chốt, khoá cửa “cố thủ” trong phòng (?!).
“Của đi thay người”
Gần một tuần, Mai H. và bố đi khắp các hiệu ảnh và tiệm cầm đồ Đà Nẵng để tìm lại máy ảnh và laptop nhưng vô vọng.
“Máy ảnh là kỉ niệm của gia đình, lại là phương tiện cho ngành học nên mình phải tìm cho ra. Năm nay nhà mình coi như không có Tết. Đầu năm đến giờ mình đã mất hơn 40 triệu rồi”, H. nói.
Sinh viên người thì cố tìm lại tài sản ở các tiệm cầm đồ và trông đợi mòn mỏi tin tức từ công an, người thì chấp nhận “sống chung với trộm”, lấy điệp khúc “của đi thay người” để an ủi nhau.
Các bạn báo nhau đề phòng hơn, đi đâu thì gửi đồ sang phòng bạn. “Một là chuyển nhà trọ, không thì đề cao cảnh giác hơn chứ biết làm sao” - Lan Anh (SV năm thứ ba ĐHSP Đà Nẵng), nói.
Đại diện Công an phường Hòa Khánh Nam, ông Lê Đức Tám, cho biết: “Số vụ trộm cắp gần đây trên địa bàn đã giảm nhiều. Còn sinh viên mất trộm hoặc biết kẻ trộm là ai mà không báo công an thì chẳng khác gì tạo điều kiện cho chúng hành nghề. Không báo thì không thể biết mà giải quyết được”.
Cũng theo ông Tám, những khu trọ nhiều sinh viên nữ hoặc tách biệt với chủ trọ là địa điểm lý tưởng của trộm cắp, bởi vậy sinh viên nên đề cao cảnh giác, cửa nẻo cẩn thận.
“Khi mất đồ phải báo để công an vào cuộc, im lặng chịu đựng, chấp nhận sống chung với trộm thì thiệt thòi vẫn là sinh viên”, ông Tám nói.
Theo Hoàng Ny
Tiền phong