Thần đồng = bệnh nhân?

Theo thống kê của các nhà khoa học thì tỷ lệ thần đồng ở Pháp chỉ chiếm khoảng 2% dân số. Có lẽ vì là hàng hiếm nên thành hàng quý. Ông bố, bà mẹ nào thấy con mình hơi không bình thường một chút là nghĩ ngay nó là thần đồng. Thế là nhà nhà đưa con đi làm test IQ.

Năm 1993, Hiệp hội bảo vệ thần đồng của Pháp (AFEP) được thành lập. Trong những năm qua Hiệp hội này đã làm được rất nhiều điều cho các thiên tài nhỏ tuổi của nước Pháp và cũng được chứng kiến vô số chuyện bi hài.

"Cách đây 15 năm có rất ít trẻ em được dẫn đến các trung tâm làm test IQ, nhưng trong vài năm gần đây có rất nhiều phụ huynh dẫn con mình đi kiểm tra vì cho rằng chúng là thần đồng. Nhưng thật ra toàn là mất tiền vô ích, con họ có phải là thần đồng đâu, chỉ béo các nhà tâm lý học hành nghề test IQ", Béatrice Copper Royer, chuyên gia về tâm thần học ở Paris, nói. Các bậc phụ huynh phải bỏ ra khoảng 300 euro cho một lần test, trong khi giá mà AFEP quy định thường không quá 100 euro.

Cách đây 8 năm khi trường tư thục Saint-Louis(Mans), dành riêng cho việc đào tạo thần đồng, được thành lập không ít người đã lo sẽ không có đủ học sinh. Nhưng hiện tại Ban giám hiệu đang bị tra tấn vì đơn xin học cho con em của phụ huynh là quá nhiều. Rất nhiều người biết nhà trường không còn chỗ nhưng vẫn cứ nộp đơn. Ông hiệu trưởng cho biết: chỉ tiêu vào là 10 thì đơn xin vào học không dưới 200.

Hơn 1/3 thần đồng không có bằng THPT. Đó là tỷ lệ được các nhà khoa học Pháp thống kê trong nhiều năm qua. Điều này cũng phần nào lý giải được hiện tượng các thần đồng sau một thời gian được báo chí nhắc đến một thời gian rồi lặn mất tăm luôn.

Thực chất cuộc sống của các thần đồng là vô cùng khó khăn, đặc biệt là với những em không được chế độ chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ và các nhà khoa học.

Theo quan niệm của xã hội thì thần đồng cái gì cũng siêu phàm, nhưng thực ra đó là những gì rất dễ vỡ và chịu nhiều nỗi khổ tâm hơn người bình thường.

Nhà tâm lý học Jean Charles Terrassier đã định nghĩa thần đồng như sau: "Sự phát triển trí tuệ của các em không liên quan gì đến mức độ chín chắn trong tình cảm hay hiểu biết xã hội...".

Ở VN, việc quá hy vọng vào con em, cho các em vào trường chuyên lớp chọn cũng mang dáng dấp của bi kịch này.

 

Người ta thường đưa ra trường hợp trẻ 4-5 tuổi, có thể tự đọc được sách mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ, rất tò mò với những vấn đề phức tạp như sự ra đời của vũ trụ, thời tiền sử hay thiên văn học. Thần đồng thường tỏ ra vụng về trong các hoạt động chân tay, chậm biết viết.

Trong giới khoa học người ta gọi các thần đồng là bệnh nhân. Sau khi theo dõi 400 bệnh nhân, tiến sĩ Olivier Revol đã đi đến kết luận: "Tôi đã thấy ở các em sự đau đớn về tinh thần. Vì không được sự trợ giúp của các tổ chức xã hội và vì còn bé (đầu óc phát triển nên thường phải học với các anh chị lớn hơn) nên các em thường trở thành nạn nhân, bị đánh đập, bỏ rơi".

Để tránh tình trạng này phụ huynh thường gửi con đến các trường tư chuyên về đào tạo thần đồng. Nhưng trên thực tế thì hầu hết là các trường không đạt tiêu chuẩn. "Lợn lành chữa thành lợn què" không phải là chuyện hiếm vì "nhiều khi các trường định hướng sai lầm là phải tìm những cái ghê gớm ở thần đồng mà không ý thức được các em thường yếu đuối, gặp nhiều khó khăn và tất nhiên không phải là những con vật để đem ra thử nghiệm.

Max, 17 tuổi, nhớ lại những kỷ niệm về thời thần đồng: "Mất 90 phút tôi mới làm xong test IQ. Hệ số là 142. Lúc đầu tôi rất tự hào vì được biết đến như người rất thông minh. Sau đó tôi bắt đầu suy sụp: kết quả học tập của tôi quá kém trong khi rõ ràng tôi có năng lực. Biết mình là thần đồng chẳng giúp gì được cho tôi, ngược lại là khác. Chẳng ai đưa cho tôi một giải pháp (có lẽ họ nghĩ vì tôi là thần đồng thì cần gì người khác)".

Bố Max đem kết quả test IQ đến báo cáo với các thầy giáo của em thì chỉ nhận được thái độ lạnh nhạt: Thần đồng hay không thần đồng thì cũng không quan trọng, cơ bản là Max phải học thật tốt. Chấm hết.

Bực mình, gia đình Max đưa em đến một trường tư chuyên đào tạo các thần đồng nhưng Max lại không hòa nhập được với môi trường ở đây và cuối cùng em lại phải về học tại trường cũ. Bây giờ thì Max đang được một bác sỹ tâm lý săn sóc, nhưng rõ ràng là cả gia đình em rất hối tiếc vì những gì đã làm khiến con mình mất thời gian, lại còn mang thêm bệnh vào người.

Theo Sinh Viên Việt Nam