Thâm nhập thế giới "chân dài" tiếp thị
Sau vài tiếng nhập môn lý thuyết, quản lý nhắc lại cho tôi lịch làm việc và không quên dặn thêm: “Chiều mai em nhớ đến sớm, trang điểm nhẹ nhưng nhất thiết phải trang điểm và đi giày cao gót ít nhất phải từ 7 phân nhìn em hơi thấp sơ với những PG khác”.
Nhập môn trên bàn nhậu
Theo đúng phân công, chiều hôm sau tôi có mặt tại quán sớm hơn 15 phút trước khi chính thức vào ca cuối chiều. Đưa cái nhìn dò xét rất nhanh, chị hướng dẫn tranh thủ cho tôi đi “ra mắt” quán một lượt. Chị chỉ cho tôi những vị trí “đắc địa” của quán với “địa bàn” có sự cạnh tranh của các PG từ PG rượu, PG thuốc lá đến những PG bia như chúng tôi.
18h, không khí tại quán bắt đầu “nóng” dần lên, nhộn nhịp với những lượt khách. Chen trong những dòng người lố nhố vào quán, những PG nổi bật với đồng phục riêng của hãng cũng bắt đầu vào ca. Vỗ nhẹ vào vai chị hướng dẫn cười trấn tĩnh: “Ngày training gọi là học việc nhưng cũng sẽ quyết định em có bám được với quán hay không? Phải chú ý quan sát và học cách “dẫn khách”.
Dúi vào tay tôi mấy chai bia, chị nháy mắt: “Bắt đầu nhé!”, và rất nhanh chị đã đứng ở gần khu vực cửa ra vào tươi cười chào khách không khác gì nhân viên phục vụ trong quán.
Dẫn lượt đầu tiên với 5 vị khách vào góc trong cùng của quán, chị đưa mắt nháy về phía tôi. Cầm tờ menu và phiếu ghi tôi vội vàng “chạy bàn” ghi thực đơn cho khách. Đến phần chọn đồ uống tôi bắt đầu “tiếp thị sản phẩm” cho hãng bia của mình. “Thì ra em là tiếp thị viên bia à”, sau câu hỏi ấy cả 5 vị khách đều dồn ánh nhìn về phía tôi rồi họ bắt đầu buông ra những lời bỡn cợt:
“Hàng của em có gì đặc biệt”, “Dùng của em bọn anh có được khuyến mại gì nữa không?”, có vị không ngần ngại kéo tay lôi tôi ngồi xuống đặt thẳng vấn đề: “Tiếp thị bia thì phải ngồi cùng để phục vụ”. Sau câu nói đó là cả những tràng cười dài tán thưởng và chen trong những tiếng cười ấy thỉnh thoảng lại vang lên những câu đầy đắc ý: “Làm tốt bọn anh sẽ có thưởng”.
Tôi nóng ran mặt, bối rối từ chối theo nguyên tắc. Cuối cùng họ đặt chúng tôi 1 két bia dùng thử. Quán ngày càng đông, những gương mặt đỏ lừ cũng ngày một nhiều. Những cái nhìn gật gù, những tiếng “zô”, “uống” cùng những chàng cười rộn ràng như không dứt. Những PG giới thiệu sản phẩm vẫn cần mẫn đến từng bàn nhậu mời hàng…
Cuộc chiến giữa các chân dài
Trong thế giới của chân dài tại các quán nhậu, để có thể “mời hàng” được các PG cần có những thủ thuật cũng như những “chiêu” riêng để cạnh tranh và tồn tại với những chân dài khác có thể cùng hãng hoặc khác hãng mà họ đang giới thiệu.
Và một trong những bài học đầu tiên mà chị hướng dẫn dạy cho tôi: “Là PG giới thiệu rượu bia đồ uống luôn đi cùng thực đơn của họ nên muốn bán được hàng của mình thì trước hết mình phải là người phục vụ rồi mới làm công việc PG của mình, phải chấp nhận những thân phận mà nhiều khi khách hàng có thể coi thường mình”.
Rồi chị kể: “Những ngày đầu làm việc chị cũng không biết được điều này nên thường hay bị tranh khách ngay từ khi khách vừa đến quán từ những PG khác. Đến bây giờ dù bàn khách đã có PG đồ uống thì cơ hội cạnh tranh vẫn giành cho mình nếu khách chưa quyết định thực đơn.
Lần cạnh tranh đầu tiên chị không thoát khỏi những cái nhìn lườm nguýt” nhưng chị lại kịp trấn an tinh thần tôi: “Chỉ lườm nguýt thế thôi chứ họ cũng không làm gì em cả. Ai thuyết phục được khách thì người đó thắng. Thế thôi”.
Nhìn gương mặt lem nhem phấn của tôi, chị hướng dẫn cũng chỉ lắc đầu hỏi: "Liệu có chịu được không em? Làm dần rồi sẽ quen". Nghe chị nói tôi mới thấy thấm thía câu nói của chị quản lý đã phỏng vấn tôi: "Có rất nhiều bạn chỉ đi làm một ngày không chịu được là xin nghỉ nên nếu em muốn nhận lương thì phải làm ít nhất một tuần".
Và cứ thế chúng tôi những PG giới thiệu sản phẩn ăn thêm hoa hồng từ những nắp chai được bật mở làm việc trong mỗi quán từ chạy bàn, ghi thực đơn đến tiếp thị. Bao nhiêu nỗi, bao nhiêu thân phận trong hai chữ PG mà tôi khoác lên mình trong những ngày thử việc.
Và bên trong những cuộc vui trên bàn nhậu ấy còn có những câu chuyện xung quanh những chân dài đứng bên lề mà “nhiều khi phải chịu khó một chút em ạ”…
Theo Hồng Khanh
Vietnamnet