Tết Việt nơi đất khách của du học sinh
(Dân trí) - Với những người xa quê, nỗi nhớ nhà lại càng da diết hơn mỗi độ xuân về. Do dịch bệnh, nhiều du học sinh không thể về vào dịp Tết, nhưng vẫn trang trí nhà cửa và nấu những món ăn truyền thống.
Nguyễn Thanh, sinh viên Đại học SangMyung (Hàn Quốc) cho biết 3 năm du học là 3 năm Thanh ăn tết xa nhà. Năm đầu tiên, năm thứ 2 rồi năm thứ 3, Thanh đều lần lượt lỡ hẹn về ăn Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, cô bạn chia sẻ rằng đã có những kỷ niệm rất thú vị bên những người bạn là du học sinh từ khắp nơi.
"Trong những ngày cuối năm này, nhìn thấy bạn bè, gia đình trong nước tất bật chuẩn bị đón Tết, chia sẻ trên mạng xã hội, mình cảm thấy có chút buồn. Mình chỉ muốn đặt ngay vé về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình, đón một ngày Tết trọn vẹn", Thanh cho biết.
Thanh cho biết, ở Hàn Quốc có nhiều cửa hàng bán đồ Việt Nam, nên dù thời gian bận rộn vừa học vừa làm, cô bạn cũng cố gắng chuẩn bị những món ăn truyền thống của Việt Nam. Không thể về nước, Thanh cùng các bạn học cùng nhau "hùn vốn" làm tất niên.
Ở một đất nước xa lạ, thiếu thốn nhiều nguyên liệu, nhưng Thanh và các bạn đã chuẩn bị một mâm cỗ tất niên sớm với nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam, như: mâm ngũ quả, "câu đối đỏ" cùng "bánh chưng xanh", giò, chả với mong muốn mang không khí tết Việt xoa dịu cái lạnh lẽo, cô đơn nơi xứ người.
"Bận thì bận nhưng mình luôn ghi nhớ mình là người Việt Nam, mà đã là người Việt thì phải đón Tết Việt theo đúng phong tục truyền thống. Chuẩn bị đồ đạc, thực phẩm có đôi chút thiếu thốn nhưng bù lại, nó cho mình cảm giác như đang đón Tết ở Việt Nam", Thanh chia sẻ.
Không may mắn như Thanh, Nguyễn Phương Linh (2002) rời Việt Nam từ năm 15 tuổi và hiện là du học sinh tại Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion (Hà Lan). Dù đã có khoảng thời gian dài sinh sống và học tập tại Hà Lan, nhưng đây là năm đầu tiên Phương Linh đón Tết xa nhà.
Phương Linh chia sẻ: "Ở Hà Lan, họ đón năm mới theo lịch dương, do đó vào tết nguyên đán, mình vẫn phải đi học". Thêm vào đó, dịch Covid-19 cũng là một trong những lý do khiến Phương Linh "mắc kẹt" trên đất khách. Năm nay, Phương Linh đón giao thừa cùng hội người Việt tại Hà Lan.
Sống một mình nên cô bạn "sắm tết" khá đơn giản: một mâm ngũ quả, giò lụa, gà luộc và quan trọng nhất là bánh chưng - linh hồn trong ngày tết. Là một người con sinh ra và lớn lên trên dải đất hình chữ S, Phương Linh ý thức được rằng Tết là một phong tục rất đỗi thiêng liêng và cũng là sợi dây gắn kết bạn với quê nhà.
Cô bạn bày tỏ: "Dù ở xa nhưng khi xuân về, mình vẫn cố gắng chuẩn bị, sắm sửa đón Tết". Phương Linh muốn mua một cành đào hay một nhành mai để có không khí tết Việt, nhưng đây là điều khó có thể tìm được hai loại hoa đặc trưng cho bản sắc truyền thống trong Tết Nguyên đán. Thay vào đó, cô bạn đã tự làm hoa mai, hoa đào từ giấy màu và cành cây khô để mâm cỗ tất niên đỡ trống trải.
Năm đầu đón Tết xa nhà, dù có những món ăn quê hương nhưng Phương Linh vẫn không thể hết buồn vì nỗi nhớ nhà da diết: "Mình đặc biệt nhớ khung cảnh gia đình mình quây quần ngồi gói bánh chưng. Bây giờ, nhà mình "quây quần" qua màn hình điện thoại. Là con gái mà, mình cũng khóc, cũng nức nở vì tủi thân, khiến mẹ mình cũng khóc theo. Nếu có một điều ước, thì mình mong dịch bệnh sẽ nhanh qua đi để những đứa trẻ xã quê như mình được đoàn tụ với gia đình theo đúng nghĩa".
Đại dịch đã hoành hành suốt 3 năm qua, khiến ước mơ trở về với quê nhà, người thân trở nên xa vời với nhiều người tha hương. Không chỉ Nguyễn Thanh hay Phương Linh, mọi người đều mong cơn dịch bệnh sớm qua đi để mỗi một mùa xuân đều là mùa vui vẻ, mỗi một ngày Tết là ngày đoàn viên.